Nở rộ dịch vụ ''lấy lại tiền bị lừa'' trên mạng xã hội, Cục An toàn thông tin khuyến cáo gì?

Người dân cần cảnh giác trước dịch vụ ''lấy lại tiền bị lừa'' trên mạng xã hội, đây là một trong các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến rộ lên thời gian gần đây.

Nắm bắt tâm lý các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng mong muốn lấy lại tài sản đã mất, nhiều đối tượng tội phạm tiếp cận những nạn nhân để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo đối với họ.

Người dân tuyệt đối không tin vào hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội (Ảnh: Cục An toàn thông tin)

Người dân tuyệt đối không tin vào hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội (Ảnh: Cục An toàn thông tin)

Mới đây, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã đấu tranh, triệt phá 1 nhóm đối tượng là học sinh vừa tốt nghiệp THPT đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người dân trên cả nước bằng thủ đoạn “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội.

Theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi học được cách thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn “lừa lấy lại tiền cho các nạn nhân đã bị lừa đảo”, các đối tượng trên đã sử dụng điện thoại di động, laptop có kết nối Internet hoặc đến các tiệm Internet truy cập tài khoản mạng xã hội Facebook, theo dõi các phiên live trực tiếp của các trang Facebook có nội dung lừa đảo; rồi tìm cách liên hệ với người bị hại và nhắn tin cho những người này thông báo họ đã bị lừa.

Nếu người bị hại đồng ý sẽ hướng dẫn cách lấy lại số tiền bị mất; nhưng thực chất là hướng dẫn bị hại thực hiện các bước để chúng chiếm đoạt tiền. Khi các bị hại phát hiện bị lừa đảo thì chúng chặn mọi liên lạc và xóa các tài khoản mạng xã hội, tạo các tài khoản mới để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người khác.

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông tin, vừa qua, một người phụ nữ đến từ Thanh Hóa sau khi bị lừa đảo do tham gia làm cộng tác viên chốt đơn cho một nhãn hàng, đã nghe theo hướng dẫn của đối tượng cung cấp dịch vụ "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa'' trên mạng xã hội, cung cấp thông tin cá nhân, chuyển khoản tiền "phí dịch vụ" và thêm một lần nữa bị chiếm đoạt tiền.

Theo Cục An toàn thông tin, đối với hình thức lừa đảo "lấy lại tiền bị lừa" đang tràn lan trên mạng xã hội, người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời.

Cụ thể, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ. Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung "hỗ trợ lấy lại tiền", "cam kết lấy lại được tiền bị lừa", bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác.

Sau khi được người dùng liên hệ, các đối tượng sẽ nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công "tiền phí dịch vụ".

Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin vào hình thức "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo" trên mạng xã hội. Cần tìm hiểu về công ty hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ; xác minh địa chỉ văn phòng, số điện thoại, và trang web chính thức của họ.

Đồng thời, không tin tưởng dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trường hợp trên, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan điều tra để được hỗ trợ và xử lý theo pháp luật.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/no-ro-dich-vu-lay-lai-tien-bi-lua-tren-mang-xa-hoi-cuc-an-toan-thong-tin-khuyen-cao-gi-336785.html