Cao tốc TP.HCM-Trung Lương: Hỗn loạn lưu thông vì phương tiện tăng đột biến
Lượng phương tiện lưu thông vào tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương tăng đột biến kể từ khi tạm dừng thu phí.
Phương tiện tăng 200%, TNGT tăng hơn 250%
Khoảng 14h chiều 16/8, tài xế Lê Hoài Đức (BR-VT), điều khiển xe tải trên cao tốc TP HCM - Trung Lương hướng về miền Tây, đến đoạn thuộc xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xe bị nổ lốp. Tài xế cho xe đỗ sát dải phân cách cứng. Cùng lúc đó, tài xế Nguyễn Văn Hửng (Vĩnh Long) cũng lái xe tải cùng chiều, do thiếu quan sát đã tông trực diện vào đuôi xe tải của anh Đức. Cú tông mạnh làm phần cabin xe tải của ông Hửng vỡ nát, biến dạng, tài xế này tử vong tại chỗ.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ TNGT xảy ra trên cao tốc TP HCM - Trung Lương gần đây. Thống kê của Cục Quản lý đường bộ 4 (Cục 4), số vụ TNGT trên tuyến đường này tăng đến 253% kể từ ngày tạm dừng thu phí. Nếu như quý IV/2018 - thời điểm còn thu phí, chỉ có 17 vụ tai nạn thì sang quý I/2019 đã có 43 vụ, tăng 253%, khiến 2 người tử vong. Quý II/2019 xảy ra 42 vụ, cũng làm 2 người tử vong, tăng 247%. Chỉ riêng trong tháng 7/2019 đã xảy ra 11 vụ TNGT.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục 4 cho rằng, nguyên nhân khiến TNGT tăng cao là do phương tiện đi vào tuyến đường này tăng đột biến kể từ khi tạm dừng thu phí. Thống kê của Cục 4 vào quý IV/2018, thời điểm vẫn còn thu phí, lượng phương tiện lưu thông vào cao tốc TP HCM - Trung Lương qua Trạm thu phí Chợ Đệm (Bình Chánh, TP HCM) chỉ 38.537 lượt xe/ngày đêm; xe qua Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) là 36.292 lượt/ngày đêm. Từ khi dừng thu phí, lượng phương tiện lưu thông vào cao tốc này tăng đột biến. Cụ thể, trong quý II/2019, lượng xe qua Trạm thu phí Chợ Đệm đã tăng lên 51.163 lượt/ngày đêm, tăng 133%; qua Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa là 42.073 lượt/ngày đêm, tăng 116% so với quý IV/2019.
“Vào thời gian trước và sau lễ, Tết, có thời điểm tăng từ 150-200%”, ông Thành nói và cho biết, trước đây nhiều phương tiện xe tải thường né cao tốc, nay đã chọn tuyến cao tốc này để lưu thông. Cụ thể, đối với loại xe tải hạng nặng (xe container, xe tải trên 18 tấn) trước đây tại Trạm thu phí Chợ Đệm chỉ có 997 lượt/ngày đêm thì nay đã lên 3.303 lượt/ngày đêm.
Cao tốc đi như quốc lộ
Thực tế trên tuyến đường cao tốc này, ghi nhận của PV, tình trạng giao thông rất hỗn loạn. Hàng nghìn phương tiện chạy chen chúc, tạo nên cảnh lộn xộn trên các làn xe, nhiều phương tiện bất chấp nguy hiểm chạy lấn sang làn dừng khẩn cấp. Những chiếc xe tải, xe container chạy hàng ngang với tốc độ tầm 50km/h khiến các xe khác không vượt lên được, phải xếp hàng chạy phía sau. Anh Trương Minh Quốc, tài xế xe tải Tiền Giang chia sẻ: “Tôi chứng kiến rất nhiều xe container chạy lấn vào làn đường dừng khẩn cấp rất nguy hiểm”.
Anh Nguyễn Văn Xuân, tài xế xe du lịch ở huyện Thủ Thừa (Long An) còn cho biết, từng chứng kiến cảnh xe cứu thương hú còi ưu tiên xin đường inh ỏi vẫn không được nên phải bất chấp chạy vào làn dừng khẩn cấp mới có thể vượt lên. “Đường cao tốc gì mà như đường quốc lộ, tốc độ nhiều lúc chỉ 50km/h, thậm chí có khi kẹt cả tiếng đồng hồ mà không có lối để xuống”, anh Xuân bức xúc nói.
