Cấp 10 triệu liều vắc-xin bạch hầu cho 4 tỉnh Tây Nguyên

Ngày 9/7, tại tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Người dân ở làng Bông Hiot (Gia Lai) được thăm khám, kiểm tra sức khỏe để phòng, chống bạch hầu.

Người dân ở làng Bông Hiot (Gia Lai) được thăm khám, kiểm tra sức khỏe để phòng, chống bạch hầu.

Theo báo cáo tại cuộc họp, từ đầu năm đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai đã ghi nhận 66 trường hợp mắc bạch hầu. Trong đó, Kon Tum có 24 ca, Gia Lai 16 ca, Đắk Lắk 1 ca, Đắk Nông 25 ca. Trong các ca dương tính với bạch hầu thì người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 90%. Ngoài ra, người trên 7 tuổi chiếm tỷ lệ 85%, có trường hợp người 60 tuổi vẫn bị mắc bạch hầu.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 53 ca đầu tiên thì 28 ca có biểu hiện triệu chứng và 25 ca không có triệu chứng. Đa số những ca mắc bệnh không đượctiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin chứa thành phần bạch hầu ở một số địa phương tại Tây Nguyên còn đạt thấp. Đặc biệt, có đến gần một nửa số ca không có triệu chứng nên rất dễ lây lan trong cộng đồng.

Theo các chuyên gia, 3 trường hợp tử vong do ban đầu chẩn đoán là bệnh khác nên không được dùng đúng thuốc điều trị bạch hầu, khi chuyển viện lên tuyến trên đã quá nặng và tử vong.

Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với các tỉnh tại Gia Lai.

Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với các tỉnh tại Gia Lai.

Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong quá trình phòng, chống bạch hầu tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, có trường hợp, cán bộ xuống phát thuốc, một số người không uống mà ngậm trong miệng rồi chờ cán bộ đi rồi nhổ ra. Khi phát hiện, cán bộ y tế cho uống thuốc xong thì phải đứng trực tiếp kiểm tra phần cổ họng. Có những trường hợp cho rằng không có bệnh nên không uống…

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng phòng chống bệnh, trong đó có bạch hầu. Trước mắt, sẽ triển khai tiêm chủng cho 4 tỉnh Tây Nguyên là: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum, sau đó sẽ là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lâm Đồng. Dự kiến sẽ có hơn 10 triệu liều vắc-xin được cấp cho các tỉnh và khoảng 4,7 triệu người sẽ được tiêm chủng.

Theo đó, số vắc-xin sẽ tiêm cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên. Với trẻ em từ 2-4 tháng tuổi tiêm rộng rãi vắc-xin phòng bệnh và tiêm nhắc lại vắc- xin 3 trong 1 đối với trẻ từ 18 -24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5-7 tuổi. Còn với người trên 7 tuổi tiêm vắc-xin Td. Để tránh bị bỏ sót, ngoài tiêm ở các trung tâm y tế, sẽ kết hợp tiêm chủng di động đến tận buôn làng.

Chiều cùng ngày, tại huyện Đăk Đoa (Gia Lai) Bộ Y tế tổ chức phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên quy mô lớn để phòng ngừa bạch hầu.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cap-10-trieu-lieu-vac-xin-bach-hau-cho-4-tinh-tay-nguyen-20200709161234725.html