Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại chờ gỡ vướng
Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, địa phương cần quan tâm chỉ đạo đặc biệt tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để dự án hoàn thành đúng tiến độ, phấn đấu thông xe trong năm 2020.
Thế nhưng, với thực tế hiện nay, việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các bộ ngành có liên quan cho dự án chưa thật sự quyết liệt khiến dự án đi vào ngõ cụt.
Kiến nghị Chính phủ gỡ khó
Để tháo gỡ dự án “án binh bất động” sau 10 năm triển khai, Thường trực Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang để địa phương chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án.
Tháng 3-2019, Chủ đầu tư triển khai thi công rầm rộ. Hiện tại, tỉnh Tiền Giang đã chi hơn 228 tỷ đồng giải quyết gần dứt điểm khâu giải phóng mặt bằng cho dự án. Đến nay, nhà đầu tư, nhà thầu đã bỏ ra trên dưới 3.000 tỷ đồng (trong đó nhà đầu tư đã chi 2.500 tỷ đồng). Trong hơn 3 tháng khởi công trở lại (từ đầu tháng 4-2019 đến nay), khối lượng thi công của 10 năm trước chỉ được 10%, nay tăng lên 25% tổng khối lượng thi công.
Tuy nhiên, nguồn vốn 2.186 tỷ đồng nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư đến nay vẫn chưa được giải ngân, đồng thời cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang chưa phê duyệt điều chỉnh dự án, chưa phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án. Trong khi đó, hồ sơ điều chỉnh dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng và cả Bộ GTVT thẩm định, thông qua, khiến các bước tiếp theo ngưng trệ. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng cũng sẽ bị tắc bởi các yêu cầu thủ tục, hồ sơ của ngân hàng chưa được đáp ứng...
Để dự án được tiếp tục triển khai, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã kiến nghị Chính phủ xem xét một số nội dung như: Chỉ đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương xác định kế hoạch bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án trong năm 2019 sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua làm cơ sở bảo đảm phương án tài chính của dự án, phương án vay vốn, hỗ trợ giải ngân vốn ngân sách nhà nước từ tháng 8-2019 để dự án có kinh phí thi công đáp ứng tiến độ, tránh việc các nhà đầu tư và nhà thầu cạn kiệt nguồn lực và phải dừng thi công dự án do không thể cố gắng được nữa.
Trên cơ sở kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án, chỉ đạo Bộ Tài chính đẩy nhanh thủ tục giải ngân để hoàn trả phần vốn nhà đầu tư đã ứng ra cho công tác GPMB, phần còn lại thanh toán lãi vay trong thời gian xây dựng cần ưu tiên giải ngân vốn ngân sách nhà nước trước để giảm thiểu lãi vay trong thời gian xây dựng.
Trong khi chờ thủ tục bố trí và giải ngân vốn ngân sách nhà nước, để tránh ảnh hưởng việc thực hiện dự án, bảo đảm điều kiện thông tuyến trong năm 2020, đề nghị xem xét hỗ trợ tạm ứng vốn từ các quỹ tài chính. Trong trường hợp ngân hàng không thể thu xếp tín dụng, cần xem xét phương án sử dụng trạm thu phí TPHCM - Trung Lương để phát hành trái phiếu dự án đầu tư, giao cho doanh nghiệp (Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) tổ chức thu phí, bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cha chung không ai khóc
Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, địa phương cần quan tâm chỉ đạo đặc biệt tuyến cao tốc này để dự án hoàn thành đúng tiến độ, phấn đấu thông xe trong năm 2020, nhưng với thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc giải quyết, xử lý của các cơ quan chức năng có liên quan cho dự án còn đùn đẩy, chưa thật sự quyết liệt.
Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, tại sao các dự án như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nội Bài - Lào Cai, Lạng Sơn - Cao Bằng; Bắc Giang - Lạng Sơn… hàng trăm kilômét được thực hiện một cách “suôn sẻ”, trong khi đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận có vài chục kilômét triển khai 10 năm qua vẫn chưa biết đến ngày hoàn thành?
