Cấp bách phê duyệt cơ chế giải cứu Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục đối mặt với nguy cơ không thể về đích để góp phần giải 'cơn khát' điện cho nền kinh tế khi cơ chế nguồn vốn vẫn chưa được xem xét phê duyệt.

Đoàn công tác làm việc tại công trường Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Đoàn công tác làm việc tại công trường Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Với tiến độ tổng thể đã đạt hơn 84% nhưng Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 lại đang đối mặt với nguy cơ không thể về đích để góp phần giải “cơn khát” điện cho nền kinh tế khi cơ chế nguồn vốn vẫn chưa được xem xét phê duyệt.

*Khó khăn chồng khó khăn

Vấn đề tìm giải pháp để đưa Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 về đích là chủ đề xuyên suốt buổi làm việc ngày 23/7 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên với đại diện chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngay tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo Trưởng ban Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 Nguyễn Ngọc Hải, tính đến ngày 23/7/2019, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đạt hơn 84% tiến độ tổng thể; trong đó, phần thiết kế đạt 99,6%; ký các hợp đồng mua sắm đạt 99,7%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt gần 94%; thi công đạt hơn 82%; chạy thử đạt 3,52%.

Phần công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện các hạng mục gia công chế tạo và lắp đặt kết cấu thép hệ thống vận chuyển than, kéo cáp hệ thống nước làm mát, các gói thầu phục vụ chạy thử như: thông rửa đường ống bằng dầu, xử lý nước thải sau xúc rửa, cung cấp dầu mỡ, hóa chất, thông thổi đường hơi chính và đi tắt cao, hạ áp và các công trình phục vụ môi trường (giám sát phát thải liên tục, hồ kiểm chứng nước thải).

Tuy nhiên, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 lại đang đối mặt với nguy cơ “đóng cửa” do vướng phải một loạt các khó khăn vượt thẩm quyền giải quyết của PVN.

Theo Chủ tịch PVN Trần Sĩ Thanh, vướng mắc đầu tiên là cơ chế, thể chế. Hiện PVN đang nợ tổng thầu EPC cả nghìn tỷ đồng do không có căn cứ nào để thanh toán chứ không phải vì không có tiền. Vướng mắc này sẽ đẩy doanh nghiệp đến bên bờ vực phá sản, ông Thanh cảnh báo.

Bên cạnh đó, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã trải qua thời gian xây dựng quá lâu, quá nhiều thời kì, pháp luật thay đổi liên tục, hồ sơ pháp lý không rõ ràng; cộng thêm sự yếu kém của Tổng thầu cũng là nguyên nhân khiến việc giải ngân của dự án gặp trở ngại.

Đặc biệt, dự án được thu xếp vốn theo phương án cơ cấu vốn vay 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay) nhưng đến nay, việc gia hạn tiếp tục giải ngân phần vốn vay nước ngoài (đã hết hạn từ 28/9/2018) vẫn chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Thêm vào đó, với việc các lãnh đạo của Tổng thầu PVC có nhiều sai phạm và bị khởi tố nên theo điều lệ của hợp đồng tín dụng, bất kỳ dự án nào liên quan đến pháp lý thì sẽ bị cắt tín dụng nên toàn bộ việc vay tín dụng của Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 không còn.

Theo đó, dự án không có tiền để trả lương cho người lao động, không có tài chính để thanh toán cho nhà cung cấp...

Thực tế là người lao động tại dự án đang rất hoang mang, nhiều cán bộ đã bỏ đi và dự án trị giá 32.000 tỷ đồng này vẫn nằm “phơi gió phơi sương” trong khi “cơn khát” điện của hệ thống vẫn hiện hữu. "Nếu không có tiền, dự án sẽ đóng cửa trong vài tháng tới", Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cảnh báo.

Lãnh đạo các bộ ngành và lãnh đạo PVN kiểm tra hoạt động tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Lãnh đạo các bộ ngành và lãnh đạo PVN kiểm tra hoạt động tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 không chỉ là một dự án đầu tư kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, chính trị. Vấn đề của dự án đều rõ ràng minh bạch nhưng các nhà thầu trong tỉnh, số tiền tồn đọng tại dự án chưa thể giải ngân gây ra nguy cơ lớn sự tồn vong của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh.

“Đối với tỉnh nghèo như Thái Bình, chỉ cần đọng vốn vài trăm tỷ đồng cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng” – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên nói.

*Cấp bách phê duyệt cơ chế

Tại cuộc họp với các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ Công Thương về mặt kỹ thuật, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về nguồn vốn sử dụng. Tuy nhiên “hãy cho chúng tôi cơ chế để làm", ông Trần Sỹ Thanh nhắc đi nhắc lại.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn về nguồn tài chính cho dự án, ông Thanh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng chấp thuận, cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Ông Thanh cũng khẳng định "tập thể lãnh đạo PVN sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về mặt kỹ thuật đảm bảo nhà máy vận hành thương mại theo đúng tiến độ được phê duyệt” khi cơ chế nguồn vốn được phê duyệt.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành gồm Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đều thống nhất ủng hộ kiến nghị của PVN về cơ chế tháo gỡ nguồn tài chính cho Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động phát điện.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Ghi nhận tinh thần quyết liệt của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên PVN trong chủ động tìm kiếm cũng như thực hiện các giải pháp kiểm soát tài chính, đẩy nhanh tốc độ hoàn thành Dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có tầm quan trọng về an ninh năng lượng và kinh tế xã hội.

Cùng với việc đề nghị Bộ Tài chính gia hạn các khoản vay nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện giải ngân cho Dự án, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng kêu gọi đại diện các bộ, ngành Trung ương có mặt tại buổi làm việc khẩn trương cho ý kiến về dự án, chậm nhất trong tuần này để Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cuối cùng về cơ chế nguồn vốn cho dự án.

Đồng tình với các đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, nếu Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành chính thức thì sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia thêm 7 tỷ kWh/năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành từ năm 2020, hệ thống sẽ phải tốn khoảng 35.000 tỷ đồng/năm để chạy dầu bù sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế xã hội.

Theo dự kiến, nếu được Chính phủ phê duyệt chủ trương về cơ chế tài chính cho dự án trong tháng 7 này thì dự án sẽ có thể phát điện Tổ máy số 1 vào tháng 6/2020 và Tổ máy số 2 vào tháng 10/2020./.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cap-bach-phe-duyet-co-che-giai-cuu-du-an-nhiet-dien-thai-binh-2/128975.html