Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chạy đua với tiến độ

Theo thông tin từ Ban Điều hành dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, hiện nay, nhà thầu đã triển khai 31 mũi thi công với hơn 470 nhân sự và 180 đầu máy móc thiết bị, tập trung tại các hạng mục 'đường găng' như hầm số 1, số 2 và số 3, cầu sông Vệ, cầu TL624, các nút giao… và một số đoạn cần xử lý đất yếu.

Minh bạch để cộng đồng giám sát

Là đơn vị đứng đầu liên danh trúng thầu dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, chủ trương cộng đồng giám sát được Tập đoàn Đèo Cả triển khai từ những ngày đầu, để người dân kịp thời theo dõi, cổ vũ động viên cũng như giám sát hoạt động của các bên liên quan, đồng thời, nêu các vấn đề vướng mắc để kịp thời tháo gỡ với mục đích cuối cùng là đưa dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Trên công trường Quảng Ngãi- Hoài Nhơn. Ảnh: Minh An

Trên công trường Quảng Ngãi- Hoài Nhơn. Ảnh: Minh An

Nhận định về chủ trương này, PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam khẳng định: “Để cao tốc Bắc - Nam sớm được đưa vào vận hành khai thác, ngoài sự quyết tâm của các bên còn cần sự vào cuộc của cả cộng đồng bằng việc để người dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện cam kết của Nhà nước và các bên liên quan. Sự giám sát của cộng đồng là cần thiết, góp phần tăng tính minh bạch trong thực hiện dự án, để người dân kịp thời phát hiện những vi phạm và phản ánh. Việc này đồng thời thúc đẩy các bên làm tốt nghĩa vụ của mình tại dự án”.

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, có chiều dài 88km, với tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng, chia làm 3 gói thầu gồm XL01, XL02, XL03.

Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, trên tinh thần “được bàn giao mặt bằng ở đâu, nhà thầu thi công ngay ở đó”, ngay từ khi bắt đầu khởi công, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động nhân sự, máy móc thiết bị để tập trung triển khai các hạng mục công việc theo đúng hợp đồng ký với chủ đầu tư.

“Tại gói thầu XL01, nhà thầu tập trung vào các mũi thi công liên quan đến đường găng dự án như nút giao hay cầu lớn trên tuyến. Với gói thầu XL02 và XL03 vừa khởi công, chúng tôi đã làm các lán trại, huy động máy móc thiết bị và con người tiếp cận công trường, giảm thời gian cho công tác chuẩn bị từ 3 tháng xuống còn 1 tháng để tiết kiệm thời gian thực hiện dự án”, ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

Để tối ưu hóa hiệu quả quản trị dự án, liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã ứng dụng công nghệ số thông qua việc sử dụng các thiết bị LiDAR và 3D-Laser Scanning, kết hợp ứng dụng BIM trên điện toán đám mây. Các công nghệ này sẽ số hóa hiện trạng dự án, lập mô hình 3D, hỗ trợ đơn vị thi công kiểm tra tính đúng đắn bản vẽ đã thiết kế, tính khối lượng đào đắp, giám sát khối lượng thực tế nhà thầu thực hiện, xem trực quan công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá toàn cảnh dự án sau từng giai đoạn thi công, kiểm soát chuyển vị của công trình... Bên cạnh đó, đặt để kiểm soát hoạt động thi công trên công trường, nhà thầu đã thực hiện lắp hệ thống camera giám sát trên toàn tuyến.

Đồng lòng gỡ vướng thi công

Ngày 29.12.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1250 chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia, trọng điểm. Công điện đặc biệt nhấn mạnh sự vào cuộc đồng bộ của bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, nhà thầu và người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 82%. Tuy nhiên, tại các gói thầu vẫn còn các vị trí còn “xôi đỗ” dẫn đến chưa thể thi công liên tục, cần có sự hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự đôn đốc của Ban Quản lý dự án, xác định giá và đền bù giải phóng mặt bằng của địa phương.

Một trở ngại lớn khác là bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ cùng lúc thi công dự án cao tốc. Đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đã được quy hoạch giao cho nhà thầu thi công dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương trình tự, thủ tục khai thác. Tuy nhiên, được biết thủ tục cấp phép tại một số địa phương kéo dài đến 6 tháng.

Đối với các mỏ thương mại, nhà thầu cho biết đã khảo sát các mỏ đất thương mại để phục vụ thi công giai đoạn đầu của dự án nhưng đa số các mỏ trữ lượng ít, công suất khai thác thấp và đang cung cấp cho các dự án của tỉnh, do vậy khả năng cung cấp cho dự án bị hạn chế. Đường tiếp cận một số mỏ thương mại rất khó khăn, nhỏ hẹp và đi qua khu dân cư, khi tăng cường xe vận chuyển khối lượng lớn và hoạt động kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Ngoài ra, vấn đề bãi đổ thải phục vụ dự án, hệ thống mốc mạng sai số lớn vượt quá cho phép, hay một số bản vẽ kỹ thuật điển hình không thống nhất cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án, cần sớm được giải quyết.

Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định địa phương đủ nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp phải tuân thủ giá vật liệu theo công bố của Sở Xây dựng với tinh thần địa phương hỗ trợ hết mình các đơn vị thi công để hoàn thành dự án, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân.

Hàng loạt vướng mắc phát sinh đang được các bên tham gia tích cực tìm giải pháp tháo gỡ. Với sự ưu tiên nguồn lực của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm của các địa phương và sự đồng lòng của người dân; đặc biệt là năng lực, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các nhà thầu khi bắt tay thực hiện dự án, có cơ sở để tin tưởng rằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ về đích đúng hẹn, thông suốt, hiệu quả và chất lượng.

Minh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/cao-toc-quang-ngai-hoai-nhon-chay-dua-voi-tien-do-i322109/