Cấp bách chống dịch sốt xuất huyết
Hiện đang là tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc, 115 trường hợp tử vong. Trong đó, Hà Nội tiếp tục là điểm nóng. Tuần vừa qua thành phố ghi nhận 1.435 ca mắc, nhiều trường hợp trở nặng sớm, không theo quy luật như mọi năm.
Hà Nội đang trong giai đoạn đỉnh dịch
So với tuần trước, số ca mắc ghi nhận thêm tăng 4,1%, trong đó có 2 ca tử vong tại quận Đống Đa và huyện Thanh Trì. Số bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số quận, huyện có số ca mắc cao như: Hà Đông (207 ca), Đống Đa (133 ca), Thanh Trì (115 ca), Thanh Oai (92 ca), Chương Mỹ (85 ca). Theo dự báo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), thành phố đang bước vào đỉnh dịch SXH, số ca mắc có thể còn tăng trong thời gian tới, nguy cơ sẽ có thêm bệnh nhân nặng và tử vong.
Đáng lo ngại so với những năm trước, năm nay nhiều bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, trong số các bệnh nhân SXH tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm, trong đó có 4 ca ngưng tim. Cụ thể, nhiều bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc từ ngày thứ 3 mắc bệnh. Trong khi thông thường, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng này ở ngày thứ 5 - 7.
Tại Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn, các bác sĩ cho hay đã ghi nhận không ít trường hợp bệnh nhân xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu rất sâu chỉ sau 1 ngày có triệu chứng sốt.
Đang được điều trị tại Khoa bệnh nghề nghiệp của bệnh viện, anh Trần Sơn H. (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Chỉ 1 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng sốt, tôi cảm thấy cơ thể rất mệt, đau đầu, do cũng tìm hiểu và biết hiện nay đang có nhiều dịch bệnh nguy hiểm nên tôi được người nhà đưa vào viện thăm khám. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, các bác sĩ cho biết tôi bị giảm tiểu cầu ở mức rất nguy hiểm và phải nhập viện khẩn cấp. Bác sĩ cũng nói tôi may mắn vào viện kịp thời bởi diễn biến bệnh rất nhanh chóng”.
Nguyên nhân do dịch chồng dịch
Lý giải nguyên nhân khác thường của dịch SXH năm nay, bác sĩ Phạm Văn Phúc cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến năm nay nhiều bệnh nhân xuất hiện tình trạng bệnh diễn biến nhanh chóng là do tình trạng dịch chồng dịch khiến bệnh nhân đồng nhiễm nhiều bệnh, các triệu chứng chồng chéo. Bên cạnh đó, một giả thuyết cũng được đặt ra đó là độc lực của type virus Dengue bị thay đổi theo thời gian dài của dịch bệnh hay sự thay đổi hệ miễn dịch của cơ thể sau khi bị Covid-19. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận cần có các nghiên cứu đánh giá thêm.
Trong bối cảnh dịch bệnh SXH diễn biến bất thường, đáng lo ngại là vẫn còn rất nhiều người dân đang chủ quan với dịch bệnh. Tại phòng cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), chị Thế Thị Thùy cho biết, cách đây 2 năm con của chị đã từng mắc SXH nên lần này khi thấy cháu xuất hiện dấu hiệu sốt, gia đình không nghĩ tới khả năng cháu mắc SXH mà chỉ cho dùng thuốc hạ sốt. Sau 3 ngày tự điều trị tại nhà không đỡ, gia đình đưa cháu vào viện cấp cứu và được các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tràn dịch màng phồi, màng bùng, cô đặc máu do SXH.
Bác sĩ Phúc đánh giá: “Trong quá trình điều trị bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người bệnh đã quá chủ quan với SXH. Nhiều người thấy rằng sức khỏe trước đó của mình bình thường, khi có dấu hiệu sốt, họ không đi khám mà tự ý mua thuốc hạ sốt về sử dụng, chỉ đến khi có những triệu chứng diễn biến nặng mới vào viện thì tình trạng bệnh đã quá nặng”.
Các bác sĩ khuyến cáo, đang là cao điểm của dịch SXH, người dân không thể chủ quan trong việc phòng dịch, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là diệt muỗi truyền bệnh và phòng muỗi đốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Người từng mắc SXH vẫn có thể bị mắc lại
Nhiều bệnh nhân sốt cao đến viện thăm khám khi bác sĩ thông báo bị SXH thì rất ngỡ ngàng vì cho rằng họ đã từng mắc rồi nên sẽ không mắc lại nữa, nên coi thường các biện pháp dự phòng. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. SXH có 4 chủng khác nhau (được ký hiệu D1, D2, D3, D4) nếu mắc chủng loại này rồi vẫn có thể mắc loại khác, tức là mỗi người vẫn có thể mắc tới 4 lần SXH trong đời. Thực tế chúng tôi đã ghi nhận những bệnh nhân mắc 2, 3 lần SXH. Do vậy, khi nghi ngờ mắc SXH bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cap-bach-chong-dich-sot-xuat-huyet-5703431.html