'Cấp cứu' ngành hàng không trong đại dịch Covid-19'Cấp cứu' ngành hàng không trong đại dịch Covid-19
Tiến hành quốc hữu hóa, hỗ trợ trả lương cho nhân viên, cung cấp các khoản vay khẩn cấp... là những biện pháp mà các chính phủ trên thế giới đang triển khai hoặc đang cân nhắc để giải cứu các hãng hàng không trước cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.
Ngành hàng không toàn cầu đang tê liệt vì đại dịch Covid-19 với hơn 100 hãng bay đang tạm thời dừng hoạt động do nhu cầu các chuyến bay giảm về gần mức 'zero'. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cho biết do chi phí hoạt động cao nhưng doanh thu của các thành viên hiệp hội đều gần như mất trắng trong mùa dịch bệnh.
IATA cũng ước tính đại dịch Covid-19 sẽ khiến 280 hãng bay thành viên của IATA mất mát doanh thu 259 tỉ đô la trong năm 200. Vì vậy, các hãng hàng không trên toàn cầu đang cần các gói giải cứu với trị giá ước tính lên đến 200 tỉ đô la.
Các nước châu Âu quốc hữu hóa hãng bay quốc gia...
Hồi tháng trước, chính phủ Ý thông báo kế hoạch quốc hữu hóa hãng hàng không quốc gia Alitalia. Trước mắt, chính phủ Ý sẽ bơm thêm 600 triệu euro cho hãng này. Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ và đối mặt phá sản, Alitalia đang cạn kiệt dòng tiền do tác động của dịch Covid-19 dù đã được chính phủ cung cấp khoản vay 400 triệu euro vào hồi đầu năm nay.
Một nhóm chuyên gia của chính phủ Bỉ phụ trách giải cứu các công ty lớn cũng đang cân nhắc phương án quốc hữu hóa hãng hàng không quốc gia Brussels Airlines, công ty con của hãng hàng không Lufthansa (Đức). Liên minh châu Âu (EU) cấm các chính phủ các nước thành viên hỗ trợ tài chính cho các công ty ở nước họ bao gồm các hãng hàng không vì xem đó là sự cạnh tranh không công bằng, bóp méo thị trường. Tuy nhiên, EU cũng đặt ra một số ngoại lệ, cho phép nhà nước hỗ trợ tài chính hoặc quốc hữu hóa các công ty dựa trên các lý do liên quan diễn biến kinh tế nói chung xấu đi hoặc nếu như động thái hỗ trợ này là một phần của các biện pháp hỗ trợ áp dụng cho tất cả các công ty.
Hôm 11-4, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU đã chấp thuận gói bảo lãnh vay 455 triệu đô la của chính phủ Thụy Điển dành cho bất cứ hãng hàng không nào có giấy phép hoạt động ở không phận Thụy Điển tính đến ngày 1-1-2020 và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chính phủ Thụy Điển ước tính sẽ có 20 hãng bay đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ tài chính này.
...hoặc tìm kiếm gói vay vốn từ chính phủ
Hãng hàng không Air France KLM (liên doanh Pháp-Hà Lan) chứng kiến lượng hành khách suy giảm gần 57% trong tháng 3 và dự báo hơn 90% máy bay của hãng sẽ dừng bay trong tháng 4 và tháng 5 do cuộc khủng hoảng Covid-19.
Air France KLM đang thua lỗ 25 triệu euro mỗi ngày. Mức thua lỗ này có thể lớn hơn nếu như không có các biện pháp hỗ trợ trả lương cho nhân viên của nhà nước. Tại Hà Lan, chính phủ đồng ý trả 90% mức lương tháng (tối đa 9.538 euro) trong vòng 3 tháng cho nhân viên của các công ty bị mất trắng doanh thu do dịch Covid-19. Nếu doanh thu của công ty giảm 50%, mức hỗ trợ trả lương của nhà nước là 45% mức lương tháng của nhân viên.
Chính phủ Pháp đang hỗ trợ trả 70% mức lương tháng (tối đa 6.927 euro) của các nhân viên của các công ty bị buộc phải dừng hoặc giảm hoạt động kinh doanh.
Hiện tại, Air France-KLM đang đàm phán với các ngân hàng và chính phủ Pháp và Hà Lan để vay 6 tỉ euro với sự bảo lãnh của hai chính phủ này, vốn mỗi bên đang nắm giữ 14% cổ phần tại Air France-KLM.
Trong cuộc gọi điện video với nhân viên hôm 9-4, ông Carsten Spohr, Giám đốc điều hành hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa, cho biết cứ mỗi tiếng trôi qua, hãng này tổn thất 1 triệu euro do đi lại hàng không tê liệt. Lufthansa và các công ty con Eurowings (Đức), SWISS (Thụy Sĩ), Brussels Airlines (Bỉ), Austrian Airlines (Áo), đang vận chuyển chưa đến 3.000 hành khách mỗi ngày, giảm mạnh với con số hành khách trung bình 350.000 người /ngày trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ông Spohr nói Lufthansa sẽ không thể sống sót qua đại dịch Covid-19 như không có sự hỗ trợ của nhà nước.
Lufthansa đang nhận được khoản hỗ trợ trả lương cho nhân viên lên đến hàng trăm triệu euro mỗi tháng từ các chính phủ Đức, Bỉ, Áo, Thụy Sĩ. Nhật báo Süddeutsche Zeitung (Đức) tiết lộ Lufthansa đang thảo luận tìm kiếm các gói vay hỗ trợ đặc biệt lên đến 10 tỉ euro với sự bảo lãnh từ chính phủ các nước trên.
