Cấp bách khắc phục sự cố đê
Những ngày cuối năm, thời tiết rét đậm, rét hại song với tinh thần khẩn trương, nỗ lực bảo đảm an toàn công trình, những cán bộ, công nhân trên công trường xử lý cấp bách sự cố đê điều đang tăng tốc làm việc bất kể ngày đêm.
Tập trung cao giải phóng mặt bằng
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố đê điều gây hậu quả nghiêm trọng, song nhiều đoạn đê xung yếu, nguy cơ mất an toàn luôn hiện hữu. Vào mùa mưa bão, lưu lượng nước trên các sông lớn, có thể lên nhanh, trong khi các tuyến đê có nhiều lớp và phân tầng, nguy cơ sạt lở cao. Thời điểm cuối năm, mực nước các sông, hồ đang xuống thấp, là điều kiện thuận lợi để tỉnh tập trung xử lý sự cố đê.
Đê hữu Thương là đê cấp III có tổng chiều dài 43,8 km trong đó địa phận xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) và Tân Liễu (Yên Dũng) là đoạn xung yếu, từng xảy ra nhiều sự cố lún, nứt, đùn sủi, sạt trượt ở nhiều vị trí khác nhau, đã phải xử lý nhiều lần. Đầu năm 2022, khu vực này lại xảy ra hiện tượng lún, nứt mặt đê bê tông với quy mô nhỏ. Thực hiện phương châm phát hiện sớm, có phương án bảo vệ ngay từ giờ đầu, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) và UBND các địa phương thường xuyên cử cán bộ theo dõi sát diễn biến khu vực xung yếu.
Đến tháng 12/2022, hiện tượng lún, nứt mặt đê ngày càng mở rộng và phát triển thêm, nhất là đoạn từ K43+230 đến K43+364,5 với chiều dài khoảng 135 m, có 4 vị trí xảy ra hiện tượng. Đáng lo ngại, là đoạn từ K43+306 đến K43+400 xuất hiện vết nứt rộng từ 4-10 cm, mặt đê bê tông bị lún võng và nghiêng về phía đồng so với mặt đê hiện trạng từ 3-8 cm. Vết nứt dọc theo lề bê tông rộng 3-7 cm, sâu khoảng 1-1,5 m so với mặt đê.
Nhận thấy tình huống nguy hiểm nếu không kịp thời khắc phục sẽ gây hậu quả khó lường cho tính mạng, tài sản người dân, Chủ tịch UBND tỉnh lệnh thi công cấp bách công trình xử lý sự cố lún, nứt đê hữu Thương đoạn từ K43+100 đến K43+400, với kinh phí 6,8 tỷ đồng. Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 5,6 tỷ đồng, còn lại ngân sách TP và huyện Yên Dũng chi bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 900 triệu đồng.
Qua khảo sát, đánh giá hiện trạng, cơ quan chuyên môn thống nhất giải pháp kỹ thuật đó là đào nêm xử lý lún, nứt; khoan phụt vữa bằng hỗn hợp xi măng và bột sét gia cố thân đê và đắp cơ phần áp phía sông và phía đồng. Công tác này đang được ngành phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tích cực triển khai.
Xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) và Tân Liễu (Yên Dũng) là hai địa phương có diện tích đất liên quan đến công trình thi công. Theo đại diện lãnh đạo các xã, số hộ dân có công trình phải giải tỏa không lớn. Tuy nhiên, khu vực thi công vẫn còn tài sản gồm hoa mầu, cây trồng lâu năm của 12 hộ dân nên địa phương tập trung tuyên truyền, vận động. Các hộ đều đồng thuận, tự nguyện giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND xã Tân Liễu Phí Quang Thịnh cho biết: “Lệnh khẩn cấp của UBND tỉnh ban hành đúng dịp cuối năm, thời điểm địa phương dồn dập công việc. Tuy nhiên, UBND xã ưu tiên cho nhiệm vụ cấp bách, tổ chức họp chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân có đất, đang sử dụng đất tại khu vực đê xung yếu tập trung tận thu các loại tài sản. 5 hộ đang sử dụng đất tại khu vực này có ao cá và nhiều cây trồng như bạch đàn, sưa, tre... đều đồng thuận bàn giao mặt bằng. Trong đó, hộ ông Phạm Văn Hùng có diện tích thu hồi lớn nhất là hơn 190 m2 mặt ao đang thả nhiều loại cá cũng nhanh chóng xử lý để bàn giao mặt bằng”.
