Cấp bách tìm đối sách cho thuế tối thiểu toàn cầu
Hàng loạt chuyển động liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu đã và sắp diễn ra sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề 'rất cấp bách' và sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là việc 'dứt khoát phải làm'.
Chuyển động tích cực hơn
Nếu không có gì thay đổi, sáng mai (ngày 18.4) sẽ diễn ra một hội thảo quy mô lớn về thuế tối thiểu toàn cầu. Hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức, thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức tư vấn thuế và đại diện một số doanh nghiệp FDI lớn đang hoạt động tại nước ta như Samsung, Canon, Bosch… cùng thảo luận về kinh nghiệm áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của các quốc gia, đánh giá tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam.
Vào cuối tuần trước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu cũng đã được ban hành. So với thời điểm thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu được áp dụng (từ năm 2024) và thời điểm thành lập Tổ công tác (tháng 8.2022), việc ban hành Quy chế có phần chậm trễ. Điều này đồng nghĩa áp lực với Tổ công tác trong 8 tháng sắp tới là rất lớn.
Quan sát cho thấy những chuyển động liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu dường như tích cực hơn sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10.4 vừa qua. Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ "sốt ruột" vì thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề cấp bách, cần có hành động chính sách, sửa đổi nội luật để tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức nhưng Chính phủ không có đề xuất nào trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024. Người đứng đầu Quốc hội cho rằng, tìm đối sách cho thuế tối thiểu toàn cầu là việc căn cơ trong giai đoạn hiện nay và sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những vấn đề căn cốt để thích ứng. “Luật này dứt khoát phải làm!”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ. Nếu không làm có nghĩa chúng ta từ bỏ quyền đánh thuế bổ sung và năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thu hút vốn FDI sẽ bị tác động rất nặng nề.
Giải thích với Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng luật này. Đồng thời, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định quyết tâm trình Chính phủ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trong tháng 6.2023 và cố gắng trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10.2023.
Tuy nhiên chỉ vài ngày trước đó, báo chí đưa tin Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ dự luật này trong năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10.2024 và thông qua vào tháng 5.2025. Thông báo số 120/TB-VPCP ngày 10.4.2023 của Văn phòng Chính phủ cho thấy, Chính phủ có kế hoạch đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu thay vì sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngay trong năm nay. Cũng theo Thông báo này, báo cáo của Bộ Tài chính về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được cho là chưa phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhất là những tác động bất lợi với những nhà đầu tư mà Việt Nam đã cam kết ưu đãi. Sự chậm trễ và có phần thiếu chủ động này khiến thách thức về thời gian để tìm kiếm giải pháp là lớn. Chúng ta chỉ có khoảng 8 tháng để hành động!
Cuộc chơi mới
Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Khi chính sách này được áp dụng, một số tập đoàn lớn đang hoạt động ở nước ta sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Chính sách ưu đãi đầu tư có thể giảm hiệu lực trong nhiều trường hợp. Thậm chí, thuế tối thiểu toàn cầu tác động đến thu hút FDI ngay từ bây giờ chứ không phải chờ đến ngày được áp dụng. Bởi vì, các nhà đầu tư đã tính toán đến việc thực thi chính sách thuế này để quyết định đầu tư năm nay và năm tiếp theo.
Chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, có quy mô doanh thu hợp nhất trên 750 triệu EUR toàn cầu. Trong năm 2022, qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở nước ta chịu ảnh hưởng bởi chính sách này. Tuy nhiên, ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư nhỏ nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia phải chịu thuế suất thuế tối thiểu sẽ bị liên đới.
“Trước tình hình này, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động - bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực; cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi và từ đó cần xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực - tiêu cực, cơ hội, thách thức. Chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
“Nếu không hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế”, ông Thomas McClelland - Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam cảnh báo.
Thời gian qua, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam do nhận thấy lợi ích tổng thể so với các quốc gia khác. Lợi ích ở đây bao gồm lợi ích kinh tế và thương mại trực tiếp như khấu trừ thuế, chi phí nhân công rẻ, thị trường lớn và các lợi ích mang tính chiến lược như gần gũi về văn hóa, trao đổi đối tác ngoại giao, tăng sự hợp tác. Do đó, Việt Nam cần duy trì lợi ích tổng hợp cả mặt chiến lược lẫn mặt thương mại để bù đắp các lợi ích mà doanh nghiệp FDI mất đi trong trường hợp phải chịu thuế cao hơn. Nói cách khác, không ưu đãi chỗ này thì phải ưu đãi chỗ khác! Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống ưu đãi thuế để duy trì tính cạnh tranh và thu hút của môi trường đầu tư. Các nội dung liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu cần được đưa vào dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2024.
Một trong những gợi ý về chính sách ưu đãi thuế trong bối cảnh mới, theo ông Phan Đức Hiếu, có thể cân nhắc việc khấu trừ chi phí để đạt được mục tiêu kép. Ví dụ thay vì giảm thuế suất, có thể cho phép doanh nghiệp khấu trừ nhiều hơn 100% (ví dụ 150%) chi phí mà họ đầu tư vào các hoạt động quan trọng: nghiên cứu phát triển, đào tạo lao động, thuê nhân sự chất lượng cao... Chính sách này vẫn tạo được tác động ưu đãi vừa đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đầu tư vào hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.
Hoặc Việt Nam có thể giúp doanh nghiệp đa quốc gia giảm chi phí đầu vào thông qua các hình thức hỗ trợ gián tiếp như hỗ trợ chi phí mua máy móc, chi phí R&D, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tốt hơn. Chẳng hạn, Thái Lan sẽ hỗ trợ tiền điện cho nhà đầu tư nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Mặt khác, thuế đã và sẽ không còn là công cụ hiệu quả nữa trong thu hút FDI. Một cuộc chơi mới đang được định nghĩa lại và cuộc chơi này bất kỳ nhà đầu tư nào cũng muốn thấy và tận hưởng. Môi trường chính trị xã hội ổn định, trật tự, an ninh an toàn; hệ thống pháp luật minh bạch, công khai, công bằng; môi trường kinh doanh thuận lợi; nguồn nhân lực có kỹ năng và sáng tạo; một nơi đáng để sống và làm việc; văn hóa, ẩm thực, con người phải trở thành động lực mạnh mẽ… Đây mới là sức mạnh mềm làm nền tảng cho cuộc chơi mới mà Việt Nam bắt buộc phải tạo dựng cho mình.