Cao tốc Mai Sơn - QL45 thi công nước rút để 'cán đích' đúng dịp 30/4

Toàn bộ hệ thống đường, cầu, hầm qua núi thuộc dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 đã thi công xong, ô tô hiện nay có thể chạy thông suốt từ Ninh Bình vào địa phận thành phố Thanh Hóa. Hiện các đơn vị đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để thông xe đúng dịp nghỉ lễ 30/4.

Rút ngắn 1/2 thời gian chạy xe

Sau hơn 2 năm thi công, đến nay dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45 đã hiện hình hài một con đường theo tiêu chuẩn cao tốc dài hơn 50 km chạy thẳng từ Nam thành phố Ninh Bình vào đến địa phận thành phố Thanh Hóa (nút giao Đông Xuân, địa phận theo quy hoạch sẽ nhập vào thành phố Thanh Hóa trong thời gian tới).

Cao tốc Mai Sơn - QL45 đã thi công xong đường, cầu, hầm; hiện dự án đang hoàn thiện các nút giao, trong đó có nút giao Đông Xuân (ảnh). Ảnh: Trọng Đảng

Cao tốc Mai Sơn - QL45 đã thi công xong đường, cầu, hầm; hiện dự án đang hoàn thiện các nút giao, trong đó có nút giao Đông Xuân (ảnh). Ảnh: Trọng Đảng

Với cự ly 150 km, bình thường xe ô tô chạy hết 3 giờ đồng hồ, nhưng sau khi cao tốc Mai Sơn - QL45 thông xe, với tốc độ trung bình từ 80 - 100km/h xe ô tô chỉ chạy hết 1,5 giờ từ Hà Nội vào đến địa phận thành phố Thanh Hóa, rút ngắn 1/2 thời gian đi lại. “Ngoài giải quyết tình trạng quá tải phương tiện giao thông cho QL1A nằm song song phía bên trái tuyến, cao tốc Mai Sơn - QL45 còn giảm áp lực về thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp vận tải đi trên trục Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Thanh Hóa”, đại diện tư vấn giám sát dự án đánh giá.

Ghi nhận của phóng viên tại công trường dự án trong mấy ngày qua, hiện phần đường cao tốc rộng 17 mét được chia làm 4 làn xe (mỗi chiều 2 làn) từ nút giao Mai Sơn (Ninh Bình) vào đến nút giao Đông Xuân (Đông Sơn, Thanh Hóa) dài hơn 50 km đã thi công xong, xe ô tô có thể chạy thông suốt từ điểm đầu đến đoạn cuối dự án. Trên tuyến có 8 cầu vượt, 2 cầu vượt sông lớn, 2 hầm chui qua núi và trên 60 hầm chui dân sinh cũng được các nhà thầu hoàn thành.

Trao đổi với PV Tiền Phong, về thực trạng và khối lượng thi công tại dự án, ông Lương Văn Long, Giám đốc Điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho biết, dự án đã đạt trên 90% khối lượng, riêng đoạn chuẩn bị thông xe Mai Sơn - Đông Xuân đạt 98%.

Tại đoạn tuyến chuẩn bị thông xe có 8 nút giao, hiện 6 nút giao đã thi công xong, còn 2 nút giao gồm Thiệu Giang (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và Đông Xuân đang được các nhà thầu gấp rút thi công, hoàn thiện trước 25/4 để dự án thông xe, khai thác đúng dịp 30/4. "Với đoạn cuối tuyến dài 9,5 km từ nút giao Đông Xuân đi QL45 (tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa), do dự án đường kết nối với cao tốc chưa xong nên đoạn này phải đưa vào khai thác sau 30/4", ông Long thông tin.

Một đoạn mặt bằng cao tốc đi qua Thanh Hóa vừa được công nhân dỡ tải để xây hầm chui phục vụ dân sinh.

