Cặp đôi lừa tiền của hàng trăm học viên thi chứng chỉ ngoại ngữ

Ngày 12/7, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Công ty Slearning thu tiền, hồ sơ nhưng lại cấp chứng chỉ giả cho 442 học viên đăng ký thi lấy chứng chỉ tin học; chứng chỉ tiếng Anh A2, B1.

Hình minh họa

Hình minh họa

Hai bị cáo trong vụ án này gồm: Lê Thị Vinh (SN 1991, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) và bị cáo Đỗ Thanh Tuân (SN 1987, trú tại xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội).

Trước đó, ngày 25/9/2023, TAND quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt bị cáo Vinh 9 năm 6 tháng tù, bị cáo Tuân 4 năm 6 tháng tù về cả 2 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Sau khi án sơ thẩm tuyên, bị cáo Vinh làm đơn kháng cáo kêu oan, còn bị cáo Tuân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo bản án sơ thẩm, tháng 1/2015, Vinh thành lập và làm Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục đào tạo trực tuyến Slearning (Công ty Slearning). Bị cáo là người điều hành trực tiếp mọi hoạt động của công ty.

Tháng 6/2016, qua quan hệ xã hội, Lê Thị Vinh quen Đỗ Thanh Tuân. Khi đó, Tuân giới thiệu đang làm việc tại Phòng khám đa khoa quốc tế Thanh Chân, bản thân có mối quan hệ với Viện công nghệ thông tin Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể giúp tổ chức thi cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Thời điểm đó Vinh biết được thông tin về việc có nhiều giáo viên trên địa bàn thành phố Hà Nội cần chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để đủ điều kiện thi công chức viên chức theo thông tư 01/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ TTTT. Vinh bàn với Tuân việc Công ty Slearning sẽ đứng ra tuyển sinh, nhận hồ sơ và thu tiền của học viên rồi chuyển cho Tuân lo việc tổ chức thi cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và Tuân đã đồng ý.

Từ đầu tháng 8-9/2016, Công ty Slearning đã thu tiền, hồ sơ của 442 học viên đăng ký thi lấy chứng chỉ tin học với mức phí 2,5 triệu đồng/ người; chứng chỉ tiếng Anh A2 mức phí 3,5 triệu đồng/người; chứng chỉ tiếng Anh B1 mức phí 10 triệu đồng/người. Sau đó, Vinh đã đưa tiền và hồ sơ dự thi của các học viên cho Tuân để Tuân liên hệ với Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội, trường đại học Sư phạm Hà Nội, trường đại học Vinh tổ chức thi và cấp chứng chỉ tin học, tiếng Anh A2, tiếng Anh B1.

HĐXX cấp sơ thẩm xác định, Tuân đã thuê người (không rõ lai lịch) làm chứng chỉ tin học của Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội với giá 1,1 triệu đồng/chứng chỉ. Bị cáo đưa hơn 100 chứng chỉ tin học chuyển cho Vinh phát cho các học viên. Đến cuối tháng 10/2016, nhiều học viên phát hiện chứng chỉ tin học có dấu hiệu giấy tờ giả nên đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an.

Qua xác minh, Cơ quan điều tra kết luận hai bị cáo đã chiếm đoạt của 164 bị hại số tiền 410 triệu đồng, trong đó có 102 người yêu cầu bồi thường, 62 người không yêu cầu bồi thường.

Tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Tuân thừa nhận hành vi bị cáo buộc. Còn bị cáo Vinh thừa nhận hành vi nhưng cho rằng, hành vi này không vi phạm pháp luật và bị cáo bị kết tội oan.

Sau khi xem xét vụ án và các tài liệu, chứng cứ liên quan, Tòa cấp phúc thẩm quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của hai bị cáo, quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm vì cho rằng, mức án mà cấp sơ thẩm dành cho hai bị cáo khá cao. Hơn nữa, Tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét đến việc bị cáo Vinh thời điểm bị đưa ra xét xử đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Trên cơ sở đó, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho 2 bị cáo và tuyên phạt bị cáo Vinh 8 năm 9 tháng tù, bị cáo Tuân 4 năm 3 tháng tù về hai tội danh như đã nêu trên.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cap-doi-lua-tien-cua-hang-tram-hoc-vien-thi-chung-chi-ngoai-ngu-440134.html