Cao tốc Tây Nguyên-Nam miền Trung: Mở hướng liên kết vùng

Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về mọi mặt. Xác định rõ điều đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho Tây Nguyên sự quan tâm đặc biệt, trong đó có nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Tuy vậy, so với cả nước, Tây Nguyên vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Với đặc thù địa hình, khu vực Tây Nguyên chỉ có giao thông đường bộ và đường hàng không. Vì chi phí cho giao thông hàng không khá cao, do đó, các hoạt động vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu tập trung vào đường bộ. Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có tuyến quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) chạy theo hướng Bắc-Nam, kết nối các tỉnh Quảng Nam-Kon Tum-Gia Lai-Đak Lak-Đak Nông-Bình Phước. Về kết nối theo hướng Đông-Tây, trên địa bàn có các quốc lộ như: 19 (Gia Lai-Bình Định), 25 (Gia Lai-Phú Yên), 26 (Đak Lak-Khánh Hòa), 27 (Lâm Đồng-Ninh Thuận).

Quốc lộ 19 Pleiku - Quy Nhơn - đoạn Nam Yang (ảnh internet)

Quốc lộ 19 Pleiku - Quy Nhơn - đoạn Nam Yang (ảnh internet)

Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp một phần nhưng nhìn chung các tuyến quốc lộ nói trên còn nhỏ hẹp, mặt đường xấu, nhiều đèo dốc… thường trực nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, chi phí vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên về đồng bằng và ngược lại rất đắt đỏ. Trên thực tế, chi phí vận chuyển là một trong những “chiếc barie” cản ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế và công tác thu hút đầu tư của các tỉnh Tây Nguyên.

Vì vậy, trong buổi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và lãnh đạo một số bộ, ngành mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tha thiết đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua chủ trương xây dựng tuyến đường cao tốc Gia Lai-Bình Định. Trước đó, lãnh đạo tỉnh Đak Lak cũng đề nghị Trung ương đầu tư tuyến cao tốc Đak Lak-Khánh Hòa.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, liên kết vùng là vấn đề có tính chiến lược trong đầu tư phát triển. Việc xây dựng các tuyến cao tốc nối Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ là “chìa khóa” để mở ra cơ hội liên kết vùng. Tuy vậy, hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên chưa có tuyến cao tốc nào. Chỉ có đầu tư làm đường cao tốc thì mới rút ngắn thời gian vận chuyển giữa Tây Nguyên với các tỉnh có nền kinh tế phát triển của khu vực miền Trung. Không chỉ kết nối các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, các tuyến cao tốc còn vươn ra kết nối với thế giới thông qua hệ thống cảng biển và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ rất chú ý đến đề xuất của các tỉnh Tây Nguyên.

Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc cần một nguồn kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, vì sự phát triển của vùng chiến lược Tây Nguyên, vì quốc kế dân sinh nên đề xuất này cần được quan tâm đúng mức. Hy vọng trong thời gian tới, dự án xây dựng các tuyến cao tốc Tây Nguyên-Nam Trung bộ sẽ được đưa ra bàn bạc tại Quốc hội và trở thành hiện thực.

DUY LÊ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/201909/cao-toc-tay-nguyen-nam-mien-trung-mo-huong-lien-ket-vung-5650324/