Một đoạn mặt bằng cao tốc đi qua Thanh Hóa vừa được công nhân dỡ tải để xây hầm chui phục vụ dân sinh.

Tại công trường nút giao Đông Xuân những ngày qua (nút giao vào thành phố Thanh Hóa), phóng viên ghi nhận, liên danh 2 nhà thầu của gói thầu số 14-XL là Tổng Cty Vinaconex và Công ty Trung Nam E&C đã tập trung trên 50 phương tiện máy móc với cả trăm công nhân, cán bộ thi công ngày đêm 3 ca liên tục. Phần việc đang được các nhà thầu tập trung thi công là thảm nhựa mặt đường dẫn, đường kết nối với QL47, QL45. Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng Văn phòng Điều hành dự án cao Mai Sơn - QL45 phụ trách gói thầu 14-XL cho biết, hiện tiến độ dự án đã đạt khối lượng thi công gần 90%, công việc còn lại chỉ là hoàn thiện mặt đường, sơn kẻ, dựng biển bảo giao thông. Các công việc này nhà thầu đang có kế hoạch hoàn thành trước 25/4.

Tại nút giao Thiệu Giang do tỉnh Thanh Hóa xin đầu tư để kết nối với cao tốc Bắc - Nam, việc thi công đang diễn ra ở phạm vi bên ngoài dự án. Khi nút giao này thông xe, từ cao tốc đi về cầu Vạn Hạ, cầu Kiểu, thị trấn Quán Lào (Yên Định), cầu Vàng (Thọ Xuân) sẽ gần nhất.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 với những điều chưa có tiền lệ

Ông Lương Văn Long, Giám đốc Điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 cho biết, dự án được thực hiện với những điều chưa có tiền lệ. Điều thứ nhất, ông Long cho rằng, thời gian thi công dự án rất ngắn, trong hàng chục năm công tác trên lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, chưa có công trình nào như cao tốc Mai Sơn - QL45 thời gian vừa xử lý nền đất yếu, chờ lún và thi công hoàn thành dự án chỉ trong 24 đến 30 tháng.

Theo ông Long, bình thường một công trình giao thông đi qua đồng ruộng có sình lầy thời gian chất tải theo dõi lún, sau đó dỡ tải, xử lý lún để thi công được phải mất ít nhất 30 tháng, thậm chí là 36 tháng. Tuy nhiên, trước sức ép về giao thông đi lại trên QL1A và yêu cầu của thực tế, chủ đầu tư và các nhà thầu đã áp dụng nhiều giải pháp xử lý nền đất yếu tiên tiến nhất để đến nay chỉ hết 31 tháng đã thi công xong trên 50 km đường theo tiêu chuẩn cao tốc.

Để kịp tiến độ dự án, hiện công nhân phải "chong đèn" điện để thi công, thảm bê tông nhựa cả ban đêm. Ảnh: Lương Văn Long.

Để kịp tiến độ dự án, hiện công nhân phải "chong đèn" điện để thi công, thảm bê tông nhựa cả ban đêm. Ảnh: Lương Văn Long.

Điều thứ hai, ông Long thông tin, cao tốc vừa khởi công xong thì dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều địa phương trong đó có các tỉnh thành dự án đi qua như Ninh Bình, Thanh Hóa phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, điều này khiến công trường dự án phải dừng thi công thời gian dài vì nhân công, máy móc không thể huy động.

Điều thứ ba, là sau khi dịch COVID-19 được khống chế, công trường bắt đầu thi công trở lại thì gặp “bão giá” nguyên, vật liệu, điều này dẫn đến một thực tế rất khó khăn là nhà thầu cứ thi công là lỗ. Tại thời điểm năm 2021-2022 giá nguyên nhân trên thị trường so với giá thời điểm làm hồ sơ dự thầu “vênh” nhau theo hướng vượt từ 30 đến 50%. Thực tế này cũng là nguyên nhân chính khiến một số nhà thầu tại dự án đã phải chuyển lại khối lượng thi công cho các nhà thầu khác có tiềm lực hơn.

