Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vượt qua giai đoạn cam go, tiến về đích
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hiện đạt trên 52% khối lượng, khi hoàn thành sẽ nối liền một mạch từ TP.HCM đến Nha Trang.
“Xe kế tiếp…”, nam công nhân điều tiết hét lớn trong tiếng động cơ xình xịch, vẫy tay báo hiệu cho một xe tải chở bê tông chạy vào trạm trộn cốt liệu nóng.
Trên cabin điều khiển, kỹ sư Hoàng Xuân Học - Phó tổng giám đốc Công ty 194 - căng mắt điều chỉnh từng thông số nhiệt độ. Đều đặn, một mẻ bê tông nhựa được ra lò, vận chuyển đi, một mẻ khác lại tiếp tục được đưa vào phễu phối nấu.
Công việc của hơn 700 kỹ sư, công nhân trên công trường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo những ngày đầu tháng 7 liên tục như thế. Họ bắt đầu khi vừa chạng vạng và kết thúc lúc nửa đêm.
“Chạy” hết công suất
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Nhà nước là 5.139 tỷ; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194) là 1.030 tỷ.
Đây là dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong số 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo phương thức PPP (đối tác công- tư) nhưng là công trình đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công.
Cách quốc lộ 1 hơn 15 phút lái xe, men theo mỏ đá Nam Châu Sơn là con đường dẫn vào công trường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn dự án của Công ty 194. Phân đoạn cao tốc trải dài từ Km54 - Km 92+260 do Công ty CP Xây dựng 194 thực hiện đã hoàn thành 52% khối lượng. Dọc tuyến cao tốc, nhựa đường đã được thảm trải hoàn chỉnh một nửa.
“Để được như vậy, có những ngày trạm trộn bê tông “đua” hết công suất, những ngày cao điểm phải cho ra lò từ 1.500 - 1.800 tấn bê tông”, kỹ sư Hoàng Xuân Học nói về thành quả.
Trong bối cảnh các đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm đều đã đưa vào khai thác, tiến độ hoàn thành tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo với các nhà đầu tư càng trở nên áp lực.
Ông Trần Nam Trung, Tổng giám đốc Công ty 194 cho biết, đơn vị đang tập trung toàn bộ nhân lực để rút ngắn tiến độ công trình. “Con số 52% là sản lượng đã nghiệm thu, khối lượng thi công thực tế cao hơn thế, vượt 60%", ông Trần Nam Trung nói về tiến độ.
Là người trực tiếp điều hành, ông Trung cho hay các đầu việc khó khăn nhất trên công trường như (thi công bệ móng cầu, khoan cục) đã hoàn tất. Trong đó, cầu số 1 và cầu số 3 là hai cây cầu có quy mô lớn nhất đang trong giai đoạn lao dầm.
Cầu số 1 có quy mô dài 1.800m, trụ cao 42m, mỗi nhịp 20m; còn cầu số 3 dài 800m, trụ cao 45m và cũng là cây cầu vắt qua hai ngọn núi, cao nhất tuyến cao tốc từ Cam Lâm vào TP.HCM.
Ông Trần Lệnh Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng 194 cho hay: “Đơn vị đang thúc tiến độ xây lắp các cây cầu tiếp theo, quy mô nhỏ hơn, kỹ thuật đơn giản. Dự kiến đến 10/7, khoảng 7 cây cầu nữa được lao dầm”, ông Trần Nam Trung thông tin và cho biết để đáp ứng khối lượng lớn còn lại, đơn vị phụ trách luôn duy trì gần 700 nhân lực, riêng công nhân thi công trực tiếp là 500 người.
"Việc khoan hoàn thành các mố cầu, trụ cầu số 1 và 3 trước đó đặc biệt gian nan khi dưới nền đất là đá tảng khối. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến đoạn dự án này gặp khó khăn về tiến độ. Nhưng đến nay đã xong phần khó nhất, bây giờ chúng tôi chỉ còn việc tăng tốc, không còn lo về tiến độ", ông Phú nói thêm.
Khó khăn ghìm tiến độ
Trong khi đó, ở hướng thi công từ Km 92+260 trở đi của Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, tiến độ ban đầu tăng tốc rất tốt nhưng hiện nay đang gặp khó khăn ở hạng mục hầm Núi Vung (từ Km 123+889 - Km 124+112) do sự cố địa chất yếu.
