Cao tốc Vân Phong- Nha Trang phát sinh nhiều khó khăn
Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong- Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 mới khởi công nhưng đã phát sinh nhiều khó khăn. Nếu như không được tháo gỡ kịp thời, những vướng mắc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án quan trọng này.
Từ đầu tháng 3, công trường gói thầu XL-02, thuộc dự án cao tốc Vân Phong- Nha Trang, đoạn giáp ranh giữa thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh bắt đầu sôi động. Hàng chục thiết bị máy móc của liên danh nhà thầu gồm Tập đoàn Vinaconex và Tập đoàn Sơn Hải đang bóc lớp đất tầng phủ, đào đắp nền đường, tuyến cao tốc đang dần được hình thành.
Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh nhà thầu Vinaconex – Sơn Hải cho biết, phần mặt bằng xây dựng cầu Khánh Bình đến nay vẫn chưa được huyện Khánh Vĩnh bàn giao do vướng đất rừng sản xuất, hiện, đây là khó khăn lớn nhất của gói thầu.
“Cầu Khánh Bình là cầu dài nhất của gói XL-02, có 17 nhịp, toàn bộ chưa được bàn giao, giải phóng mặt bằng, có thể dẫn đến chậm tiến độ thi công của gói thầu. Vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng sản xuất của Công ty lâm nghiệp Trầm Hương, bàn giao cho đơn vị thi công. Đơn vị thi công chưa làm được gì cả. Nếu suôn sẻ cũng phải mất 26 tháng mới kết thúc được cái cầu đó” - ông Tân nói thêm.
Dự án cao tốc đoạn Vân Phong- Nha Trang có điểm đầu tại nút giao hầm Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, điểm cuối tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tổng chiều dài hơn 83km, kinh phí đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước. Dự án đi qua 4 huyện, thị xã thuộc tỉnh Khánh Hòa gồm: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Diên Khánh.
Sau khi được khởi công từ tháng 1/2023, đến nay, các nhà thầu đồng loạt triển khai thi công nhưng gặp khó về các mỏ vật liệu. Dọc tuyến, đơn vị tư vấn xác định được 23 vị trí mỏ vật liệu, đủ điều kiện để cung ứng cho dự án. Theo quy định, các nhà thầu, chủ đầu tư phải thỏa thuận với cá nhân đang sử dụng đất nhưng giữa các bên chưa tìm được tiếng nói chung về bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản trên đất. Ông Bùi Minh Sơn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, cơ chế đặc thù hiện nay mới chỉ tháo gỡ, rút ngắn thủ tục khai thác khoáng sản phục vụ xây dựng cao tốc nhưng vẫn vướng trong việc thỏa thuận với người sử dụng đất để khai thác mỏ.
Ông Bùi Minh Sơn nêu rõ: Nhà nước không thể thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp khai thác. “Đã thuận được 4/23 vị trí thôi, đang phải đi tìm các vị trí khác, rà soát lại để bổ sung. Vì nhiều vị trí không thỏa thuận được, khó khăn trong giá cả thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất, tài sản trên đất của người ta. Người ta yêu cầu giá khá cao, làm chi phí khoáng sản làm vật liệu lên cao, sẽ làm đội vốn dự án đường cao tốc lên.”
Toàn dự án có 51 hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông, thủy lợi cần phải di dời. Trong đó, có nhiều hạng mục phức tạp như 5 hệ thống điện 220kv, 3 hệ thống điện 110kv, cáp viễn thông. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các địa phương đều chưa đạt tiến độ theo yêu cẩu của UBND tỉnh Khánh Hòa. Các địa phương đã thực hiện rà soát, kiểm kê hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, lập hồ sơ thiết kế, dự toán nhưng chưa thể triển khai vì đang đợi phí chủ đầu tư thống nhất vị trí di dời.
Ông Đàm Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên tuyến, Vạn Ninh là địa phương có nhiều công trình phải bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước ngày 30/6/2023. Thế nhưng, đến nay việc di dời chưa thể triển khai được.
“Chúng tôi đang xin ý kiến của Bộ để Bộ thống nhất thì mình mới triển khai được. Đến tháng 6 mà hiện nay chưa có ý kiến thì rất khó. Hạ tầng đó, số lượng không nhiều nhưng chỉ cần 1-2 trụ điện cao thế 220kv cũng rất khó khăn, để chuyển chứ đâu phải đơn giản. Đã làm việc các đơn vị chủ quản hết rồi, khi Bộ thống nhất thì mình làm thôi.”Ông Đinh Ngọc Quang nói.
Hiện, các địa phương ở tỉnh Khánh Hòa mới chỉ bàn giao được hơn 70% diện tích mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn, khối lượng còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư để giao đất người dân. Từ đó, di dời dân, bàn giao mặt bằng cho dự án trước ngày 30/6/2023. Mặt khác, khẩn trương rà soát ranh giới, đánh giá hiện trạng, lập hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi đất rừng để thực hiện dự án. Quá trình di dời hạ tầng kỹ thuật hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, ảnh hưởng đến người dân.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Một mặt chậm do triển khai, mặt nữa là chúng ta vừa mới có giá đất. Cho nên Vạn Ninh, Ninh Hòa áp giá đất vào để chi trả đối với các hồ sơ đã được thẩm định, niêm yết. Như vậy, nếu như tiến độ tốt thì quay trở lại đảm bảo. Vạn Ninh cũng khẩn trương điều chỉnh 3 khu tái định cư nếu không rất vướng trong triển khai thực hiện./.”