Cấp bách khơi thông thị trường xuất nhập khẩu
Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Việt Nam chạm mốc 300 tỷ USD. Song, ngay từ những ngày đầu năm, hoạt động xuất khẩu (XK) sụt giảm mạnh bởi tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19). Dự báo tình hình XK sẽ còn tiếp tục khó khăn trong những tháng tới, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...
Giá trị xuất khẩu tất cả các nhóm hàng đều giảm
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2020 ước đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. XK tháng 1 ước đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, xét về nhóm hàng, giá trị XK tất cả các nhóm hàng đều theo chiều đi xuống. Cụ thể, giá trị XK nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm tới 18,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, KNXK nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt gần 0,294 tỷ USD, giảm tới 36,3% so với cùng kỳ năm 2019. Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, KNXK tháng 1 ước đạt 15,88 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương đánh giá: Kim ngạch XNK trong tháng 1-2020 giảm so với tháng 12-2019 và giảm so với cùng kỳ năm 2019 do kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều rơi vào tháng này. Số ngày làm việc thực tế của tháng 1 chỉ là 17 ngày, thấp hơn so với số ngày làm việc của tháng 12-2019 và tháng 1-2019. Cán cân thương mại tháng 1 quay trở lại nhập siêu, tuy nhiên mức nhập siêu không lớn. Diễn biến này phù hợp với xu hướng các doanh nghiệp đã hoàn tất đơn hàng XK trước Tết và sau Tết, cần một thời gian để quay trở lại đạt năng suất cao, ổn định lực lượng lao động.
Tuy nhiên, bước sang tháng 2, tác động từ dịch bệnh Covid-19 gây gián đoạn hoạt động giao thương là điểm đáng chú ý nhất trong bức tranh XNK hàng hóa của Việt Nam. Đánh giá về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, các biện pháp quyết liệt để chống dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc, như: Cách ly cả một thành phố, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập đông người, ngừng XK các vật tư quan trọng cho nhu cầu chống dịch... đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động XNK trong ngắn hạn và trung hạn (có thể từ 6-8 tháng) bởi nhu cầu tiêu thụ giảm. Trong đó, phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh và biện pháp phòng, chống dịch tới hoạt động XNK là tương đối rộng, không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả ở các thị trường thứ ba, ảnh hưởng từ XNK, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.
Nêu rõ những khó khăn của hoạt động XNK trong thời gian tới, Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc XK hàng hóa gặp khó khăn khi phía Trung Quốc đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2-2020. Cùng với đó, nếu dịch bệnh tiếp diễn trong vài tháng tới, doanh nghiệp XK trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu, bởi các nguyên liệu sản xuất cho quý I thường được nhập khẩu trước Tết.
Nêu rõ nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp dệt may, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, mặc dù thị trường XK của ngành may mặc ít bị tác động, nhưng nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi, hiện nay nguồn nguyên liệu của ngành dệt may có một tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ở đây đang đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19.
Tái cơ cấu sản xuất và tập trung mở rộng thị trường
Đề cập các giải pháp tháo gỡ cho hoạt động XNK, ông Phan Văn Chinh cho biết, công tác điều tiết là hết sức quan trọng để tránh ùn ứ tại cửa khẩu. Bộ Công Thương đã thông báo với các tỉnh để điều tiết, tránh đưa hàng lên biên giới khi việc giao thương tại các cửa khẩu còn hạn chế. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang tích cực triển khai các giải pháp tìm kiếm những thị trường thay thế và hướng vào thị trường trong nước. Riêng với nông sản, ông Phan Văn Chinh đề nghị tổ chức vận chuyển nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển, nhưng muốn làm được điều này, các doanh nghiệp sẽ phải tiến hành XK theo đường chính ngạch và cần Nhà nước hỗ trợ chi phí vận tải trong thời gian đầu.
Còn Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông khuyến nghị, trong bối cảnh XK gặp khó, cần gấp rút quy hoạch lại việc sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường; đồng thời, phải chú ý đến vấn đề chất lượng và truy xuất nguồn gốc. “Đây là các điều kiện tiên quyết để hàng hóa có thể XK bền vững. Đặc biệt, khi tìm kiếm thị trường XK thay thế cũng dễ dàng hơn nhiều”-ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Trương Văn Cẩm, để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác, như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá, phía bạn hàng Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác nên sẽ rất khó cạnh tranh. Chính vì vậy, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, nhất thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Đánh giá nếu dịch bệnh kéo dài, thiệt hại sẽ rất đáng kể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cùng với những giải pháp cấp bách trong ngắn hạn, các đơn vị thuộc bộ phải nghiên cứu đưa ra giải pháp ứng phó trong dài hạn ứng với từng kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Song, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây cũng là thời điểm cần đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế. Việc sản xuất phải gắn với việc XK theo đường chính ngạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết, trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển. Như thế mới bảo đảm năng lực cạnh tranh, không phụ thuộc vào một thị trường.
Chia sẻ về mục tiêu KNXK đạt mốc 300 tỷ USD, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là một con số đầy thách thức và áp lực, đòi hỏi không chỉ Bộ Công Thương mà các bộ, ngành khác có liên quan cần có những giải pháp tốt và quyết tâm cao để đạt được. Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bám sát kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành. “Toàn ngành công thương sẽ có một chương trình hành động để thực hiện theo chỉ đạo kép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm an toàn đời sống người dân nhưng cũng cần quyết tâm duy trì các mục tiêu, kế hoạch đề ra”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.