Cấp bách giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị 'Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam'.

Khu vực nội thành Hà Nội chìm trong làn sương mù dày đặc. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Khu vực nội thành Hà Nội chìm trong làn sương mù dày đặc. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Hội nghị có sự tham gia và đóng góp ý kiến của đại diện 12 bộ, ngành; 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng 20 chuyên gia, nhà khoa học có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm không khí.

Sự kiện nhằm đẩy mạnh các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí; tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng môi trường không khí cũng như định hướng giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố, đô thị lớn của Việt Nam.

Hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường không khí là thách thức không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là vấn đề nổi cộm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Mức độ ô nhiễm tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, qua theo dõi chu kỳ diễn biến chất lượng môi trường không khí hàng năm, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương thường diễn biến xấu, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) diễn biến xấu. Tình trạng này cũng xảy ra phổ biến tại một số thành phố, đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, nhất là khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, lân cận thành phố Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, thành phố hiện có khoảng 1,1 triệu ô tô, 6,9 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp, 1.370 làng nghề đang hoạt động. Đây là những cơ sở có hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng không khí của Hà Nội.

Đến nay, thành phố Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô tùy vào từng điểm chiếm tỷ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất, từ 58 - 74%; tiếp đến là nguồn công nghiệp từ 14 - 23%; nguồn nông nghiệp từ 3,4 - 18,9%; nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu do quá trình đô thị hóa, gia tăng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quá nhanh và các hoạt động xây dựng. Các hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi; chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt,… trong không khí rất lớn, ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Bên cạnh đó, tình trạng đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng (đốt mở và phân tán) vẫn diễn ra làm tăng thêm mức độ ô nhiễm không khí, khói mù.

Hành động vì “Bầu trời xanh - Không khí sạch”

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng. Dư luận xã hội và người dân rất quan tâm đến ô nhiễm không khí, các cơ quan báo chí và đơn vị truyền thông cũng tích cực phản ánh về nội dung này. Tuy nhiên, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, không phải trách nhiệm của riêng từng Bộ, từng ngành hay từng địa phương mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Xác định giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn là vấn đề trọng tâm, cấp bách, Chính phủ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 yêu cầu các địa phương phải xây dựng, triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh, thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố môi trường không khí khi ô nhiễm không khí nghiệm trọng xảy ra (AQI >300); Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 về Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025.

Triển khai các yêu cầu về bảo vệ môi trường không khí theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động xây dựng, ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm siết chặt hơn mức phát thải khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; nghiên cứu lộ trình và các mức phát thải nhằm thực hiện kiểm định khí thải phương tiện xe máy đang lưu hành theo Điều 42 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020,…Nhiều dự án, đề án về kiểm soát ô nhiễm không khí được triển khai, áp dụng giải pháp, biện pháp, công cụ về chính sách, kỹ thuật, kinh tế và các giải pháp quản lý khác nhằm ngăn chặn cũng như giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ những nội dung liên quan đến quản lý chất lượng không khí; trao đổi, nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn về hiện trạng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam; kết quả triển khai công tác quản lý chất lượng không khí tại các Bộ, ngành và địa phương; những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí...

Cục phó Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lê Thái Hà cho biết, ngành Y tế đã xây dựng “Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng” nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe; xây dựng Sổ tay hướng dẫn phòng, chống tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe bao gồm hướng dẫn chung và hướng dẫn cho người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền, người tham gia giao thông; xây dựng “Sổ tay hướng dẫn đánh giá nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí” (do Bệnh viện Nhi Trung ương, Cục Quản lý môi trường y tế và tổ chức Live & Learn phối hợp thực hiện) hỗ trợ cán bộ y tế đánh giá nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí dựa trên các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Đại biểu dự Hội nghị khẳng định quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng và kiên định. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và tập trung nguồn lực giải quyết ô nhiễm môi trường không khí; quyết liệt triển khai các hành động, giải pháp, mô hình quản lý nhằm cải thiện chất lượng không khí theo nguyên tắc kiểm soát nguồn thải lớn, hạn chế nguồn thải phân tán, hướng tới mục tiêu “Bầu trời xanh - Không khí sạch”.

Hoàng Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/cap-bach-giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-tai-cac-do-thi-lon-20241114172857813.htm