Mỹ tung tiền kèm nhiều điều kiện khó
Tại Mỹ, các hãng hàng hàng không nhận được 58 tỉ đô la Mỹ trong gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỉ đô la được Tổng thống Donald Trump ký thông qua vào ngày 28-3. Cụ thể, các hãng hàng không vận chuyển hành khách và hàng hóa của Mỹ sẽ được trợ cấp trả lương và phúc lợi cho nhân viên lên đến 29 tỉ đô la với điều kiện họ không được giảm lương nhân viên hay yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương cho đến tháng 9. Đồng thời, họ cần dừng mua cổ phiếu quỹ và trả cổ tức cho đến cuối năm 2021.
Tuy nhiên sau đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đưa các điều kiện “khó chịu” cho cho gói trợ cấp trả lương và phúc lợi 29 tỉ đô la. Chẳng hạn, ông yêu cầu các hãng bay phải trả lại 30% số tiền trợ cấp, tức chuyển 30% này thành khoản vay lãi suất thấp. Ngoài ra, chính phủ Mỹ phải nhận được quyền mua cổ phiếu của các hãng hàng không nhận trợ cấp với trị giá đương đương 10% của khoản vay lãi suất thấp đó.
Ngành công nghiệp vận tải hàng không Mỹ đang nguy khốn vì cú sụp đổ nhu cầu do đại dịch Coivid-19. Các hãng hàng không ở nền kinh tế thế giới đã cắt giảm công suất bay đến 80%. Vì vậy, các hãng bay ở Mỹ chắc chắn sẽ phải "cắn răng" chấp nhận các điều kiện nói trên.
Châu Á cũng sốt sắng cứu ngành hàng không
Tại Hồng Kông, hôm 8-4, Cơ quan quản lý sân bay Hồng Kông (AAHK) đã công bố gói hỗ trợ tài chính lần thứ 4 với trị giá 2 tỉ đô la Hồng Kông (258 triệu đô la Mỹ) để khẩn cấp giải cứu ngành công nghiệp vận tải hàng không ở đặc khu hành chính này vốn đang đứng bên bờ vực sụp đổ.
Theo đó, AAHK sẽ mua 500.000 vé máy bay từ 4 hãng hàng hàng không Cathay Pacific, Cathay Dragon, Hong Kong Airlines và HK Express để bơm thanh khoản trước cho họ. Số vé này sẽ được chính quyền tặng cho các hàng khách Hồng Kông và nước ngoài trong một chiến dịch khôi phục thị trường hàng không sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.
Ngoài ra, các hãng máy bay ở Hồng Kông sẽ nhận được khoản trợ cấp một lần trị giá 1 triệu đô la Hồng Kông cho mỗi máy bay cỡ lớn (có trọng lượng toàn phần 54,5 tấn trở lên) và 200.000 đô la Hồng Kông cho mỗi máy bay cỡ nhỏ mà họ đang quản lý. Chẳng hạn, hãng hàng không Hong Kong Airlines, đang quản lý 32 máy bay cỡ lớn, sẽ nhận trợ cấp một lần 32 triệu đô la.
Trong 3 gói cứu trợ trước đó, chính quyền Hồng Kông cam kết hỗ trợ ngành hàng không 2,6 tỉ đô la Hồng Kông (335 triệu đô la Mỹ) dưới các hình thức như miễn phí đỗ máy bay và phí cầu hàng không trong 5 tháng, giảm 40% phí hạ cạnh máy bay trong 4 tháng, miễn phí kiểm soát không lưu trong năm tài chính 2019-2020...
Hồi cuối tháng trước, hãng hàng không Singapore Airlines nhận được sự hỗ trợ tài chính lên tới 19 tỉ đô la Singapore (13,4 tỉ đô la Mỹ) để vượt qua cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Theo đó, Quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings, một cổ đông lớn của Singapore Airlines, sẽ bảo lãnh cho các đợt bán cổ phiếu mới và trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu của Singapore Airlines với trị giá lên tới 15 tỉ đô la Singapore.
Dilhan Pillay Sandrasegara, Giám đốc điều hành Temasek International, tin tưởng rằng thương vụ này không chỉ cung cấp cho Singapore Airlines nguồn thanh khoản dồi dào trong ngắn hạn mà còn giúp hãng này mở rộng tăng trưởng ở thời kỳ hậu Covid-19.
Bên cạnh đó, DBS Group, ngân hàng lớn nhất Singapore đồng ý cung cấp khoản vay bắc cầu trị giá 4 tỉ đô la Singapore cho Singapore Airlines cho đến khi hãng này nhận được tiền từ đợt phát hành quyền mua cổ phiếu và trái phiếu.
Trong khi đó, chính phủ Malaysia đang cân nhắc thành lập một công ty quản lý tài sản nhà nước để mua lại các khoản nợ ngân hàng của các hãng hàng không trong nước như Malaysia Airlines và Airasia với giá rẻ. Một phương án nữa của chính phủ là khuyến khích Malaysia Airlines và Airasia sáp nhập.
Hôm 26-3, IATA đã gửi thư đến nguyên thủ của 18 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kêu gọi họ hỗ trợ khẩn cấp cho các hãng hàng không trong khu vực. Trong thư, Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac, nhấn mạnh: “Chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn và thời gian cũng đang cạn dần để các chính phủ cung cấp phao cứu sinh tài chính ngăn chặn cuộc khủng hoảng thanh khoản khiến ngành hàng không khu vực phải đóng cửa hoàn toàn”.
Theo SCMP, Reuters, Euractiv.com, AFP
Lê Linh