Cao tốc Bắc - Nam đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành: Đề nghị tăng cường giám sát cơ chế chỉ định thầu

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư...

Sáng 17/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Có phương án bố trí vốn bảo đảm tiến độ

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, dự án là trục giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Việc đầu tư dự án sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ… Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều dự án đường bộ cao tốc đang gặp khó khăn trong triển khai, thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường..., nữ đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm để có phương án hỗ trợ cho địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) băn khoăn, đầu tư dự án giai đoạn 1 với tổng chiều dài tuyến là 128,8km, quy mô 4 làn xe có làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa đáp ứng lưu lượng xe đến năm 2040 và đến năm 2045 "sẽ không còn phù hợp". Về tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1, ông đề nghị xem xét lại lãi suất vay 10,7% để phù hợp với quy định lãi suất vay hiện hành. "Liên quan đến tiến độ thực hiện, dự kiến hoàn thành dự án này vào cuối năm 2028 và khi đó cần tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp", đại biểu kiến nghị.

ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, đối với dự án này, chúng ta cần phải rà soát kỹ lưỡng về tính hiệu quả của dự án, phương thức bố trí vốn. Nếu có thể thì chúng ta nên bố trí theo phương thức là vốn Trung ương và vốn của nhà đầu tư, trên cơ sở sắp xếp làm sao đảm bảo sự dẫn dắt của đầu tư công, vai trò dẫn dắt của Nhà nước...

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc về cơ chế, chính sách chỉ định thầu. "Qua triển khai thực hiện các dự án, chúng ta thấy rằng, "trên thì mở dưới lại rất chặt chẽ". Ví dụ như quy định cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện, với các tư vấn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư", ông dẫn chứng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ dự án; đồng thời có cơ chế, tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư...

Không có cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản dễ đối mặt rủi ro pháp lý

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ.

Qua nghiên cứu chủ trương đầu tư dự án trên, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) nhận thấy, quy định nội dung khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ tiếp tục gặp 6 vướng mắc liên quan đến quy hoạch, xử lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng dư thừa, phát hiện khoáng sản khi thi công...

Đặc biệt, về thủ tục hành chính, dự thảo nghị quyết chưa tính đến các thủ tục hành chính khác vẫn phải làm như: cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường. "Như vậy, nếu dự thảo nghị quyết không quy quy định cơ chế đặc thù cho phép miễn những thủ tục này, cả nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý sau này" - ông lưu ý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh.

Một vướng mắc khác là dự thảo nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù cho phép được miễn thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác đối với các mỏ đang hoạt động được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án. Nếu phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác sẽ mất rất nhiều thời gian, dẫn đến không đáp ứng được tiến độ, khối lượng vật liệu phục vụ cho dự án.

Nhấn mạnh, 6 vướng mắc nêu trên chắc chắn sẽ gây khó khăn đến tiến độ dự án Gia Nghĩa – Chơn Thành, ĐBQH tỉnh Long An kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách đặc biệt, trong đó đối với khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dư thừa trong quá trình thi công tuyến đường thì cho phép nhà thầu thi công cung cấp cho các công trình khác, kèm theo các nghĩa vụ tài chính.

"Cần giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy hoạch khu vực có liên quan để đảm bảo tiến độ thiết kế của dự án. Khi thi công trên đường nếu phát hiện khoáng sản cần phân biệt thành hai loại, một là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; hai là khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản…", ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh hiến kế.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/cao-toc-bac-nam-doan-gia-nghia-chon-thanh-de-nghi-tang-cuong-giam-sat-co-che-chi-dinh-thau-i734585/