Hầm đường bộ núi Vung dài 2.250m nằm giáp ranh 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây cũng là một trong những hạng mục quan trọng của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Tính đến đầu tháng 7, mũi đào hầm phía bắc (phía từ Ninh Thuận) đã đào được 2.160m, trong khi mũi đào hầm phía nam mới chỉ đạt 1.902m do gặp địa chất yếu. Tổng khối lượng hạng mục này đạt hơn 84%, tương đương còn 348m
Theo kế hoạch, hầm sẽ hoàn thành vào tháng 3/2023 nhưng quá trình làm phát hiện nhiều vị trí địa chất yếu, khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật ban đầu và phải điều chỉnh lại.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cho biết, việc thi công không thể dừng lại chờ điều chỉnh thiết kế kỹ thuật nên các bên thống nhất đưa ra giải pháp xử lý phù hợp với địa chất thực tế. Do đó, kế hoạch thông hầm trước đó là 26/3 năm nay phải dời lại sớm nhất là vào 20/7.
Không riêng công tác thi công hầm, dự án cũng gặp khó khăn chung của nhiều công trình lớn khác như thiếu hụt nguồn vật liệu như đất đắp, đá, cát và giá nguyên vật liệu tăng đột biến, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ dự án.
Một số mỏ vật liệu phục vụ dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo được nêu trong thiết kế trên thực tế không có khả năng khai thác. Nhà đầu tư, địa phương phải chủ động tìm kiếm các mỏ khác thay thế. Sau đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận cho phép khai thác đất đắp tại 2 mỏ Phước Hữu, Phước Vinh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu cho dự án.
Các nhà thầu thi công cho biết đã phân loại, tận dụng tối đa vật liệu đá từ khoan hầm, làm nền đường. Đến nay, nguồn vật liệu đá (các loại) đáp ứng 80% nhu cầu dự án.
Bên cạnh đó, thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có kỹ thuật, tay nghề cao cũng là vấn đề "đau đầu" của nhà đầu tư. Song, bằng nhiều giải pháp, đơn vị thu hút được gần 2.000 cán bộ, công nhân. Số lượng máy móc, thiết bị cũng được huy động lên đến con số 750; trong số đó có nhiều thiết bị hiện đại như thiết bị khoan hầm, giàn khoan xoay phá đá cứng thi công cọc nhồi, trạm nghiền, trạm trộn...
Dự án bước vào giai đoạn nước rút, bất nhất trong thiết kế kỹ thuật lẫn việc thiếu vật liệu vẫn đang là vấn đề khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Theo đó, Đèo Cả và Công ty 194 đã kiến nghị Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Ban quản lý dự án 85 có ý kiến UBND tỉnh Ninh Thuận để chỉ đạo UBND các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng; di dời công trình hạ tầng tồn tại và bàn giao nhà đầu tư.
Ban Quản lý dự án 85 được đề nghị xem xét trình Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật điều chỉnh hầm Núi Vung trên cơ sở hồ sơ được thẩm định, phê duyệt để nhà đầu tư chỉ đạo nhà thầu lập lại tiến độ thi công tổng thể.
Nhà đầu tư cũng đề xuất cơ quan chức năng chỉ đạo đơn vị Tư vấn thiết kế lập và trình Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật điều chỉnh hạng mục BOT, nút giao phù hợp để triển khai đồng bộ trên toàn dự án.
Thi công kè ta luy chống sạt lở đoạn qua thôn Bà Râu, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. Ảnh: Đặng Đại
Rời trạm bê tông “không khói”, xe công trường đưa chúng tôi đi dọc hai ngọn núi thoai thoải. Ven hai bên đường, những người phu công vẫn miệt mài đắp cát, tưới đường, không khí hăng say, hối hả.
Cả người lẫn máy móc thời điểm này đều hoạt động “hết công suất” để cao tốc dự án tiến nhanh về giai đoạn hoàn thiện. Khi cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thành hình, không chỉ quãng đường từ TP.HCM đến Nha Trang được rút ngắn đáng kể, mà còn tạo dấu ấn tiên phong cho các công trường dọc theo hệ thống “đại công trường” cao tốc Bắc - Nam.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo khởi công hồi tháng 9/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2024. Tuyến cao tốc khi đưa vào khai thác sẽ rút ngắn quãng đường TP.HCM đi Nha Trang còn khoảng 5 giờ, giảm gần một nửa so với đi trên quốc lộ 1. Công trình còn đóng vai trò kết nối các trung tâm du lịch, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay… đi qua các địa phương.
Hồi tháng 5, các đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến Bình Thuận, các tỉnh miền Trung và ngược lại. Như vậy, cùng với 3 tuyến cao tốc trên, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành sẽ nối một mạch từ Nha Trang vào TP.HCM.