Cao tốc lên Tây Bắc, tạo đà cho tỉnh nghèo nhất nước vươn lên dẫn đầu khu vực
Từ một địa phương nghèo nhất cả nước, tỉnh Lào Cai có sức bật lớn về kinh tế - xã hội, thu hút lượng lớn nhà đầu tư sau khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được hoàn thành và đưa vào khai thác…
Sức bật từ một tỉnh nghèo nhất nước
Là một trong những kỹ sư đầu tiên gắn bó với tuyến đường kể từ lúc khởi công, ông Đào Quang Tuấn, Bí thư Chi Bộ, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) các đường cao tốc phía Bắc, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án đầu tư, xây dựng tuyến đường vẫn khắc sâu khoảnh khắc “con đường mơ ước” của người dân Tây Bắc được thông xe.
Đi qua 5 địa phương với chiều dài 264km, tuyến cao tốc góp phần thay đổi diện mạo giao thông Tây Bắc nói chung và 5 địa phương có tuyến cao tốc đi qua nói riêng.
Theo đó, từ khi có tuyến cao tốc, tai nạn giao thông trên các tỉnh lộ và quốc lộ lân cận đường cao tốc như: QL2, QL2B, QL32C, QL4E và QL 70 được kéo giảm tới 95% về số vụ tai nạn dẫn đến tử vong.

Người dân bản địa thị trấn Sapa tham gia làm du lịch. Ảnh: VNN
“Không những thế, cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng là trục cao tốc quan trọng, tăng cường kết nối với các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và kết nối nội vùng Tây Bắc, tạo đà chuyển dịch kinh tế và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”, ông Tuấn thông tin.
Còn ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Giám Đốc Công ty TNHH TM&ĐV Minh Thành Phát (nhà xe Xe Sao Việt) cho biết thêm, thời gian qua nhiều tuyến cao tốc, đặc biệt lên các vùng kinh tế khó khăn, miền núi được đưa vào khai thác đã chứng minh hiệu quả rõ rệt.
“Trước đây tuyến xe khách, xe hàng đi từ Hà Nội lên Lào Cai thường mất thời gian từ 8-10 giờ. Giá cược vận tải cao mà tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn. Do đường vừa nhỏ, vừa xóc, những khúc cua xuất hiện liên tiếp trên cung đường. Lái xe chỉ non tay là nguy cơ lao xuống vực.
Đặc biệt, cước vận chuyển hàng hóa trước đây từ Hà Nội – Lào Cai khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tấn (khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg). Từ ngày cao tốc khai thông giá cước vận chuyển hàng hóa chỉ còn 800 - 1.000 đồng/kg, thậm chí có thể xuống tới 500- 600 đồng/kg”, ông Bằng thông tin.

Cao tốc Nội Bài- Lào Cai được đưa vào khai thác đã "biến" một tỉnh nghèo nhất nước vươn lên top đầu khu vực Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Hà
Là địa phương được thụ hưởng "nhiều nhất" lợi ích của tuyến đường mang lại, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cho biết thêm, năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh biên giới.
Sau khi được đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc Nội Bài- Lào Cai thông tuyến, tỉnh đã vươn mình trở thành tỉnh khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tuyến cáp treo Fansipan ở Sa Pa. Ảnh: Ánh Dương
“Đây là bước đột phá lớn của toàn ngành giao thông vận tải, tạo đà dịch chuyển kinh tế - xã hội, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Tính toán cho thấy, cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách đã tăng trưởng vượt bậc, lưu lượng tham gia lưu thông trên tuyến liên tục tăng khoảng 10%/năm, mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và thu hút đầu tư của các địa phương khu vực Tây Bắc. Riêng Lào Cai là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất sau khi tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng”, lãnh đạo tỉnh Lào Cai thông tin.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt gần 10%/năm, tốc độ giảm nghèo nhanh, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn, vùng cao có nhiều đổi mới. Nếu năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở địa phương chỉ đạt 9,8 triệu đồng thì đến năm 2020, con số này tăng lên 29,1 triệu đồng, đứng thứ 4 trong vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Quy mô GRDP của tỉnh tăng từ 13,1 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên 31,9 nghìn tỷ đồng năm 2020 và gần 74 nghìn tỷ đồng năm 2023 (đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc). Đáng chú ý, lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng bình quân 22%/năm.
Doanh nghiệp, người dân chờ đợi những tuyến mới
Với hiệu quả mà các tuyến cao tốc đưa vào khai thác thời gian qua mang lại, những năm gần đây, cả nước đã tập trung “nối dài” thêm nhiều tuyến mới.
Trong đó, phải kể đến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang với tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng được khởi công từ tháng 10/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Gần đây nhất, ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cũng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn. Tuyến đường được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải từ Bắc Kạn đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cao tốc mở ra kéo giảm chi phí logistics. Ảnh nhân viên nhà xe bốc xếp hàng hóa cho tuyến Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: N. Huyền
Chia sẻ ngay tại lễ khởi công, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng có vai trò quan trọng kết nối các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội.
Trong đó, tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn trước mắt kết nối TP Bắc Kạn với Thủ đô Hà Nội, đáp ứng nhu cầu vận tải thuận tiện, an toàn tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội trên hành lang này.
Đồng thời, tuyến cao tốc cũng giúp kết nối TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể - Na Hang (Tuyên Quang) và liên kết với các tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Tuyên Quang - Phú Thọ, Nội Bài - Lào Cai...
Chị Nông Thị Luyên, tổ 16, phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tuy phải giải tỏa hơn 200m2 đất bao gồm đất thổ cư và đất vườn đồi, nhưng gia đình chị sẵn sàng di dời để địa phương mình xây dựng con đường mới phát triển kinh tế. Chị kỳ vọng, tuyến cao tốc hoàn thành, đời sống kinh tế gia đình khá lên. Chị có chút ít tiền từ đền bù giải phóng mặt bằng sẽ mở quán, bán hàng gia tăng thêm thu nhập. Các con chị có cơ hội về xuôi học hành.
Với vai trò giám đốc nhà xe Sao Việt, ông Bằng cũng rất chông trờ các tuyến đường đang triển khai như Thái Nguyên - Chợ Mới; Chợ Mới – Cao Bằng, Hà Giang- Tuyên Quang… sớm đưa vào khai thác.
“Chúng tôi mong các tuyến đường sớm thông xe để triển khai các phương án vận chuyển hành khách, hàng hóa từ Hà Nội lên các địa phương miền núi phía Bắc và ngược lại”, ông Bằng thông tin.