Cấp bách gỡ thẻ vàng châu Âu cho hải sản Việt

Từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU, tỉ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang châu Âu giảm dần qua từng năm.

Ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra cảnh báo thẻ vàng với thủy sản khai thác của Việt Nam (VN). Sau hơn năm năm nỗ lực, VN vẫn chưa gỡ được thẻ vàng vì chưa khắc phục được những tồn tại theo khuyến nghị của EC.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nhằm làm rõ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp (DN), những tác động của thẻ vàng IUU tới xuất khẩu thủy hải sản của VN.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu hải sản qua châu Âu giảm dần

. Phóng viên: Kể từ khi thủy sản VN bị EC cảnh báo thẻ vàng, điều này đã gây khó khăn thế nào đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của VN cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đời sống của ngư dân, thưa bà?

+ Bà Lê Hằng: Việc bị cảnh báo thẻ vàng đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung của VN. Trước khi bị cảnh báo thẻ vàng, giai đoạn 2015-2017 châu Âu (EU) từng là thị trường nhập khẩu hải sản nhiều nhất của VN, chiếm 30%-35% xuất khẩu hải sản của VN.

Báo động tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày

Qua theo dõi trên hệ thống giám sát tàu cá, hiện tình trạng tàu cá bị mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm số lượng lớn, đáng báo động.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin thủy sản (đơn vị quản lý theo dõi, vận hành hệ thống giám sát tàu cá tại Tổng cục Thủy sản), tính đến ngày 1-3, số lượng tàu cá từ 15 m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỉ lệ 96,62%.

Tuy nhiên, tình hình duy trì hoạt động của thiết bị trên tàu cá có kết nối trung bình hằng ngày còn thấp so với số lượng đã lắp, chỉ đạt khoảng 50%. Trong đó, số lượng tàu cá bị mất kết nối trên sáu tháng qua hệ thống giám sát tàu cá là 4.792 tàu (chiếm 17% so với tổng số lượng tàu đã được lắp đặt có trên hệ thống).

Thế nhưng từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU, tỉ trọng xuất khẩu hải sản của VN sang EU giảm dần qua từng năm. Qua thống kê của VASEP, năm 2018 - năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, tỉ trọng xuất khẩu hải sản sang EU chiếm 11,8%. Sang năm 2019, con số này suy giảm còn 10,7% và còn 9,5% vào năm 2020. Đến năm 2022, sau năm năm, tỉ trọng đã giảm còn 9,4%.

Xuất khẩu hải sản suy giảm cũng kéo theo tỉ trọng xuất khẩu thủy sản nói chung của VN sang EU giảm theo, từ 13,1% (năm 2018) còn 11,9% (năm 2022).

. Việc xuất khẩu hải sản của VN sang EU giảm như vậy gây khó khăn thế nào tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN? DN có phải tìm kiếm thêm các thị trường khác không, thưa bà?

+ Rõ ràng là có sự chuyển dịch của các DN thủy sản. Thứ nhất, các DN chuyển hướng sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thứ hai, xu hướng gia công cho các nhà kinh doanh thủy sản ở các nước, xuất khẩu trở lại các nước đó, nhất là gia công các loài cá biển như cá tuyết, cá sa ba, cá thu, cá minh thái... Đó là cách vừa tận dụng được công suất chế biến vừa tạo được việc làm cho công nhân và vừa không bị áp lực về vấn đề nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc theo quy định IUU.

Ngay cả xuất khẩu sang EU bây giờ cũng có một tỉ trọng đáng kể là hàng gia công, chứ nguyên liệu thuần túy trong nước vừa khan hiếm, lại vừa khó làm giấy xác nhận khai thác (SC) và chứng nhận khai thác (CC) đáp ứng quy định IUU của thị trường này.

Việc bị cảnh báo thẻ vàng đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam. Ảnh: HUỲNH HẢI

Việc bị cảnh báo thẻ vàng đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam. Ảnh: HUỲNH HẢI

. Bà đánh giá thế nào về xu hướng chuyển dịch thứ hai này của các DN?

+ Đó là xu hướng tất yếu và hoàn toàn phù hợp, không chỉ riêng của VN. Trung Quốc và Thái Lan là những nước có hoạt động gia công, chế biến xuất khẩu nổi trội. Nhưng những năm gần đây, chiến tranh thương mại và chính sách “zero COVID” của Trung Quốc (trước đây) đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch hoạt động gia công sang các nước châu Á khác, trong đó có VN. Đây là cơ hội tốt cho ngành chế biến thủy sản VN.

Nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra bốn nội dung quan trọng mà VN cần phải đáp ứng. Đó là khung pháp lý cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số quy định để tăng cường hiệu lực, hiệu quả chống khai thác IUU.

Thứ hai là quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm sát tàu cá. Đây là bài toán rất lớn, mặc dù chúng ta đã lắp hơn 95% thiết bị nhưng số còn lại lại là đối tượng nguy cơ cao. Số lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Từ đầu năm đã có sáu tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ yếu ở Malaysia. Nếu không quản lý được đội tàu, tàu còn vi phạm vùng biển nước ngoài thì không gỡ được thẻ vàng. Đây là vấn đề mấu chốt phải giải quyết.

Ba là về truy xuất nguồn gốc, quản lý cả sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm đánh bắt trên biển. Hồ sơ truy xuất hiện nay còn mang tính chất đối phó, đặc biệt là việc ghi, nộp nhật ký còn nhiều sai sót và mới đạt khoảng 45%; mới giám sát được 50% sản lượng qua cảng đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên dẫn đến chưa đảm bảo được độ tin cậy trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Bốn là việc thực thi pháp luật và xử lý vi phạm còn chưa đồng đều, chưa có hiệu lực, hiệu quả. Ngoài ra, hạ tầng nghề cá vẫn còn rất yếu kém, chỉ mới đáp ứng 15%-18%...

Từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU, việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU bị ảnh hưởng rất nhiều. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU, việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU bị ảnh hưởng rất nhiều. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Phải nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng

. Khi DN bị ảnh hưởng bởi thẻ vàng IUU phải chuyển hướng xuất khẩu thì ở trong nước ngư dân bị ảnh hưởng như thế nào, thưa bà?

+ Ngư dân bị ảnh hưởng như thế nào thì tôi không đại diện cho họ để ý kiến được. Nhưng đương nhiên, với những thủ tục phức tạp, họ không đáp ứng thì khó bán được cho những đại lý muốn thu mua hàng đi EU. Họ sẽ bán cho đại lý để xuất khẩu đi thị trường khác hoặc nội địa.

. Được biết ngoài EU, câu chuyện về chống khai thác IUU, xây dựng một nghề cá bền vững cũng đang được các thị trường khác tiến đến. Và như vậy, câu chuyện gỡ thẻ vàng, đáp ứng các khuyến nghị của EC là bắt buộc không chỉ cho EU mà tương lai là tất cả thị trường?

. Được biết ngoài EU, câu chuyện về chống khai thác IUU, xây dựng một nghề cá bền vững cũng đang được các thị trường khác tiến đến. Và như vậy, câu chuyện gỡ thẻ vàng, đáp ứng các khuyến nghị của EC là bắt buộc không chỉ cho EU mà tương lai là tất cả thị trường?

+ Đúng vậy! Hiện nay không chỉ thị trường EU mà Mỹ hay Nhật Bản cũng đang thực hiện các yêu cầu về biểu mẫu truy xuất nguồn gốc… Vì vậy, chúng ta phải thực hiện nghiêm các quy định của các tổ chức quốc tế và tháo gỡ thẻ vàng là nhiệm vụ rất quan trọng.

. Xin cảm ơn bà.

Chủ tàu bị bắt giữ do vi phạm IUU: “Tôi mất rất nhiều”

Ít ai biết, hơn một năm trước, anh NXQ (ngụ xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định) từng là một chủ tàu lớn với nhiều thuyền viên liên tục vươn khơi dài ngày. Thế nhưng chỉ sau một chuyến biển “nhớ đời” hồi năm ngoái, giờ anh mất tất cả. Những ngày này, anh luẩn quẩn trong nhà phụ việc gia đình, đợi đến ngày đi làm mướn cho một chủ tàu đánh bắt gần bờ.

Ngư dân thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Anh Q kể khoảng đầu năm ngoái, tàu của anh đánh bắt lấn sang vùng biển Malaysia và bị lực lượng chấp pháp nước này bắt giữ. Sau đó, anh và thuyền viên trên tàu bị tuyên án tù. “Mình biết nếu qua biển bạn sẽ khó tránh những điều không lành. Nhưng vì nhiều áp lực nên cũng đành liều. Chuyến đó tôi mất nhiều lắm” - anh Q tâm sự.

Tương tự, anh NHĐ (cũng ngụ xã Cát Tiến) từng là chủ tàu cá có chiều dài hơn 15 m nhưng sau chuyến biển “sự cố” hồi năm ngoái, giờ anh cũng đang chờ để đi làm mướn cho một chủ tàu đánh cá khác. Tàu của anh Đ bị Malaysia bắt giữ khoảng giữa năm ngoái. Lúc đó, trên tàu ngoài anh Đ còn có sáu thuyền viên khác.

