Cáp điện dưới biển dài nhất thế giới bắt đầu hoạt động
Tuyến cáp điện biển dài 450 dặm kết nối Vương quốc Anh và Na Uy, cho phép chia sẻ năng lượng tái tạo giữa 2 nước, đã bắt đầu hoạt động.
Đường điện North Sea Link trị giá 1,6 tỷ euro (1,86 tỷ USD) là đường liên kết điện dưới biển dài nhất thế giới. North Sea Link (NSL) là một liên doanh với Statnett của Na Uy, chủ sở hữu và nhà điều hành mạng lưới truyền tải điện của quốc gia này.
NSL được sử dụng để khai thác thủy điện của Na Uy và các nguồn năng lượng điện gió của Vương quốc Anh. Theo Mạng lưới điện quốc gia của Anh (National Grid) cho biết khi sản lượng gió của Anh cao và nhu cầu điện thấp, hệ thống này sẽ tạo điều kiện xuất khẩu sang Na Uy. Điều này sẽ giúp bảo tồn nước trong các hồ chứa sau này. Ngoài ra, khi nhu cầu điện ở Anh cao và sản lượng điện gió thấp, thủy điện có thể được nhập khẩu từ Na Uy.
Trong khi Na Uy có lịch sử lâu đời về sản xuất dầu và khí đốt thì 98% sản lượng điện của nước này bắt nguồn từ năng lượng tái tạo, trong đó thủy điện chiếm phần lớn.
Dự án NSL sẽ nối thị trấn Blyth của Anh với Kvilldal ở Na Uy và sẽ có công suất tối đa ban đầu là 700 MW. Con số này sẽ đạt mức tối đa là 1.400 MW trong khoảng gian 3 tháng.
Giám đốc điều hành của Statnett, Hilde Tonne cho biết: “Khi North Sea Link đi vào hoạt động thử nghiệm, tôi tự hào về kỳ tích kỹ thuật do nhóm chung của chúng tôi tạo ra”.
North Sea Link là kết nối thứ 5 của National Grid - các kết nối khác liên kết với Hà Lan, Pháp và Bỉ. Sắp tới, National Grid cho biết 90% lượng điện nhập khẩu thông qua các bộ kết nối của hệ thống sẽ đến từ các nguồn năng lượng không carbon vào năm 2030.