Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết nhộn nhịp thi công xuyên Tết 2023
Các nhà thầu đang triển khai kế hoạch thi công trong dịp Tết Nguyên đán 2023 để đưa dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết cán đích đúng tiến độ…
Tăng khối lượng giải ngân từ 30 - 50 tỷ đồng trong dịp Tết
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, hưởng ứng phong trào thi đua của Bộ GTVT, thời điểm hiện tại, kế hoạch tổ chức thi công dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại dự án đã được các nhà thầu xây dựng, báo cáo và triển khai từ ngày 20/1/2023 - 26/01/2023.
Trong đó, gói thầu XL01 tổ chức 1 mũi thi công bê tông nhựa; 2 mũi thi công nền đường gom, đường ngang; 1 mũi thi công hạng mục ATGT (lắp đặt dải phân cách); 1 mũi thi công gia cố mái taluy.
Gói thầu XL02 tổ chức 2 mũi thi công bê tông nhựa; 2 mũi thi công nền đường gom, nút giao Chợ Lầu; 1 mũi thi công hạng mục ATGT (lắp đặt dải phân cách).
Gói thầu XL03 tổ chức 2 mũi thi công bê tông nhựa; 2 mũi thi công nền đường gom, nút giao Đại Ninh.
“Gói thầu XL04 tổ chức 3 mũi thi công bê tông nhựa; 5 mũi thi công nền đường gom, đường ngang, nút giao ; 2 mũi thi công hạng mục ATGT (lắp đặt dải phân cách, lắp đặt tôn hộ lan); 1 mũi thi công lan can cầu vượt Ma Lâm (nghỉ ngày 21, 22/01/2023)”, ông Huy thông tin, đồng thời đánh giá, hiện nay, gói XL02 là gói thầu còn tập trung khối lượng công việc nhiều nhất, sản lượng thi công tuyến chính mới đạt khoảng 80% so với mặt bằng chung dự án (90%).
Nguyên nhân được xác định do tình trạng khan hiếm vật tư, vật liệu thời gian đầu, nhà thầu phải đợi cấp mỏ vật liệu theo Nghị quyết 60 của Chính phủ và mới được khai thác mỏ vật liệu từ tháng 8/2022 đến nay.
"Riêng gói thầu này, cả 3 nhà thầu: Cường Thịnh Thi, Nhạc Sơn, Hải Đăng đều tổ chức thi công Tết với lượng nhân lực khoảng 50 - 70% so với ngày thường. Mục tiêu đề ra là sản lượng thi công gói thầu sẽ được tăng thêm từ 1 - 2% trong dịp tết, góp phần đảm bảo mục tiêu giải ngân toàn dự án trong những ngày thi công Tết Nguyên đán đạt từ 30 - 50 tỷ đồng”, lãnh đạo ban điều hành dự án chia sẻ.
Hoàn thành hạng mục bê tông nhựa trong tháng 3/2023
Đề cập đến tình hình thi công chung của dự án, ông Phạm Quốc Huy cho biết, tính đến nay, khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng gần 73%, trong đó, tuyến chính đạt gần 90%.
Vướng mắc lớn nhất khiến dự án chậm trễ trong giai đoạn đầu là do thiếu vật liệu đất đắp và nhà thầu chưa quyết liệt thi công.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, dự án có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Sau 1 năm thi công với thách thức lớn của thời tiết (năm 2022 có hơn 120 ngày mưa, riêng tháng 11 và 12/2022 vẫn còn 13 ngày mưa lớn) nhưng sản lượng thực hiện dự án tăng được khoảng 55%, tương đương gần 3.500 tỷ đồng (từ đạt 18% tăng lên 72,8%).
“Sản lượng thi công tăng đột biến nhất trong giai đoạn cuối sau Lễ phát động thi đua 120 ngày đêm (ngày 10/9/2022) và sau chuyến thị sát, kiểm tra của Bộ trưởng Bộ GTVT (ngày 21/11/2022). Các nhà thầu đã tích cực huy động máy móc, tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp để bù sản lượng bị chậm, đến nay đã cơ bản thông xe kỹ thuật của dự án”, ông Huy thông tin.
Theo ông Huy, để có được kết quả trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA 7 đã áp dụng nhiều giải pháp mạnh. Bên cạnh thay thế lãnh đạo Ban phụ trách và giám đốc dự án, bổ sung thêm nhân sự điều hành dự án, Ban đã báo cáo Bộ cắt chuyển tổng cộng khoảng 36 km tuyến chính và 3 cầu của các nhà thầu, tổ đội thi công yếu kém, không đảm bảo tiến độ.
Ngoài ra, Ban QLDA 7 đã có nhiều giải pháp kịp thời trong giai đoạn nước rút như: bổ sung nhà thầu có năng lực ở địa phương (Công ty Quản Trung) để tận dụng nguồn lực sẵn có; huy động thêm nhà thầu ở dự án khác về tăng cường (Công ty Trung Nam ở dự án cầu Mỹ Thuận 2); điều động máy móc, thiết bị của các nhà thầu của dự án đã đảm bảo tiến độ để hỗ trợ các đơn vị chậm,….
Số lượng thiết bị và các mũi thi công cũng được tăng cường huy động, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp. Trong đó, tổng số thiết bị thi công chính đến nay đã gấp 1,5 số lượng thiết bị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.
“Sản lượng thi công trong các tháng cuối năm đạt mức hơn 6%, tăng đột biến so với các giai đoạn trước đây (mỗi tháng chỉ đạt khoảng 3% với các kỳ trước tháng 8/2022).
Đặc biệt, trong các tháng 11, 12/2022 và 1/2023, đa số các đơn vị đều tổ chức các mũi thi công xuyên đêm, tập trung ở hạng mục bê tông nhựa bị chậm trễ, đóng vai trò quyết định đến tiến độ dự án”, ông Huy chia sẻ và cho biết, hiện nay, Ban QLDA7 vẫn đang kiểm soát sát sao tiến độ điều chỉnh và có kế hoạch thi công cụ thể để bù khối lượng, sản lượng thi công chậm.
Hạng mục bê tông nhựa được yêu cầu hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/3/2023; Hệ thống ATGT, cầu vượt ngang, đường ngang đường gom hoàn thành chậm nhất trong tháng 4/2023.
“Khó khăn của dự án hiện tại là khối lượng vật liệu đất đắp còn thiếu khoảng 1 triệu m3 đất đắp (đường gom, đường ngang).
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành, đưa dự án vào khai thác trước ngày 30/4/2023, Ban QLDA 7 đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ sớm đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn giấy phép khai thác 6 mỏ đất đắp cấp cho dự án, thời gian gia hạn đến ngày 30/4/2023.
Đồng thời, cho phép nhà thầu được tiếp tục khai thác các mỏ đã cấp phép để phục vụ thi công đồng thời với việc thực hiện các thủ tục gia hạn thời gian khai thác theo quy định”, ông Huy nói.