Lượng phương tiện lưu thông quá cao, trong khi kinh phí duy tu hạn chế, khiến tuyến đường này và các đường dẫn nhanh chóng xuống cấp. Tại khu vực Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa xuất hiện nhiều “ổ gà”, những tủ cabin bụi bám đầy. Đường dẫn phía Trạm thu phí Chợ Đệm (TP HCM) cũng lồi lõm, hai bên đường xe tải dừng để rửa xe, xe khách dừng đỗ lên xuống khách rất mất an toàn. Hệ thống hàng rào bảo vệ cao tốc dọc hai bên có chỗ bị phá ra để người dân đi vào băng qua đường. Một số chỗ mặt đường xuất hiện hư hỏng, bong tróc.
Theo Cục 4, sau gần 10 năm khai thác, mặt đường đã xuống cấp, nhiều vị trí rạn nứt, bong tróc sâu từ 3-5cm, hằn lún vệt bánh xe. Đặc biệt, từ khi tạm dừng thu phí, lượng xe tải, xe container đi vào nhiều gây ra sự cố xuống cấp nhanh hơn.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, hiện tại đang vào mùa mưa, với lưu lượng xe như hiện nay, trong thời gian ngắn nếu đường không được đầu tư sửa chữa sẽ hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến ATGT, an toàn công trình. Trong năm 2019, Cục 4 đã có kế hoạch sửa chữa định kỳ mặt đường nhưng kinh phí thấp nên chưa sửa được nhiều. Cục đã đề xuất kế hoạch sửa chữa đường bộ năm 2020 là 28.000m2, với kinh phí 45 tỷ đồng. Nhưng với tình hình mưa nhiều và lưu lượng xe tăng như hiện nay có khả năng khối lượng sẽ tăng hơn dự kiến do hư hỏng phát sinh nặng hơn.
Về đường dẫn, hư hỏng lớn nhất là trồi trụt và hắn lún vệt bánh xe. Trong năm 2018 đã sửa chữa kinh phí 5 tỷ đồng, năm 2019 đã có kế hoạch xây dựng rãnh mới đoạn chưa có rãnh từ Km 3+530 - Km 4+100. Ông Thành cho biết, năm 2020 tiếp tục đề xuất kế hoạch sửa chữa rãnh thoát nước dọc và xây dựng thêm cửa xả thoát nước ngang trên đường dẫn Đồng Tâm.
“Ngoài kế hoạch duy tu sửa chữa, Cục 4 cũng đề xuất Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ cho thu phí trở lại đối với cao tốc TP HCM - Trung Lương. Mục đích là để kiểm soát lượng phương tiện lưu thông, tăng cường đảm bảo ATGT và có nguồn thu tốt cho ngân sách”, ông Thành nói.
ĐỊA PHƯƠNG ỦNG HỘ THU PHÍ TRỞ LẠI
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang:
Cần sớm thu phí trở lại để đảm bảo ATGT
Tiền Giang ủng hộ chủ trương thu phí trở lại đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, nếu không thì rất lãng phí. Ban ATGT tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN xem xét cho thu phí đường cao tốc trở lại, đồng thời phải có biện pháp đảm bảo ATGT bởi từ sau khi ngừng thu phí đã có một số vụ TNGT nghiêm trọng ở Tiền Giang và Long An.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An:
Thu phí để có tiền đầu tư thêm nhiều tuyến đường khác
Địa phương rất đồng tình việc thu phí trở lại trên cao tốc TP HCM - Trung Lương. Tuyến đường được đầu tư xây dựng gần 10.000 tỷ đồng, không thu sẽ lãng phí. Số phí thu được đóng góp một phần vào ngân sách để thực hiện nhiều dự án, công trình khác như: Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ…
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre:
Nhiều dự án không có tiền đầu tư
Cao tốc TP HCM - Trung Lương là tuyến đường song song với quốc lộ, trước đây đã thu phí nhưng hiện nay dừng là rất phí. Dự án đầu tư cầu Rạch Miễu 2 với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng đang rất cấp thiết nhưng không biết có bố trí được nguồn vốn không. Trong khi đó, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương nếu được thu phí trở lại mỗi năm cũng thu được trên nghìn tỷ, chỉ cần thu vài năm là đủ tiền xây cầu Rạch Miễu 2. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có quyết định sớm trong việc thu phí trở lại để có tiền đầu tư cho các dự án giao thông ở ĐBSCL.