Cấp bách giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
TX Sông Cầu triển khai thu gom rác thải tại khu vực vịnh Xuân Đài. Ảnh: ANH NGỌC
Mới đây, tại TP Tuy Hòa, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) tổ chức hội thảo Thúc đẩy nỗ lực giảm thiểu rác nhựa đại dương tại Phú Yên. Phóng viên Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến tại hội thảo này.
BÀ VIÊN TRẦN, ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC BẢO TỒN ĐẠI DƯƠNG: Nâng cao năng lực giám sát rác thải ven biển
Tổ chức Bảo tồn đại dương đang triển khai dự án Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam và tự hào được đồng hành cùng những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống lại rác thải đại dương. Dự án nhằm hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương; tiến hành các hoạt động tiếp cận giáo dục và nâng cao nhận thức chung về rác thải đại dương hướng đến nhiều đối tượng với sự cộng tác của các đối tác trong nước. Dự án còn tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính nhằm cải thiện và quản lý chất thải bền vững hơn; mở rộng dữ liệu cụ thể sẵn có về Việt Nam để làm nguồn thông tin đầu vào hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách và xác định biện pháp can thiệp nhằm hạn chế rò rỉ chất thải vào đại dương.
Tổ chức Bảo tồn đại dương cũng đang phối hợp với một số tổ chức, nhà khoa học nhằm xác định các nguồn xả thải chính từ đất liền vào môi trường biển; xác định mức độ ô nhiễm rác thải nhựa hiện tại dọc theo bờ sông và ven biển, đồng thời đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp can thiệp để giảm thiểu dòng chất thải chảy vào đại dương; nâng cao năng lực cho chuyên gia địa phương về quy trình và phương pháp giám sát rác thải ven biển.
BÀ TRẦN THỊ HOA, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN XANH (GREENHUB): Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng
GreenHub đang phối hợp với Tổ chức Bảo tồn đại dương triển khai chương trình Thúc đẩy nỗ lực giảm thiểu rác nhựa đại dương tại Phú Yên. Chương trình nhằm hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động quản lý rác thải biển đến năm 2030 tại Phú Yên bằng việc truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng, hướng đến thực hành giảm rác thải nhựa từ nguồn. Chương trình cũng nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết khác thông qua các chương trình truyền thông về tác hại của chất thải nhựa đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.
Mục tiêu của chương trình nhằm giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển vào năm 2030. Việc triển khai chiến dịch làm sạch bờ biển Phú Yên tối thiểu 2 lần/năm, phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên địa bàn. Giảm thiểu và ngừng sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần không cần thiết tại trường học, kết hợp giáo dục và truyền thông để thay đổi hành vi của học sinh và giáo viên.
ÔNG HUỲNH HUY VIỆT, CHI CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỞ TN-MT): Tăng cường phân loại rác thải tại nguồn
Để người dân có điều kiện làm quen với phân loại rác nhằm thay đổi hành vi, dần hình thành thói quen phân loại rác, giảm sử dụng nhựa thì việc nhân rộng mô hình phân loại rác kết hợp lồng ghép giảm sử dụng đồ nhựa dựa vào cộng đồng cần được ưu tiên triển khai. Cần ban hành sổ tay hướng dẫn phân loại rác, kỹ thuật xử lý rác hữu cơ và thực hành giảm nhựa; phối hợp triển khai có hiệu quả các dự án về quản lý rác thải, rác thải nhựa do các tổ chức môi trường hỗ trợ…
Mục tiêu đến năm 2025 theo kế hoạch quản lý rác thải nhựa của tỉnh là nâng cao nhận thức và thay đổi được hành vi của cộng đồng; giảm được 50% tổng lượng rác thải nhựa phát thải ra biển và đại dương; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao được hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; giảm thiểu, thu gom, xử lý được 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
BÀ BÙI THỊ HỒNG TÂM, CÁN BỘ HỘI LHPN TỈNH: Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với nhiều tổ chức, nhà tài trợ để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, cộng đồng dân cư cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Hội LHPN tỉnh tổ chức thành lập và duy trì có hiệu quả các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; vận động mỗi hộ tích cực trồng hoa, cây xanh trước nhà hoặc ven đường; hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần; thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại hộ gia đình; tích cực tham gia các mô hình “Phụ nữ biển xanh - làm sạch bờ biển”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Trồng hoa ven đường”, “Chung tay bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Tái chế rác thải hữu cơ thành chất tẩy rửa”…
Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với một số tổ chức triển khai hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho cộng đồng dân cư và ngư dân ven biển Phú Yên nhằm thúc đẩy nhiệm vụ giáo dục, thay đổi hành vi liên quan đến nhựa và rác thải nhựa biển. Hội LHPN tỉnh đang chỉ đạo các cấp hội cơ sở tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường, nhất là môi trường ven biển, xây dựng mới và duy trì các mô hình đã có, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các mô hình, hướng đến mục tiêu giảm rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom và tái chế rác thải…
Kết quả mong đợi của việc giảm thiểu rác nhựa đại dương tại Phú Yên là tạo ra hiệu ứng thay đổi hành vi hướng tới giảm phát thải chất thải nhựa từ nguồn ra đại dương thông qua các hoạt động truyền thông. Từ đó hỗ trợ công tác truyền thông và triển khai kế hoạch hành động quản lý rác thải biển đến năm 2030 tại Phú Yên.
Bà Trần Thị Hoa
ANH NGỌC (ghi)
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/294875/cap-bach-giam-thieu-rac-thai-nhua-dai-duong.html