Ở góc độ đơn vị thi công, ông Phan Duy Hiếu, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nhà thầu chính gói thầu 12-XL có hạng mục thi công hầm Thung Thi qua núi tại huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết, ngoài vượt qua những điều chưa có tiền lệ trên thì tại dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn – QL45 đơn vị còn phải gánh phần việc của nhà thầu khác mà biết làm sẽ lỗ. "Tuy nhiên vì đây là công việc, trách nhiệm chung tại dự án nên nếu đơn vị không làm thì dự án sẽ bị đình trệ, gói thầu của đơn vị cũng bị ảnh hưởng”, ông Hiếu nói".

Ông Phan Duy Hiếu, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nói với phóng viên về quy mô và công nghệ đào hầm Thung Thi. Theo ông, vì tiết diện đào hầm rộng (3 làn xe), lại đào ở núi đá xanh liền khối, rắn chắc nên đây là hầm đào khó khăn nhất từ trước đến nay của Đèo Cả.

Ông Phan Duy Hiếu, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nói với phóng viên về quy mô và công nghệ đào hầm Thung Thi. Theo ông, vì tiết diện đào hầm rộng (3 làn xe), lại đào ở núi đá xanh liền khối, rắn chắc nên đây là hầm đào khó khăn nhất từ trước đến nay của Đèo Cả.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thông tin một số điểm nổi bật tại công trình hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn - QL45 so với các dự án hầm qua núi khác mà Đèo Cả đã từng thực hiện. Cụ thể, ông Hiếu cho biết, so với các hầm đường bộ như Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông… nằm trên QL1A thì hầm Thu Thi được đào và thi công với chiều rộng hầm đang lớn nhất Việt Nam. Hầm Thung thi gồm có 2 ống hầm dài 680 mét, lòng hầm rộng 14,05 mét tương đương 3 làn xe ô tô.

Ngoài là hầm rộng nhất Việt Nam hiện nay và có đầy đủ thiết bị đảm bảo an toàn như hệ thống chiếu sáng, quạt phản lực thông gió, giám sát giao thông thông minh (ITS), hầm Thung Thi còn được xây dựng “đón đầu” cho cả giai đoạn 2 khi cao tốc được nâng lên 6 làn xe. “Cùng với đó, so với các gói thầu khác, hầm Thung Thi là một trong những công trình hoàn thành đầu tiên tại dự án là tháng 12/2022, hiện nay hầm đang chờ dự án thông xe để đưa vào khai thác, sử dụng”, ông Hiếu nói.

Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 thuộc nhóm 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng mức đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng. Dự án Mai Sơn - QL45 có tổng chiều dài 63,37km đi qua các tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa. Dự án được khởi công 30/9/2020 có tiến độ hoàn thành tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước. Do một số yếu tố khách quan và chủ quan, dự án đến nay phải lùi thời gian thông xe từ 31/12/2022 đến 30/4/2023, hiện tiến độ này đang được đáp ứng.

10 dự án còn lại bao gồm: Cao Bồ - Mai Sơn (đã thông xe năm 2022), QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Cam Lộ - La Sơn (đã thông xe năm 2022); Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Cầu Mỹ Thuận.

Đầu năm 2022, Báo Tiền Phong có loạt bài với nhan đề “Cao tốc Bắc - Nam ì ạch vì sao?” giải mã một số nguyên nhân khiến các dự án cao tốc giai đoạn 2017 - 2020 bị chậm tiến độ so với yêu cầu của Chính phủ. Sau khi báo đăng, các bộ ngành có liên quan trong đó có Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đã họp và đưa nhiều giải pháp, văn bản tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ các dự án.

Trọng Đảng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cao-toc-mai-son-ql45-thi-cong-nuoc-rut-de-can-dich-dung-dip-304-post1526006.tpo