Cao tốc Bắc - Nam liệu có chậm tiến độ?
Các dự án đầu tư công, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước có thể kiểm soát được tiến độ bảo đảm theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, Chính phủ cho rằng, còn phụ thuộc vào thị trường và khả năng huy động vốn tín dụng dài hạn...
Quý I năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 70% mặt bằng các dự án
Báo cáo với Quốc hội về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, hiện nay đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán; phê duyệt toàn bộ các gói thầu thiết kế kỹ thuật khoảng tháng 10-2019 và phê duyệt dự toán khoảng tháng 11-2019.
Cùng đó, Bộ GTVT đã bàn giao cơ bản toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng của 11 dự án thành phần cho các địa phương; nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng đã chuyển về Kho bạc các địa phương. Các địa phương đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, lựa chọn xong đơn vị tư vấn; đang triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng.
Đến nay, dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã bàn giao mặt bằng đạt 7,5km/15,2km và dự án Cam Lộ - La Sơn đã bàn giao 12km/98,3km, đủ điều kiện khởi công từ cuối tháng 8-2019. Đối với các dự án còn lại, dự kiến quý I/2020 sẽ hoàn thành khoảng 70% mặt bằng các dự án.
Liên quan đến công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ: với 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước gồm Dự án Cao Bồ-Mai Sơn, hiện đang tổ chức đấu thầu nhà thầu gói thầu đầu tiên có thể khởi công khoảng tháng 10-2019. Dự án Cam Lộ-La Sơn đã khởi công 2 gói thầu, 9 gói còn lại đang chuẩn bị đấu thầu, dự kiến triển khai thi công trong quý IV/2019.
Với dự án cầu Mỹ Thuận 2, hiện Bộ GTVT đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu, dự kiến tổ chức đầu thầu từ tháng 10-2019 và khởi công xây dựng phần đường dẫn và cầu dẫn trong quý IV/2019.
Dự án sẽ chậm triển khai so với kế hoạch là 3 tháng
Liên quan đến 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, lãnh đạo Bộ GTTV cũng nêu rõ, việc thay đổi phương thức đấu thầu chọn nhà đầu tư sẽ khiến dự án chậm 3 tháng so với dự kiến ban đầu do mất thêm thời gian sơ tuyển nhà đầu tư trong nước.
Trước đó, cuối tháng 9, Bộ GTVT công bố quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ngày 10-10-2019, Bộ GTVT đã thông báo mời sơ tuyển và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 2-2020.
Hiện, Bộ GTVT đã giao các Ban Quản lý dự án phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật (Deloitte, Ernst & Young và Castalia) xây dựng hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.
Dự kiến sau khi hoàn thành (khoảng tháng 11-2019), Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh. Sau khi có kết quả phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán, Bộ GTVT sẽ cập nhật hồ sơ mời thầu và tổ chức thẩm định, phê duyệt (dự kiến tháng 12-2019). Do đó, Bộ GTVT cho biết, việc sơ tuyển chọn nhà đầu tư dự kiến hoàn thành vào tháng 2-2020 và toàn bộ việc đấu thầu tới tháng 11-2020 mới xong.
Cũng tại báo cáo gửi Quốc hội lần này, Bộ GTVT cho biết, các dự án đầu tư công, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước có thể kiểm soát được tiến độ bảo đảm theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, Chính phủ cho rằng, còn phụ thuộc vào thị trường và khả năng huy động vốn tín dụng dài hạn. Mặt khác, quy định hiện nay, Nhà nước có trách nhiệm khảo sát, thiết kế kỹ thuật - dự toán; giải phóng mặt bằng; bố trí, giải ngân nguồn vốn...
Cùng đó, Chính phủ có trách nhiệm đền bù các tổn thất cho nhà đầu tư khi không đảm bảo tiến độ, chất lượng những nội dung thuộc trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nguồn vốn và thẩm quyền quyết định để đền bù cho nhà đầu tư chưa được quy định trong Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công. Trong khi thực tế có rất nhiều nội dung khó có thể đảm bảo tiến độ, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu những thách thức về vốn có thể là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ. Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn phía Đông có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách và hơn 63.710 tỷ vốn vay thương mại, chủ yếu dựa vào vốn vayngân hàng trong nước. Trong khi đó, các ngân hàng, hiện cũng không còn nhiều dư địa để cho vay dài hạn.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 1-2018, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn và tỷ lệ này còn tiếp tục giảm. Đến nay, phần lớn nguồn vốn cho vay của các nhà băng vẫn đến từ huy động ngắn hạn.
Vì thế, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/cao-toc-bac-nam-lieu-co-cham-tien-do-565782/