Cấp cứu thành công, cứu sống bệnh nhân ung thư, vỡ động mạch, sốc mất máu
Người đàn ông (53 tuổi) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc ngày 7/3 trong tình trạng nguy kịch đã được các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, cứu sống bệnh nhân.
Căng não cấp cứu bệnh nhân sốc (shock) mất máu, vỡ động mạch cảnh
Bệnh nhân T.Đ có tiền sử ung thư lưỡi đã được phẫu thuật và điều trị bằng hóa chất, xạ trị. Thời điểm được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, bệnh nhân trong tình trạng: cổ bị nghẹo sang bên phải do di chứng xơ cứng, loét sau xạ trị; thủng động mạch vùng cổ và shock mất máu do vùng di căn hạch cổ phải trên nền di chứng tia xạ bị loét rộng, có ổ giả phình mạch, chảy máu phun thành tia rất nguy kịch.
Do tình trạng bệnh nhân diễn biến rất nhanh, ngay lập tức Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc huy động ekip cấp cứu hùng hậu gồm các bác sĩ giỏi với nhiều chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Tai mũi họng và Phẫu thuật đầu cổ, Hô hấp, Tim mạch, Can thiệp điện quang,... phối hợp xử lý, sử dụng các thiết bị tốt nhất nhằm khai thông đường thở và cầm máu nhanh nhất cho bệnh nhân.
Ekip hồi sức cấp cứu dưới sự chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện - PGS. TS. Lê Văn Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện - Ths. BSCKII. Bùi Thanh Tiến, đã phối hợp nhịp nhàng, cấp cứu ban đầu thành công, đồng thời nhanh chóng hội chẩn các liên chuyên khoa để xử lý cầm máu và quyết định xử lý bằng phương pháp can thiệp mạch.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi bệnh nhân T.Đ cổ nghẹo bên phải do biến chứng xạ trị và xơ hóa, vùng miệng đã phẫu thuật biến đổi giải phẫu nên không thể đặt nội khí quản qua đường miệng để duy trì hô hấp.
Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu mặt cổ thực hiện thành công đặt ống thở qua đường mũi, bằng hệ thống nội soi ống mềm, giúp khai thông đường thở để tạo điều kiện cho bác sĩ gây mê và tiến hành thủ thuật can thiệp mạch. Đây được xem là phương pháp xử trí hợp lý trong trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện, không đặt được nội khí quản qua đường miệng.
Sau đó, ekip Điện quang can thiệp và Tim mạch can thiệp đã nhanh chóng tiếp cận và phát hiện lỗ thủng từ động mạch cảnh chung bên phải, gây máu chảy ồ ạt, ekip quyết định thực hiện thủ thuật đặt stent (1 giá đỡ trong lòng mạch để bít lỗ thủng) để vá lỗ thủng ở mạch.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, sự phối hợp nhịp nhàng, tích cực của bác sĩ ở các khoa, may mắn chỉ sau hơn 1 giờ, bệnh nhân đã bước đầu có tín hiệu tốt khi máu ngừng chảy, mạch và huyết áp đã trở lại. Bệnh nhân ổn định chức năng sống sau cấp cứu.
Trở về từ "cửa tử", tôi nhìn thấy sự thần kỳ của y học
Sau 6 ngày theo dõi và phục hồi tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo hơn, được rút ống nội khí quản và có thể ngồi dậy, giao tiếp. Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân vẫn không hết ngạc nhiên và xúc động, anh chia sẻ: “Trở về từ "cửa tử", tôi nhìn thấy sự thần kỳ của y học, thật may mắn vì đã được cấp cứu kịp thời. Hiện tại, tôi cảm thấy đã phục hồi được trên 70% rồi, rất may là không bị liệt và vẫn nói được.”
TS.BS. Trịnh Tú Tâm - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - đứng đầu ekip bác sĩ Can thiệp điện quang trong ca cấp cứu cho biết: “Bệnh nhân mất máu quá nhiều, diễn biến rất nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời thì không thể cứu sống. Nhận thấy tình huống cực kỳ khẩn cấp, ekip chúng tôi đã phải rất nhanh chóng xử lý từng bước một, theo trình tự ưu tiên để lấy lại chức năng sống cho bệnh nhân".
“Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định hơn, nhưng hành trình điều trị vẫn còn nhiều gian nan, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và bệnh viện.” - bác sĩ Tâm nói thêm.