Cao trào ôn tập thầy cô giúp học sinh vững kiến thức, quen với đề
Cao trào ôn tập, Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Yên Bái, giáo viên tập trung củng cố kiến thức cho học sinh, để vững kiến thức, quen với đề.
Vững kiến thức
Năm học 2022-2023, Trường THPT Chu Văn An có tổng số 412 thí sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 133 thí sinh đăng kí thi tổ hợp khoa học tự nhiên và 279 thí sinh đăng kí thi tổ hợp khoa học xã hội. Căn cứ công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH ngày 22/8/2022 của Bộ GD&ĐT và các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT Yên Bái, trường xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp với 3 vòng.
Vòng 1 nằm trong học kì I, vòng 2 trong học kì II là giai đoạn dạy những kiến thức cơ bản, trọng tâm theo từng chuyên đề. Đến thời điểm này, thầy trò nhà trường đang sẵn sàng bước vào vòng 3. Đây là giai đoạn nước rút, tập trung ôn cho học sinh đến những ngày trước khi thi tốt nghiệp. Học sinh được luyện theo cấu trúc đề thi, với mỗi lớp giáo viên sẽ bám sát để luyện thi theo nhóm học sinh theo từng đối tượng.
Cô giáo Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường chú trọng tổ chức ôn thi theo nhóm lớp dựa vào lực học và mục tiêu dự thi, tổ hợp môn thi mà các em lựa chọn để sắp xếp chuyên môn phù hợp và đảm bảo tính khả thi cao nhất để hướng tới các mục tiêu của nhà trường cũng như các em học sinh. Đến nay, cơ bản nhà trường đã hoàn thành 2 vòng ôn tập và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn nước rút để rèn kỹ năng làm bài tổng hợp theo cấu trúc đề thi cho học sinh.
Chúng tôi tăng cường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn phân tích đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp để phát huy tính tích cực, tự giác của học sinh. Thực hiện thi thử tốt nghiệp theo đề chung của Sở GD&ĐT, đề riêng của nhà trường, qua đó phân tích kết quả đạt được, trong đó phân loại những thí sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp để tăng cường công tác ôn luyện để nâng cao kiến thức cho các em.
Thầy cô đồng hành
Là tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn - Lịch sử, cô giáo Đặng Thị Hậu chia sẻ: “Đối với môn Ngữ văn, chúng tôi định hướng rõ ràng cho học sinh ôn luyện theo từng bước: Nắm chắc kiến thức trọng tâm, đọc hiểu các loại văn bản, hiểu đời sống xã hội để vận dụng trong câu viết đoạn văn nghị luận xã hội gắn với tác phẩm văn học là trọng tâm chính trong chương trình Ngữ văn 12. Nhuần nhuyễn kĩ năng làm bài, bao gồm các kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu; kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội; kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học.
Cô giáo Lê Thị Bích Thủy - Tổ phó chuyên môn tổ Hóa - Sinh - Công nghệ, giáo viên môn Hóa học cho biết: Chúng tôi luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, thường xuyên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực như: Dùng sơ đồ tư duy hệ thống hóa kiến thức, tổ chức trò chơi, ôn tập theo nhóm để các tiết học ôn tốt nghiệp trở nên sinh động, hấp dẫn. Động viên học sinh tích cực tự học, tự luyện các đề thi minh họa, đề thi tham khảo, luyện đề từ cơ bản đến nâng cao để rèn kĩ năng làm bài, đặc biệt là với những câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Còn thầy giáo Vũ Kim Đức, giáo viên môn Địa lí cho biết giai đoạn nước rút tập trung để học sinh: Làm quen với kĩ năng làm bài với các câu thực hành về bảng số liệu và biểu đồ, trong đó thầy yêu cầu học sinh nắm vững những dấu hiệu bản chất, những từ khóa trong câu hỏi thực hành để học sinh không bị nhầm lẫn khi lựa chọn các loại biểu đồ. Đặc biệt là sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy, luyện tập dạng điền khuyết để nắm vững kiến thức cơ bản, giải quyết các câu hỏi nhận biết và thông hiểu, đối với các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.
Bạn Đặng Thu Quỳnh, học sinh lớp 12A1 chia sẻ nỗ lực học thi: Em cố gắng nắm vững kiến thức cơ bản ngay khi học bài ở trên lớp và tích cực làm bài tập khi học ở nhà, đồng thời tăng cường tham khảo các nguồn tài liệu từ thư viện, tham khảo các đề thi minh họa, các đề thi chính thức từ các năm học trước và các tài liệu tham khảo để rèn kĩ năng làm bài thi đạt kết quả cao; đặc biệt là việc chủ động hoàn thành các phiếu học tập, các đề luyện được thầy, cô giao trên các phần mềm dạy học và tích cực tự học mọi lúc, mọi nơi.
"Chúng tôi chỉ đạo các tổ chuyên môn phân tích cấu trúc đề thi minh họa để bám sát ôn tập cho các em. Sau khi tổ chức thi thử tốt nghiệp theo đề thi của Sở GD&ĐT, trường sẽ phân tích kết quả và chỉ đạo các tổ chuyên môn phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả ôn thi tốt nghiệp trong giai đoạn nước rút.
Đặc biệt là chỉ đạo, giao trách nhiệm và động viên các thầy cô kèm riêng thêm đối với các em học sinh trong diện có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Quan tâm hướng dẫn các em học sinh khá giỏi tự học ở nhà để có thể đạt điểm cao nhằm xét tuyển vào các trường đại học tốp đầu”. - Phó hiệu trưởng Vũ Thị Hạnh