Cấp điện 6 tháng đầu năm 2024: Hiệu quả từ tư duy quản lý mới
Trong 6 tháng đầu năm, nhờ tư duy điều hành mới, sự chỉ đạo sát sao, công tác cấp điện đã được duy trì, đảm bảo tốt, không để thiếu điện cho nền kinh tế.
Không thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt
Theo báo cáo cập nhật của Cục Điều tiết Điện lực, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dầu phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như thời tiết nắng nóng, phụ tải và công suất cực đại tăng cao so với cùng kỳ, tuy nhiên với chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và sự chuẩn bị chủ động, vào cuộc quyết liệt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các doanh nghiệp năng lượng, công tác quản lý vận hành hệ thống điện được duy trì, đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho đất nước.
Cụ thể, điện sản xuất và nhập khẩu (ĐXS&NK) toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 151,69 tỷ kWh, cao hơn 776 tr.kWh so kế hoạch năm cập nhật tại Quyết định số 924/QĐ-BCT. Sản lượng ĐXS&NK bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 là 833,5 triệu kWh/ngày, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2023.
Các nguồn điện được huy động linh hoạt, trong đó, nhiệt điện than đạt 86,4 tỷ kWh (chiếm khoảng 56,96% tổng sản lượng 6 tháng đầu năm); nhiệt điện dầu huy động cao hơn 88 tr.kWh so với kế hoạch; các nguồn nhiệt điện khí huy động đạt 13,08 tỷ kWh; thủy điện huy động đạt 28,62 tỷ kWh (chiếm khoảng 18,86% tổng sản lượng 6 tháng đầu năm); Các nguồn năng lượng tái tạo được huy động đạt 20,67 tỷ kWh (chiếm khoảng 13,63% tổng sản lượng 6 tháng đầu năm), trong đó nguồn năng lượng gió đạt 6,123 tỷ kWh, điện mặt trời đạt 13,88 tỷ kWh.
Tính đến hết tháng 6, không có tổ máy nào phải dừng vì thiếu than. Công tác điều tiết hồ thủy điện hài hòa hợp lý, vừa đảm bảo dòng chảy theo quy trình vận hành liên hồ, cung cấp nước cho hạ du, vừa trữ nước để sản xuất điện cho mùa cao điểm nắng nóng. Mực nước các hồ thủy điện cuối tháng 6/2024 tương ứng với sản lượng điện là xấp xỉ 6,6 tỷ kWh, cao hơn 1,4 tỷ kWh so với kế hoạch năm.
Theo đánh giá của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2024 được kiểm soát ở mức 4,08%. Vốn đầu tư công thực hiện ước đạt 244,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,8% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, trong đó có 1.538 dự án được cấp phép, tăng 18,9%; với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 46,9%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 31,68 tỷ USD/tháng (xuất siêu6 tháng đạt 11,63 tỷ USD).
Khu vực công nghiệp và xây dựng khởi sắc, với giá trị tăng thêm tăng 7,51%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% cùng với ngành xây dựng tăng 7,34% đã lấy lại vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ đã lấy lại được vai trò dẫn dắt tăng trưởng, với tốc độ tăng đạt 6,64%,cao hơn 0,31 điểm phần trăm của 6 tháng đầu năm 2023.
Có được kết quả như trên, bên cạnh sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thì không thể không nhắc tới vai trò điều hành cung cấp điện của Bộ Công Thương với tư duy mới là cập nhật thường xuyên, điều chỉnh linh hoạt.
Bám sát thực tiễn, thay đổi tư duy
Trên thực tế, rút kinh nghiệm trong công tác cung cấp điện tháng 6/2023, ngay cuối tháng 11/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3110/QĐ-BCT ngày 30/11/2023 phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, đồng thời phê duyệt kế hoạch cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024; các quyết định cung cấp than/khí nhằm chuẩn bị tốt nhất nhiên liệu cho sản xuất điện.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng, EVN và các doanh nghiệp năng lượng như TKV, PVN, Tổng công ty Đông Bắc, các đơn vị phát điện thường xuyên cập nhật, báo cáo theo tuần để có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tế.
Sau 3 tháng vận hành hệ thống điện, tháng 4/2024, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.
Theo đó, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 310,6 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 150,916 tỷ kWh và mùa mưa là 159,684 tỷ kWh.…
Bên cạnh đó, trong các quyết định, chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị/doanh nghiệp năng lượng từ đó tăng thêm tinh thần trách nhiệm, sát sao hơn với nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, Bộ cũng chỉ đạo các cục/vụ chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp; Nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, địa phương để điều chỉnh công tác quản lý, phù hợp với thực tiễn.
Có thể nói, tư duy thay đổi cách chỉ đạo, điều hành; xây dựng kế hoạch, vận hành hệ thống điện đã mang lại hiệu quả rõ rệt đó là đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế thay vì như trước đây kế hoạch chỉ lập 1 năm 1 lần và không có sự theo dõi sát sao, công tác quản lý cũng như tinh thần trách nhiệm của nhiều đơn vị còn buông lỏng, chủ quan.
Việc không để thiếu điện 6 tháng đầu năm đã góp phần giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động. Đây cũng là nền tảng cơ bản để các đơn vị chức năng/doanh nghiệp năng lượng tiếp tục bám sát chỉ đạo, vượt qua thách thức, đảm bảo điện cho nền kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.