Cũng theo anh Đ, khi được thả về thì tài sản lớn nhất là chiếc tàu gần cả tỉ bạc cũng mất, còn chuyển nghề thì chưa biết làm gì cho phù hợp. “Làng biển thì chỉ biết làm biển thôi. Nhưng giờ đi thì cũng đi biển miền Trung chứ không đi miền Nam nữa, bị bắt một lần là khổ lắm rồi!” - anh Đ nói.

Nhiều ngư dân ở xã Cát Tiến phản ánh tình trạng ngư trường hiện nay lượng tôm, cá cũng cạn kiệt hơn trước. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hải sản cạn kiệt là hiện nay tàu giã cào quá nhiều. “Đến con cua, con ghẹ bằng ngón tay mà cũng bắt thì còn đâu mà sinh sản. Nghề giã cào là phá hoại môi trường biển nhiều nhất” - anh Q bức xúc. HUY TRƯỜNG

.........................

Mong sớm gỡ được thẻ vàng IUU

Trao đổi với PV, ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (ngụ huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho hay ông cũng như nhiều người đi biển khác sẵn sàng chấp hành nghiêm các quy định về đánh bắt hải sản, mong mỏi Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU.

“Việc gỡ được thẻ vàng IUU giúp nâng cao uy tín của thủy sản Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu để sản phẩm đánh bắt bớt phụ thuộc vào số ít thị trường truyền thống. Một số tàu thuyền đánh bắt vi phạm chủ quyền của nước khác đã gây tổn hại chung cho cả ngành thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân tuân thủ quy định" - ông Cảnh bức xúc. THANH NHẬT

.......................................................

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN:

Thẻ vàng EC ảnh hưởng đến vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế

Chúng ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới nên không có cách nào khác là phải thực hiện nghiêm các quy định của các tổ chức quốc tế. Đó cũng chính là tinh thần của Luật Thủy sản 2017, là phát triển bền vững ngành thủy sản. Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành vào ngày 13-2 cũng đặt mục tiêu trong năm 2023 chúng ta phải gỡ được thẻ vàng. Do vậy, việc tháo gỡ thẻ vàng là nhiệm vụ rất quan trọng.

Bởi lẽ khi đã bị thẻ vàng, việc này đã, đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản. Trước đó, khi xuất sang châu Âu trước đây chỉ làm thủ tục 1-3 ngày, bây giờ 2-3 tuần, không những thế còn ảnh hưởng đến vị thế của thủy sản VN trên trường quốc tế, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, ảnh hưởng đến ngành thủy sản, vị thế của đất nước.

................................

Ông TRẦN ĐÌNH LUÂN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT:

Tổ chức đợt cao điểm tuần tra ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU

Cuộc làm việc với EC lần thứ tư dự kiến diễn ra vào tháng 10-2023.

Từ nay đến thời điểm đó không còn nhiều, thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng về kế hoạch tháo gỡ thẻ vàng IUU, Bộ NN&PTNT đã triển khai kế hoạch truyền thông chống IUU 2023 của bộ. Bộ cũng đang tiếp tục hoàn thiện trình ban hành Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có nội dung về xử phạt nguội; sửa đổi Nghị định 26 hướng dẫn Luật Thủy sản; Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản. Đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC ở các địa phương.

Bộ cũng đang tiếp tục đốc thúc hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS cho tàu cá khai thác trên biển (hiện đạt 96,6%). Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất nhập bến, thực hiện xác nhận chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản. Khẩn trương rà soát các điểm tàu cá bốc, xếp khai thác, bảo đảm 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên cập cảng đúng quy định.

Cùng với đó, bộ cũng tiếp tục rà soát, cập nhật tàu nguy cơ cao vi phạm IUU và tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát các vùng biển giáp ranh, chồng lấn để ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU. Vừa rồi, lực lượng chức năng trên biển duy trì 35-41 tàu ở vùng giáp ranh nhưng vẫn còn sáu vụ/sáu tàu/35 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chúng tôi đã đề xuất với bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Quốc phòng về việc đồng chủ trì hội nghị ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; làm việc với Bộ Ngoại giao về vấn đề ranh giới trên biển giữa VN và các nước…

Nguồn PLO: https://plo.vn/cap-bach-go-the-vang-chau-au-cho-hai-san-viet-post736936.html