Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh: Hành trình vượt khó trong mùa mưa bão

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là công trình hạ tầng trọng điểm, mang ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh biên giới Cao Bằng.

Sau hơn 1 năm kể từ ngày khởi công vào 1/1/2024, dự án đã đạt được những cột mốc quan trọng, từng bước hiện thực hóa giấc mơ của cán bộ, nhân dân tỉnh Cao Bằng về một tuyến đường huyết mạch nối liền Lạng Sơn với Cao Bằng, mở ra kỳ vọng về sự chuyển mình mạnh mẽ của địa phương.

Các đơn vị huy động máy móc đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh tư liệu: Chu Hiệu/TTXVN

Các đơn vị huy động máy móc đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh tư liệu: Chu Hiệu/TTXVN

Giai đoạn 1 của dự án dài hơn 93km, xuyên qua địa hình núi đá vôi (karst) hiểm trở. Tuyến đường này bao gồm hai hầm xuyên núi và 64 cây cầu vượt qua nhiều khe núi, sông suối. Theo đánh giá của Bộ trưởng Xây dựng, đây là một trong những dự án thách thức nhất cả nước, không chỉ bởi yếu tố kỹ thuật mà còn bởi địa chất phức tạp, thời tiết khắc nghiệt và khối lượng công việc khổng lồ phải thực hiện trong khung thời gian hạn chế.

Hiện nay, khi mùa mưa lũ với nhiều diễn biến khó lường, áp lực tiến độ càng trở nặng hơn. Mỗi trận mưa đều có thể gây xáo trộn công địa, cuốn trôi vật liệu, tạo cung sạt lở hoặc làm chậm tiến độ công trình. Chính vì vậy, chủ đầu tư – Công ty Cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (doanh nghiệp dự án) – đã triển khai đồng loạt 286 mũi thi công với sự tham gia của hơn 3.260 cán bộ, kỹ sư và công nhân, cùng hơn 1.467 thiết bị máy móc hiện đại. Các mũi thi công hoạt động không ngừng nghỉ theo mô hình "3 ca, 4 kíp", tranh thủ từng giờ khô ráo để bù lại thời gian bị gián đoạn bởi thiên tai.

Công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 99,85% diện tích toàn tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1,21 ha vướng vào đất ở và đất sản xuất nông nghiệp chưa được giải tỏa, gây khó khăn trong việc hoàn thiện ranh giới thi công kỹ thuật tại một số phân đoạn. Việc chưa bàn giao đầy đủ mặt bằng ảnh hưởng trực tiếp đến việc bố trí công địa, điều phối đất đắp, xử lý đổ thải và giảm sản lượng thực tế trên toàn tuyến.

Về vật liệu thi công, các nhà thầu đã có nhiều sáng kiến tận dụng đá từ đào nền và đào hầm để nghiền cung cấp tại chỗ, giảm thiểu chi phí vận chuyển. Đất đắp nền được cấp theo các mỏ đã được phê duyệt, giúp đảm bảo nguồn cung kịp thời. Tuy nhiên, các mỏ đá và cát – gồm 14 mỏ đá và 5 mỏ cát – vẫn chưa được nâng công suất phù hợp với nhu cầu khối lượng ngày càng tăng. Một số mỏ chủ chốt đang trong quá trình xin nâng công suất, gây ra tình trạng thiếu hụt vật liệu và kéo dài thời gian thi công. Vận chuyển xa, địa hình hiểm trở cũng làm tăng áp lực chi phí.

Thời tiết thất thường là một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Thời tiết mưa nhiều khiến mặt bằng thi công ngập nước, trơn trượt, nhiều điểm sạt lở xuất hiện bất ngờ.

Các nhà máy thủy điện trong khu vực xả lũ khiến nước sông dâng cao, chia cắt công trường thành từng cụm nhỏ, máy móc không thể tiếp cận, công nhân phải tạm nghỉ thi công nhiều ngày liền. Ngoài ra, địa hình vùng núi Đông Bắc có hàm lượng sét cao, đất dễ sụt lún khi gặp mưa lớn, đòi hỏi việc khảo sát địa chất và xử lý nền móng phải được điều chỉnh liên tục. Nhiều vị trí móng cầu khi đào sâu phát hiện hang ngầm, buộc phải thay đổi phương án kỹ thuật từ khoan xuyên đến gia cố nền, tăng thêm thời gian và chi phí thi công.

Theo đại diện Ban Điều hành Tổng thầu dự án, việc hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2025 không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà là chỉ đạo mang tính chiến lược từ Chính phủ. Mỗi ngày trôi qua, áp lực không ngừng gia tăng. Việc thi công đồng thời cả hai giai đoạn – trong đó giai đoạn 2 đang khởi động – khiến nguồn lực phải chia sẻ, công địa phải tính toán kỹ lưỡng. Doanh nghiệp dự án đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tối đa vào các hạng mục đường găng, rà soát trình tự thi công, bổ sung thêm máy móc và nhân lực, đồng thời bố trí mô hình thi công linh hoạt, tranh thủ tối đa khoảng thời gian thuận lợi về thời tiết để bù tiến độ.

Chúng tôi có mặt tại công trường vào một ngày cuối tháng 7, khi bầu trời vẫn còn phủ bởi mây đen do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Không khí ẩm ướt, mặt đất lầy lội. Tuy nhiên, trái ngược với cảnh thiên nhiên u ám, nhịp làm việc tại công trường lại hối hả, khẩn trương.

Anh Vũ Văn Dũng – chuyên viên Ban Quản lý Dự án – chia sẻ đây là một trong những công trình gian nan nhất trong hơn 15 năm công tác của anh tại Đèo Cả. xây cầu vượt và khoan núi làm hầm là những thách thức lớn nhất trong dự án này. Tuyến đường phải xây dựng tới 64 cây cầu, trong đó cầu dài nhất hơn 600m. Nhiều mố cầu phải khoan vào lòng núi đá, xuyên qua hang động ngầm. Ngoài ra, những mái taluy có độ dốc lớn, dễ bị xói mòn trong mùa mưa.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh không chỉ là tuyến đường kết nối giao thông, mà là hành trình mở ra cơ hội phát triển mới cho khu vực biên giới phía Bắc. Mỗi mét đường được mở, mỗi cây cầu được bắc qua đều là những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân Cao Bằng, của cán bộ, công nhân tập đoàn Đèo Cả.

Quốc Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/cao-toc-dong-dang-tra-linh-hanh-trinh-vuot-kho-trong-mua-mua-bao-20250724215320509.htm