Cặp đôi '4 cùng' trên cung đường huyền thoại
Vợ chồng cựu chiến binh Cao Xuân Bình (80 tuổi) - Nguyễn Thị Tuế (78 tuổi) hiện ở tổ dân phố 1A, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). Trong kháng chiến chống Mỹ, hai ông bà đều là bộ đội lái xe Trường Sơn và nên duyên chồng vợ bởi nhiều điểm tương đồng.
Tự hào trên con đường mang tên Bác
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy Trung ương, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược vận tải từ miền Bắc xuyên qua dãy núi Trường Sơn để chi viện binh lực cho cách mạng miền Nam (mang phiên hiệu Đoàn 559) được thành lập. Từ đó, ngày 19/5 (đúng ngày sinh Bác Hồ) được chọn là ngày truyền thống của Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Từ quê hương Hà Bắc, năm 1967, ông Cao Xuân Bình xung phong đi bộ đội rồi được cử đi học lái xe, biên chế thuộc Đoàn 559. Nhiệm vụ của ông là chở vũ khí vào chiến trường miền Nam, đồng thời chở thương binh từ phía Nam ra. Đường Trường Sơn trùng điệp và hùng vĩ, thời tiết hai mùa mưa hay nắng đều khắc nghiệt cả. Mùa mưa kéo dài 6 tháng biến con đường đất trở thành những thảm bùn lầy; đập, suối cũng mênh mông nước. Mùa khô thì nắng cháy da cháy thịt, gió Lào thổi đến héo hon cả người, rồi vắt, muỗi rừng, rắn rết.
“Đoàn xe vận tải chủ yếu men theo sườn núi bên Tây Trường Sơn để đi, một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có đoạn đường chỉ vừa chiếc xe lăn bánh, nếu căn đường không chuẩn là cả người và xe rơi xuống vực. Đã thế lại lái xe trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, đạn rơi bom nổ không biết đâu mà tránh”- ông Bình nhớ lại. Chỗ nào xe qua cũng khó khăn, nhưng khó khăn hơn cả là những cao điểm, cung đường địch đánh phá ác liệt mà ông Bình cũng như đoàn xe vận tải phải băng qua như: Ngã ba Lằng Khằng, ngã ba Xóm Péng, ngầm Sê - Pôn, đèo Cốc Mạc… Đường rừng chưa tỏ mặt người, từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy trên đường Trường Sơn, lăn lộn nơi "mũi tên, hòn đạn”, ở đó anh em từng sẻ chia cái chết, nhường nhau sự sống.
Giữa đại ngàn Trường Sơn, ngoài nam giới còn có một trung đội nữ lái xe gồm 40 cô gái tuổi mười tám đôi mươi, chưa chồng, dũng cảm lái xe vượt núi băng rừng tải thương, tải đạn suốt những năm chiến tranh ác liệt. Bà Nguyễn Thị Tuế là một trong số đó. Năm 1964, bà tham gia thanh niên xung phong với nhiệm vụ mở đường.
Bà Tuế nhớ lại: “Một hôm tôi có lệnh gọi đi học lái xe tải. Tôi nghe vậy mà không khỏi ngỡ ngàng. Chưa một lần ngồi lên cabin chứ đừng nói tự mình điều khiển cả chiếc xe lớn đến như vậy. Tôi phân trần với chỉ huy, em thấp bé thế này (cao 1 m 56, nặng 45 kg) không lái được xe đâu, cho em làm thông tin thì hợp hơn. Thế nhưng chỉ huy bảo tôi tuy bé nhưng nhanh nhẹn, có thể lái được ô tô. Ấy thế mà chỉ qua 45 ngày học lái, làm quen với máy móc, điện đóm, xăng dầu, tập vào cua, băng đèo, vượt dốc, 40 chị em chúng tôi đã tự tin cầm lái, vượt đường Trường Sơn trên những chiếc xe Zin130, Gaz 51, Gaz 69...
Người thì bé, vô lăng lại nặng vậy mà chị em cứ phăm phăm chở bộ đội, súng đạn, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày ấy còn trẻ, trước khí thế hừng hực của cả dân tộc, chúng tôi như được cuốn theo, được tiếp thêm sức mạnh chẳng ngại điều gì, cũng chui gầm, kích bánh, thay nhíp, thay lốp, tra dầu mỡ, chăm sóc xe như cánh nam giới". Có một điều kỳ diệu với trung đội nữ lái xe là suốt từ năm 1968 đến 1971, không một chiếc xe nào gặp tai nạn khi qua cầu, qua ngầm, không một ai trong số nữ cầm lái hy sinh nơi chiến trường.
Nên duyên sau tay lái
Bà Tuế gặp tình yêu của đời mình - ông Cao Xuân Bình trên chuyến xe chở thương binh do chính bà cầm lái. Ông Bình lúc ấy trúng đạn, bị thương ở chân, không đi lại được, bà đã lái xe đưa ông về tuyến sau điều trị. "Con gái lái xe trên đường Trường Sơn quả là hiếm. Gặp bà tôi ấn tượng về người phụ nữ mảnh mai nhưng rất mạnh mẽ, kiên cường. Đàn ông chúng tôi lái xe giữa Trường Sơn đã rất vất vả, hiểm nguy huống chi phụ nữ chân yếu tay mềm. Đường xóc, lên thác xuống ghềnh, bom đạn liên tục trút xuống mà chị em vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giữa một cánh lái xe nam cộc cằn xuất hiện một đội nữ lái xe cảm giác như đóa hoa rừng, cảm giác vừa lạ, vừa thương, vừa vui thế nào ấy"- ông Bình xúc động kể.
Sau đợt vận chuyển thương binh ấy, cô gái Tuế liên tục nhận được thư anh. Cảm động trước tấm chân tình ấy, bà đã nhận lời xây dựng gia đình với ông. Khi tình yêu đã chín muồi, ông bà cùng xin nghỉ phép rồi về quê làm lễ cưới vào năm 1971, sau đó cả hai đều trở lại chiến trường cho đến ngày miền Nam giải phóng. Bà về Bắc Giang quê chồng, xin vào làm ở Xí nghiệp chế biến thực phẩm Bắc Giang cho đến khi nghỉ hưu. Ông bà sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai), các con cháu đều định cư ở Cộng hòa liên bang Đức. Có điều kiện kinh tế, ông bà thường xuyên đi làm từ thiện, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
Nhắc đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông bà bảo: “Trong chiến tranh, hòn đạn mũi tên nó tránh mình chứ mình biết đâu mà tránh. Chúng tôi được trở về như thế này đã là một hạnh phúc lắm rồi, huống chi chúng tôi yêu nhau. Tình yêu nảy nở trong bom đạn chiến trường nó đẹp và thiêng liêng lắm. Chúng tôi cảm mến nhau qua nhiệm vụ lại có “4 cùng”: Cùng quê hương Hà Bắc (bà ở TP Bắc Ninh, ông ở TP Bắc Giang), cùng là bộ đội Trường Sơn, cùng là lái xe Trường Sơn và cùng là thương binh hạng ¼ nên hiểu nhau nhiều hơn những cặp đôi khác”.
Chiến tranh đã lùi xa, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trọng đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những chiếc xe họ lái, những cung đường họ đi qua giờ đây đã đổi thay nhiều theo năm tháng. Với vợ chồng ông bà Cao Xuân Bình - Nguyễn Thị Tuế, đường Trường Sơn luôn là hồi ức tươi đẹp nhất của cuộc đời. Ở đó, họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, quê hương.
Bài, ảnh: Thu Phong
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cap-doi-4-cung-tren-cung-duong-huyen-thoai-144055.bbg