Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho 3 dự án nhiệt điện trọng điểm

Hiện 3 dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gồm: NMNĐ Long Phú 1 (Sóc Trăng); NMNĐ Sông Hậu 1 (Hậu Giang) và NMNĐ Thái Bình 2 (Thái Bình) đều đang gặp vướng mắc, chậm tiến độ. PVN đã nỗ lực cải thiện tình hình, nhưng do nhiều yếu tố khách quan, khó lường và vượt thẩm quyền khiến các dự án quan trọng quốc gia này vẫn trong cảnh trì trệ. Điều này đòi hỏi cần cấp bách có các cơ chế, giải pháp đặc thù.

 Toàn cảnh Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Toàn cảnh Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 chưa xác định được tiến độ khả thi

Dự án NMNĐ Long Phú 1 của PVN có quy mô công suất 1.200MW, với vốn đầu tư hơn 29,5 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch ban đầu, tổ máy số 1 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 (sau 45 tháng triển khai); tổ máy số 2 sẽ hoàn thành vào ngày đầu năm 2019 (sau 49 tháng triển khai). Tuy nhiên, tính đến nay dự án đã chậm tiến độ, hiện mới hoàn thành 77,56% so với kế hoạch.

Theo Trưởng ban Quản lý dự án NMNĐ Long Phú 1 Nguyễn Doãn Toàn: Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do nhà thầu Power Machines (PM-Nga) bị Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp đối từ 26-1-2018. Từ thời điểm PM bị cấm vận, công tác mua sắm hàng hóa, thiết bị nhập khẩu và thu xếp vốn cho dự án thuộc phạm vi công việc của PM gần như không có tiến triển cụ thể. “Đến nay, dự án vẫn chưa xác định được tiến độ khả thi do nhà thầu PM hiện không tiếp tục thực hiện được hợp đồng tổng thầu EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) do ảnh hưởng của cấm vận. Việc dừng thi công trong thời gian dài tiềm ẩn nguy cơ cao có thể dẫn đến sự cố, mất an toàn cho công trình; gây hư hỏng, ăn mòn vật tư, thiết bị của dự án”, ông Nguyễn Doãn Toàn cho biết.

Tổng mức đầu tư dự án được lập từ năm 2010 nên ở thời điểm hiện tại không còn phù hợp, nên không đủ nguồn tài chính để thanh toán cho nhà thầu. Hiện nay, PVN đã trình tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án để Bộ Công Thương tiến hành thẩm định. Tuy nhiên, công tác thẩm định của các bộ, ngành diễn ra chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án. Cùng với đó, công tác thi công, thanh toán của dự án gặp khó khăn do các ngân hàng nước ngoài, cũng như các ngân hàng thương mại của Việt Nam từ chối thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến nhà thầu PM. “Do các khó khăn, vướng mắc của Dự án NMNĐ Long Phú 1 và cách thức giải quyết khó khăn là chưa có tiền lệ, chưa được pháp luật Việt Nam quy định và hướng dẫn xử lý. Do vậy, nếu không kịp thời có cơ chế xử lý triệt để, nguy cơ không thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án là rất lớn”, ông Nguyễn Doãn Toàn, nhấn mạnh.

Hai dự án còn lại đều trong tình trạng thiếu vốn

Cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, nhưng Dự án NMNĐ Thái Bình 2 và Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 đã được PVN xác định tiến độ khả thi. Theo đó, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư (điều chỉnh lần 2) hơn 41.000 tỷ đồng, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%. Trong đó, hầu hết các hạng mục xây dựng chính của dự án đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện. Theo tiến độ dự kiến, dự án sẽ hoàn thành tổ máy 1 vào tháng 6-2020 và tổ máy 2 vào tháng 10-2020. Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên PVN: Hiện còn một số vướng mắc dẫn đến dự án có nguy cơ tiếp tục bị chậm tiến độ, trong đó nguyên nhân chính là việc thiếu hụt nguồn vốn vay. Do đó, cần cơ chế đặc thù để giải quyết nguồn vốn cho nhà máy này sớm đi vào vận hành. “Nếu không vận hành được thì chưa biết lấy nguồn nào để thay thế 1.200MW công suất của dự án trước nguy cơ thiếu điện của cả nước sau năm 2020. Cùng với đó, nếu dự án không vận hành thì mọi chi phí đầu tư không thu hồi được; cũng không có nguồn nào để trả nợ vay dự án”, ông Đinh Văn Sơn, lo ngại.