Huy động tối đa nhân lực, máy móc xử lý
Với phương châm thi công ngay khi có mặt bằng, cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Thủy lợi và Thương mại Thăng Long (Hà Nội) đang chạy đua với thời gian, khẩn trương bốc dỡ, di dời hơn 20 nghìn m3 đất, đưa máy móc khoan phụt chống thấm bằng hỗn hợp xi măng và bột sét lấp đầy kẽ hở thân đê.
Có mặt trên công trình, ông Vũ Thanh Tùng, cán bộ kỹ thuật của Công ty cho biết, nguồn nước để bơm khoan rất khan hiếm, đơn vị phải sử dụng theo phương án tuần hoàn tiết kiệm nguyên liệu. Trong điều kiện thời tiết giá rét, nhiều thời điểm có mưa, song với tinh thần tập trung cao nhất khắc phục sự cố đê, đơn vị phải huy động thêm máy móc, nhân lực từ các công trình khác về đây làm nhiệm vụ, phấn đấu đến 31/12 khắc phục xong phần thân đê.
Ngoài đoạn đê hữu Thương nói trên thì tại kè Đại Mão, đoạn từ K8+700 đến K9+270 đê tả Cầu, thuộc địa bàn xã Đại Thành (Hiệp Hòa), mới đây cũng bị sạt trượt mái đê. Chân kè có cơ đá hộ chân đã bị trôi tụt, mái kè có độ dốc lớn, nhiều vị trí đã bị bong xô, trôi tụt hoàn toàn.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua kiểm tra đến nay xác định, trên địa bàn tỉnh có 16 trọng điểm đê; 7 tuyến đê, 3 kè, 12 cống và 8 hồ đập trọng điểm xung yếu. Các vị trí này đang được theo dõi sát sao, có phương án bảo vệ cụ thể.
Theo thiết kế, chiều dài công trình khoảng 581 m sẽ được kè bằng đá hộc; mái đê khoảng 294 m kè lát chống sạt lở bằng bê tông đúc sẵn ngàm âm dương trong hệ thống khung dầm chia ô bằng bê tông cốt thép. Đây là kỹ thuật mới áp dụng được vài năm, đã thử nghiệm ở một số công trình tu sửa đê điều trước đó trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn, mỹ thuật, độ bền cao. Công trình có kinh phí khoảng 15 tỷ đồng do ngân sách T.Ư hỗ trợ.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm trước, trên địa bàn từng xảy ra một số sự cố đê điều phải thi công khẩn cấp. Như sự cố kè Bầu, thuộc đê tả Cầu, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) năm 2020; kè Vát, xã Hợp Thịnh năm 2021...
Ông Khổng Văn Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Các công trình thi công trong bối cảnh bị động, tình huống khẩn cấp, song được các ngành chức năng, địa phương rốt ráo vào cuộc, tập trung với tinh thần cao nhất nên đều bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thời điểm này, mực nước trên sông Thương, sông Cầu đang xuống thấp, tạo thuận lợi cho các đơn vị thi công tu sửa, cải tạo, nâng cấp đê điều”.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua kiểm tra đến nay xác định trên địa bàn có 16 trọng điểm đê; 7 tuyến đê, 3 kè, 12 cống và 8 hồ đập trọng điểm xung yếu. Các vị trí này đang được theo dõi sát, có phương án bảo vệ cụ thể. Hạt quản lý đê, chính quyền các địa phương chặt cây, phát quang toàn bộ khu vực mái, chân đê phía đồng để kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các diễn biến sạt, trượt, nứt, lún... thiết lập barie hạn chế các phương tiện tải trọng lớn đi vào khu vực; cử lực lượng theo dõi sát sao diễn biến sự cố.
Xác định nguyên nhân gây sự cố đê điều, ngoài do tác động từ thời tiết, còn có một phần do việc khai thác cát sỏi lòng sông, mở bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng không đúng quy định, quy hoạch, gây ảnh hưởng kết cấu, độ an toàn của các tuyến đê. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục, để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê về lâu dài, cơ quan chức năng và các địa phương liên quan cần sớm hoàn thành việc di dời, giải tỏa các bến bãi tập kết cát, sỏi không nằm trong quy hoạch; duy trì lực lượng ứng trực, kết hợp tăng cường tuần tra trên các tuyến đê xung yếu, chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời các sự cố phát sinh.
Bài, ảnh: Mai Toan
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/416764/cap-bach-khac-phuc-su-co-de.html