Cấp bách xử lý ô nhiễm tại làng nghề

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để ô nhiễm tại các khu vực này, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng. Phóng viên Báo Hànôịmới có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái về những nhiệm vụ cấp bách được triển khai trong thời gian tới.

Làng nghề kim khí xã Thanh Thùy (Thanh Oai) chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

Làng nghề kim khí xã Thanh Thùy (Thanh Oai) chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

- Ông có thể cho biết tình hình phát triển các làng nghề của thành phố Hà Nội hiện nay như thế nào?

- Hà Nội hiện còn 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn.

Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22-25 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó nhiều làng nghề đạt cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); làng nghề cơ khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất)...

- Đi kèm với sự phát triển của làng nghề là ô nhiễm môi trường gia tăng, vậy nguyên nhân là gì, thưa ông?

- Đúng vậy, hiện nay Hà Nội có 139 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 91 làng nghề gây ô nhiễm và 63 làng nghề không gây ô nhiễm. Trong đó khoảng 36% số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải, hơn 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng thô sơ, chưa đạt quy chuẩn… Kết quả điều tra cho thấy, trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4-6,7 lần…

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường là do cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên việc xử lý nước thải, chất thải rất khó khăn. Thêm nữa, các cơ sở sản xuất tại làng nghề đa phần chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường…

- Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ông có thể cho biết kết quả triển khai Đề án?

- Đề án đang triển khai theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn 2017-2020, chúng tôi phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm; nghiên cứu tính khả thi và xây dựng các mô hình xử lý.

Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục phân loại làng nghề và thực hiện xử lý ô nhiễm tại những làng nghề truyền thống chưa có phương án bảo vệ môi trường; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022; hoàn thiện thủ tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh (huyện Hoài Đức), cụm xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh)...

Cũng trong giai đoạn này, thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức; kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên…, bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.

Sông Đáy đoạn qua huyện Hoài Đức bị ô nhiễm do hoạt động xả thải từ làng nghề sản xuất tinh bột sắn ở xã Minh Khai và Dương Liễu. Ảnh: Trần Thụ

Sông Đáy đoạn qua huyện Hoài Đức bị ô nhiễm do hoạt động xả thải từ làng nghề sản xuất tinh bột sắn ở xã Minh Khai và Dương Liễu. Ảnh: Trần Thụ

- Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông, công tác bảo vệ môi trường làng nghề của thành phố còn những hạn chế gì?

- Đó là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã còn chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường còn chậm; lực lượng cán bộ quản lý về môi trường còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao; kinh phí sự nghiệp dành cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế...

- Vậy, Sở sẽ tham mưu thành phố triển khai nhiệm vụ gì để nâng cao chất lượng môi trường làng nghề trong thời gian tới, thưa ông?

- Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai phương án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030 để trình UBND thành phố phê duyệt; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với Sở Công Thương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp làng nghề... Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách kiện toàn bộ máy quản lý môi trường cấp xã, phường...

Song song với nhiệm vụ trên, chúng tôi cùng các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới nhân dân; khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường, tiến tới triển khai thành quy định bắt buộc để bảo vệ môi trường các làng nghề.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/1027806/cap-bach-xu-ly-o-nhiem-tai-lang-nghe