NMNĐ Sông Hậu 1 là dự án có tiến độ khả quan nhất trong 3 dự án kể trên của PVN. Tổng tiến độ lũy kế của dự án đạt khoảng 74%, chậm khoảng 24,7 tháng về thời gian so với tiến độ theo Hợp đồng EPC đã ký. Dự kiến, dự án NMNĐ Sông Hậu 1 sẽ hoàn thành tổ máy số 1 vào tháng 5-2021; thời gian hoàn thành tổ máy số 2 vào ngày tháng 9-2021.

Chia sẻ về khó khăn của dự án, theo ông Hồ Xuân Hiền, Trưởng ban Quản lý dự án NMNĐ Sông Hậu 1: Hiện dự án đang được Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù, cho phép thực hiện theo hình thức hợp đồng điều chỉnh giá cho phần xây dựng, lắp đặt, gia công chế tạo theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11-12-2013 về việc điều chỉnh danh mục tiến độ, một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2020. Tuy nhiên, do tính chất và đặc thù công việc của dự án, phương án điều chỉnh giá Hợp đồng EPC chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, cả chủ đầu tư và tổng thầu chưa có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng EPC theo hình thức điều chỉnh giá nên các bên gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều này dẫn đến công tác thanh toán chưa đáp ứng theo tiến độ thi công, ảnh hưởng đến dòng tiền thanh toán cho tổng thầu, các nhà thầu phụ để triển khai công việc. Cùng với đó, hiện nay, tiến độ thi công đường dây 500kV Sông Hậu-Đức Hòa do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đang chậm so với kế hoạch đề ra.

Với các khó khăn như trên, theo ông Hồ Xuân Hiền: Để tháo gỡ khó khăn của dự án, vấn đề quan trọng nhất là PVN cần phải duy trì việc cấp vốn. Đồng thời, EVN cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường 500kV. Nếu không kịp thời đẩy nhanh công việc để đồng bộ với quá trình chạy thử, nghiệm thu của Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ.

Đề xuất các cơ chế đặc thù để thúc tiến độ

Trưởng ban Điện của PVN ông Nguyễn Huy Vượng cho biết: PVN đã kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành chức năng những giải pháp tháo gỡ cho từng dự án. Đối với Dự án NMNĐ Thái Bình 2, PVN kiến nghị Chính phủ, trong khi nguồn vốn vay bổ sung chưa thu xếp được thì chấp thuận chủ trương cho PVN được dùng nguồn vốn chủ sở hữu giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Khi thu xếp được nguồn vốn vay bổ sung sẽ hoàn trả lại phần vốn chủ sở hữu sử dụng vượt tỷ lệ. “Hiện giá trị giải ngân của dự án đạt khoảng 32,9 nghìn tỷ đồng. Nếu không được giải quyết kịp thời thì dự án tiếp tục chậm tiến độ”, ông Nguyễn Huy Vượng cho biết.

Đối với Dự án NMNĐ Long Phú 1, PVN kiến nghị Chính phủ, xem xét thành lập tổ công tác đặc biệt do Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan về Dự án NMNĐ Long Phú 1 để chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ PVN giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án. Đặc biệt, cho phép PVN sử dụng vốn chủ sở hữu vượt 30% giá trị tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh để tiếp tục triển khai các hạng mục đang thi công dở dang của dự án đến các điểm dừng kỹ thuật và thực hiện công tác bảo dưỡng, bảo quản vật tư, thiết bị/hạng mục công việc nhằm bảo đảm chất lượng công trình. Cùng với đó, PVN đề nghị, Bộ Công Thương sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án đã được PVN trình tại Công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25-9-2018.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cap-bach-thao-go-kho-khan-cho-3-du-an-nhiet-dien-trong-diem-582009