Cấp bách kiềm chế ô nhiễm nhựa

Nhựa có ở khắp mọi nơi, kể cả trong cơ thể con người. Ngành công nghiệp thu lợi nhuận từ các sản phẩm không an toàn, chuyển gánh nặng kinh tế, sức khỏe cho công chúng và các chính phủ.

Rác thải nhựa trên bãi biển Famara, Lanzarote, Tây Ban Nha. Nguồn: Alarmy.

Rác thải nhựa trên bãi biển Famara, Lanzarote, Tây Ban Nha. Nguồn: Alarmy.

Ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe

Năm nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm thấy vi hạt nhựa trong mọi mẫu mô nhau thai mà họ thử nghiệm; trong động mạch, nơi nhựa có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ… Những khám phá này bổ sung thêm bằng chứng về sự phổ biến của nhựa và sự hiểu biết ngày càng tăng của chúng ta về những rủi ro sức khỏe mà nó gây ra.

Ủy ban Nhựa và Sức khỏe con người Minderoo - Monaco ước tính, chỉ riêng ở Mỹ trong năm 2015, chi phí cho bệnh tật, khuyết tật và tử vong sớm do tiếp xúc với các hóa chất BPA, DEHP và PBDE có trong nhựa đã vượt quá 675 tỷ USD.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, chúng ta mới chỉ ở trong thời kỳ “tạm lắng” trước khi cuộc khủng hoảng nhựa thực sự bắt đầu. Trong một đánh giá nghiên cứu về tác động của việc gia tăng ô nhiễm vi nhựa, các tác giả cho biết, “sự bùng phát rộng rãi của ô nhiễm vi nhựa vẫn chưa xảy ra”.

Theo các nhà khoa học, mức độ ô nhiễm vi nhựa được phát hiện có thể chỉ là bước khởi đầu, một phần vì sản xuất nhựa đã tăng tốc đáng kể kể từ những năm 1970. Chúng ta đang tiến đến điểm bùng phát vì phần lớn rác thải nhựa từ 20 - 40 năm trước đang bị phân hủy ở tầm vi mô.

Mặc dù nhựa có thể mất hơn 1.000 năm để phân hủy hoàn toàn nhưng chúng có thể trở thành các hạt vi mô sớm hơn. Ví dụ, việc mở nắp chai có thể giải phóng vi nhựa ngay lập tức và nhiều dạng nhựa bắt đầu phân hủy thành vi hạt trong vòng nhiều thập kỷ hoặc thậm chí nhiều năm trong một số điều kiện nhất định.

Bất chấp khả năng gia tăng các vấn đề về môi trường và sức khỏe liên quan đến vi nhựa, thế giới vẫn chưa bắt đầu giải quyết vấn đề này. Sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng gấp đôi từ khoảng 230 triệu tấn hàng năm vào năm 2000 lên 460 triệu tấn vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi một lần nữa vào năm 2040.

Nhiều giải pháp khả thi

Tiên lượng có thể rất thảm khốc, nhưng các chuyên gia tin rằng vẫn có những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác hại trên diện rộng do nhựa gây ra.

Theo tiến sĩ Philip Landrigan - Giám đốc Chương trình Y tế công cộng, Đại học Boston (Mỹ), bước cơ bản và sâu rộng nhất phải được thực hiện để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu là áp đặt mức trần toàn cầu đối với sản xuất nhựa. Điều này sẽ tương tự như các giới hạn đối với việc sản xuất chlorofluorocarbon được áp đặt theo Nghị định thư Montreal hoặc các hạn chế về phát thải khí nhà kính được đặt ra theo Thỏa thuận Khí hậu Paris.

Tiến sĩ Landrigan cho biết, một số loại nhựa rất cần thiết cho các ngành công nghiệp như kỹ thuật và y học có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng điều quan trọng là phải hạn chế loại nhựa được gọi là “nhựa dùng một lần”.

Trong khi đó, ông Martin Wagner tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy và là tác giả của báo cáo PlastChem năm 2024 cho biết, hơn 3.600 trong số hơn 16.000 hóa chất được biết đến trong nhựa là “hóa chất nhựa đáng lo ngại” không được kiểm soát, được định nghĩa là hóa chất gây ung thư, gây rối loạn nội tiết tố hoặc gây độc và tích lũy sinh học. Gần 400 chất được sử dụng trong nhựa tiếp xúc với thực phẩm và 97 chất được phát hiện có thể rò rỉ ra khỏi nhựa và đi vào thực phẩm hoặc cơ thể con người. Vì vây, công chúng có quyền biết họ đã tiếp xúc với những loại hóa chất nào. Nó không giống như uống rượu hay hút thuốc lá, đây là việc hoàn toàn không tự nguyện.

Ông Wagner gợi ý, việc đầu tiên của các nhà hoạch định chính sách sẽ là quản lý 15 nhóm hóa chất nhựa đáng lo ngại, trong đó có bisphenol, phthalates và PFAS. Hơn nữa, họ nên buộc các nhà sản xuất phải minh bạch về những loại hóa chất có trong sản phẩm của họ, với tối hậu thư “không có dữ liệu, không có thị trường”.

Ông Wagner cho rằng, việc ghi nhãn sản phẩm rõ ràng sẽ giúp mọi người xác định xem sản phẩm mà họ sử dụng có chứa các hóa chất đáng lo ngại hay không.

Đối với bà Tiza Mafira - Giám đốc Sáng kiến Chính sách Khí hậu Indonesia, mục tiêu không phải là loại bỏ các cửa hàng nhựa mà là để các nhà sản xuất thay thế bao bì nhựa dùng một lần bằng bao bì có thể tái sử dụng bằng nhựa, thủy tinh hoặc nhôm. Bao bì này có thể được trả lại, khử trùng, đổ đầy lại, dán lại và bán lại, chẳng hạn như các chai sữa từng có ở Mỹ và Anh.

Tháng 1 vừa qua, nhóm của bà Mafira đã thành lập Hiệp hội tái sử dụng châu Á để giúp nhiều công ty phổ biến hệ thống tái sử dụng và nạp lại cho hoạt động bán hàng trực tuyến và tại cửa hàng. Liên minh này cùng phát triển các hướng dẫn và tiêu chuẩn tái sử dụng và nạp lại, đồng thời định hình các khuyến nghị chính sách.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cap-bach-kiem-che-o-nhiem-nhua-10285397.html