Điều đáng nói là dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trước đây cũng gặp khó khăn không khác gì dự án Trung Lương - Mỹ Thuận nhưng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan vào cuộc hướng dẫn các thủ tục giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận các bộ ngành lại đẩy cái khó về cho UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết!
Điều này, có thể thấy, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, nhất là dự án đường cao tốc ì ạch như hiện nay đã làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh kinh tế cả khu vực phía Nam, đặc biệt là TPHCM. Trong khi, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tất cả cửa ngõ đều thông thoáng, do hệ thống các tuyến cao tốc, đường vành đai phát triển. Nhiều năm qua, có thể khẳng định đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ở khu vực Nam bộ có dấu hiệu “lệch pha”, trong đó đặc biệt là đường cao tốc.
Nếu như cả nước hiện có hơn 800km đường cao tốc thì khu vực phía Nam chỉ có chưa đầy 100km. Hiện tuyến Long Thành - Bến Lức vẫn còn dang dở cũng chưa xác định ngày hoàn thành, đưa vào sử dụng. Riêng tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận sau nhiều năm ì ạch, nay tiếp tục giậm chân tại chỗ. Điều đáng nói là tuyến Cao tốc Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động vài năm nay luôn trong tình trạng quá tải. Tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận từ khi xả trạm đến nay trở thành đường hỗn hợp cũng liên tục bị tắc nghẽn.
Rõ ràng trách nhiệm trước tiên thuộc về Bộ GTVT trong việc hoạch định chiến lược phát triển đường cao tốc cho các tỉnh phía Nam hiện là ít và thiếu tầm nhìn. Trong khi kinh tế ở khu vực phía Nam phát triển vô cùng năng động thì việc đến thời điểm này mới có 2 tuyến đường cao tốc đi vào hoạt động là quá ít; tình trạng xe chờ đường là có thật và điểm nghẽn về giao thông ở đây ngày càng trở nên trầm trọng.
Do vậy để khắc phục các vấn đề tồn tại trong phát triển đường cao tốc ở khu vực phía Nam thời gian tới rất cần sự vào cuộc thực sự quyết liệt và cầu thị của các bên. Thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xử lý nghiêm nếu để xảy ra trường hợp rườm rà, sách nhiễu khiến doanh nghiệp đầu tư BOT cao tốc phải “bay ra, bay vào” nhiều lần để thực hiện theo kiểu “xin, cho”. Các doanh nghiệp cũng cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc phát triển đường cao tốc để bỏ vốn đầu tư một cách minh bạch, tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở hài hòa các lợi ích.
Rõ ràng đã đến lúc nút thắt, điểm nghẽn về giao thông, trong đó có đường cao tốc ở khu vực phía Nam phải được nhận diện đầy đủ và các bên cần có những hành động thực chất thay vì chỉ than khó.
Để bảo đảm khả năng triển khai dự án, khả năng trả nợ, VietinBank đã có văn bản gửi nhà đầu tư và kiến nghị nhà đầu tư làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giúp bố trí đủ vốn chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cam kết hỗ trợ đủ vốn cho dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT bảo đảm hoạt động thu phí của các trạm thu phí thuộc dự án không bị gián đoạn, bảo đảm lộ trình tăng phí như đã cam kết trong hợp đồng BOT đã và sẽ ký. Trong trường hợp nguồn thu của dự án không đạt được như phương án tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang có những giải pháp tài chính, phi tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm bảo đảm khả năng trả nợ của dự án. Điều quan trọng, chủ đầu tư khẩn trương làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xây dựng các phương án tài chính và thu xếp nguồn vốn để bảo đảm hiệu quả tài chính dự án và khả năng hoàn vốn cho các bên tham gia đầu tư. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn xem xét cấp tín dụng cho dự án nhằm bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ.