Cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Sửa vào ban đêm, không ảnh hưởng đi lại

Việc sửa chữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ thực hiện trong vài ngày tới và kéo dài đến tháng 10, chủ yếu thực hiện ban đêm...

Việc sửa chữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ kéo dài đến tháng 10/2021.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB 4, cho biết, trong vài ngày tới sẽ sửa cao tốc TP.HCM - Trung Lương để đảm bảo ATGT cho các phương tiện khi lưu thông.

Những đoạn mặt đường bị hằn lún, bong tróc sẽ được dặm vá, trải nhựa, tạo nhám bề mặt... Riêng khu vực trạm thu phí cùng hành lang bảo vệ dọc tuyến được sơn sửa, khắc phục vị trí xuống cấp, đóng các đoạn rào bị phá dỡ...

Công tác thi công chủ yếu thực hiện ban đêm do lượng xe vắng, nhằm hạn chế ảnh hưởng giao thông trên tuyến. Nhà thầu sẽ ngăn các phần đường trong khu vực sửa chữa, bố trí người điều tiết để đảm bảo xe qua lại an toàn. Tổng kinh phí để sửa chữa giai đoạn này là 105 tỷ đồng. Tất cả công việc sẽ hoàn thành vào tháng 10.

“Vì sao thời gian sửa chữa lại kéo dài hơn 3 tháng?”. Ông Thành cho biết, sửa chữa đường cao tốc khổ gấp chục lần so với đường quốc lộ. Khi muốn sửa một đoạn nào đó, nhà thầu phải tập kết máy móc bên ngoài, đúng giờ “G” mới được đưa vào cao tốc, chặn 1 làn, bố trí người điều tiết, cắt một đoạn vài chục mét để sửa.

Các thiết bị máy móc làm việc đồng thời một lúc. Xe chở bê tông nhựa phải có sẵn gần đó. Đúng giờ “G” là phải hoàn thành toàn bộ, kéo hết thiết bị ra khỏi cao tốc, hôm sau sửa mới được kéo vào lại. “Việc sửa chữa cao tốc vì thế tốn thời gian gấp nhiều lần so với sửa các đường khác”, ông Thành thông tin.

Trước đó cuối tháng 7/2020, cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng đã được chi 22 tỷ đồng để sửa chữa những đoạn hư hỏng. Tuy nhiên do sau thời gian ngừng thu phí, lượng phương tiện lưu thông tăng lên, đường không được duy tu thường xuyên nên hư hỏng nặng ở nhiều vị trí. Vì vậy đến nay Cục QLĐB 4 tiếp tục sửa chữa giai đoạn 2.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang có chiều dài hơn 40km được đưa vào khai thác từ năm 2010. Đầu năm 2019, cao tốc này tạm dừng thu phí, việc duy tu thường xuyên cũng gặp khó khăn do không có nguồn kinh phí.

Sau khi dừng thu phí, lượng xe trên cao tốc tăng đột biến, khoảng 31%, cao điểm trên 51.000 xe mỗi ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng. Trong hai năm dừng thu phí, cao tốc xảy ra 273 vụ tai nạn làm 16 người chết, 68 người bị thương, hàng trăm ô tô bị hư hỏng, tăng khoảng 1,5 lần so với trước đó.

Bộ GTVT đã nhiều lần có các văn bản kiến nghị sớm thu phí lại tuyến đường này để điều tiết phương tiện, kiểm soát xe quá tải và thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên được tốt hơn.

Phan Tư

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cao-toc-tphcm-trung-luong-sua-vao-ban-dem-khong-anh-huong-di-lai-d514069.html