Cặp đôi tạo nên danh tiếng cho gốm mỹ nghệ Biên Hòa
Nhằm đào tạo ra một lớp thợ người bản xứ có tay nghề trong các lĩnh vực dịch vụ thông dụng, đáp ứng nhu cầu phục dịch cho giới chủ tư sản Pháp đang làm ăn sinh sống ở địa phương cùng một số quan chức, chủ điền, tầng lớp giàu có người Hoa, Việt bản địa, năm1903, École Professionnelle de Bienhoa (Trường dạy nghề Biên Hòa, còn được gọi là Trường bá nghệ) được thành lập.
Quan cai trị chủ tỉnh Biên Hòa là Chánh tham biện Alphonse Chesne kiêm nhiệm Hiệu trưởng ngôi trường dạy nghề đầu tiên này ở tỉnh lỵ Biên Hòa. Trường có Ban Đan lát song, mây, tre; Ban Gỗ gồm: điêu khắc, tiện, mộc; Ban Đúc đồng; Ban Vẽ; Ban Sắt: gồm gò, hàn, đóng móng ngựa.
Năm 1906, dưới thời Chánh tham biện R.G.Maspéro Gaston, kỹ sư J.Lamort, một nhà doanh nghiệp được mời làm Directeur technique (Giám đốc kỹ thuật, các tài liệu lịch sử thường dịch là… hiệu trưởng) của Trường bá nghệ Biên Hòa.
* Từ bá nghệ thành mỹ nghệ
Vốn chỉ rành về kỹ thuật và thương mại, viên hiệu trưởng đầu tiên này cho mời các giáo sư mỹ thuật người Pháp từ Hà Nội vào dạy lý thuyết hội họa, điêu khắc và mời một số thợ có tên tuổi ở Biên Hòa vào dạy thực hành.
Trình độ Pháp ngữ của người phiên dịch đã hạn chế mà các thuật ngữ trong lĩnh vực mỹ thuật lại quá trừu tượng, cao xa nên việc truyền đạt kiến thức thật khó khăn; còn việc thực hành thì thầy là thợ “thấy người trước làm sao cứ theo vậy mà làm theo” nên thiếu phương pháp hướng dẫn. Do đó, khóa đầu tiên của Trường bá nghệ ì ạch kéo dài đến 6 năm (1903-1909) mới phát bằng tốt nghiệp. Sự kiện đáng chú ý là năm 1907, quan chủ tỉnh Biên Hòa Maspéro ban hành quy chế mới của Trường bá nghệ trong đó có việc hợp thức hóa Ban Gốm.
Tháng 8-1908, kiến trúc sư André Joyeux, Thanh tra khối trường mỹ thuật bản xứ thay kỹ sư J.Lamort làm Hiệu trưởng Trường bá nghệ Biên Hòa. Với chủ trương hướng nhà trường đi vào quỹ đạo sáng tạo mỹ thuật thuần túy chứ không phải là thợ đa năng, Hiệu trưởng A.Joyeux bỏ các ban thợ mộc, rèn, đan lát, gia chánh…, chỉ giữ lại Ban Đúc đồng và Ban Gốm. Ông tập trung sáng tác mẫu mã trang trí rất tân kỳ; nhưng đưa vào ứng dụng không tạo ra được hiệu ứng tích cực.
Đi theo hướng này, năm 1920, giáo sư gốm Serré, người kế nhiệm Hiệu trưởng A. Joyeux tiếp tục thực hiện việc phối hợp giữa men Pháp có sắc màu sáng tươi rực rỡ với gốm Biên Hòa thô mộc. Cuộc cưỡng hôn bất xứng đã lại gặp thất bại. Nhưng lúc này, Biên Hòa đã có một lớp thợ giàu sức sáng tạo biết vận dụng kỹ thuật tân tiến thay thế cho phương pháp cổ xưa. Hàng năm, nhà trường đều có sản phẩm tham gia trưng bày tại Hội Mỹ thuật Sài Gòn (Socíeté des Beaux - Arts de Saigon), Nhà triển lãm Hà Nội…
Tháng 9-1913, Trường dạy nghề Biên Hòa đổi tên thành École d’Art Indigène de Bienhoa (Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa).
* “Thời Balick”
Năm 1923, Trường bá nghệ Biên Hòa đổi tên thành Ecole d’Art applique (Trường mỹ nghệ ứng dụng ) và bổ nhiệm Hiệu trưởng mới là ông Robert Balick cùng vợ là bà Marette Brallion, chuyên gia về gốm.
Cả 2 đều còn trẻ, được giới mỹ thuật Pháp đánh giá là “cặp đôi hoàn hảo” trong lĩnh vực này. Ông Robert Balick sinh ngày 24-4-1894 tại Paris, từng tốt nghiệp Arts Décoratifs khi đến Biên Hòa với cương vị Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ chỉ mới 29 tuổi. Vợ ông bà Marette Brallion sinh ngày 8-6-1898 tại Nancy Meurthe et Moselle, từng tốt nghiệp Trường gốm Limoges và công tác tại Sèvres, khi đến Biên Hòa chỉ mới 25 tuổi.
Cặp đôi ROBERT BALICK - MANETTE BRALLION chính thức nhận nhiệm sở tại Trường Mỹ nghệ Biên Hòa ngày 23-1-1923 và nghỉ hưu ngày 29-4-1950. 27 năm công tác của cặp đôi này được giới nghiên cứu gọi là “Thời Balick 1923-1950” và là… “Giai đoạn vàng son của gốm Biên Hòa”.
Tập trung vào 2 loại hình đào tạo truyền thống của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, Hiệu trưởng Balick trực tiếp phụ trách Ban Đúc đồng, bà Marette Balick phụ trách Ban Gốm. Xác định công nghệ làm gốm qua các môn cụ thể: xoay, chạm khắc, chấm men, in và nặn; bà Balick còn vạch ra hướng đi cho Ban Gốm: sản phẩm trang trí nhiều màu, chạm khắc hoa văn tinh vi, sử dụng màu men lạ mắt để tạo ra sự khác biệt với các dòng gốm đang có mặt trên thị trường như gốm dân dụng Tân Vạn, Lái Thiêu của các lò người Hoa.
Biết được là kiến trúc sư A.Joyeux từng thất bại trong việc dùng men Pháp, bà Balick họp bàn với đốc công là thầy Nguyễn Văn Nhàn và các thợ lò lâu năm ở Biên Hòa để tìm hiểu và khảo sát về việc sử dụng nguyên vật liệu bản địa để pha chế men gốm truyền thống.
Qua nghiên cứu, biết được… “men ta” được pha chế chủ yếu từ các loại tro như: tro rơm, tro lò với miểng chai, cát trắng, vôi càn long… nên còn gọi là men tro có cao độ lên đến 1.2800C, trong khi men Pháp chỉ chịu nhiệt tối đa trong hạn 1.150-1.2000C; nhưng quan trọng hơn cả là đất làm gốm phải là đất chịu lửa cao. Mà lâu nay, loại đất sét trắng chịu nhiệt này do các chủ lò gốm người Hoa ở Lái Thiêu đứng ra khai thác, rồi bán lại cho nhà trường. Nguyên liệu đất sét trắng chứa nhiều tạp chất, trước khi đưa vào sử dụng phải sàn lọc rất công phu.
Bà Balick cùng các thầy gốm Trường Mỹ nghệ tìm tòi và sau đó khám phá ra ở Đất Cuốc (Tân Uyên, nay thuộc tỉnh Bình Dương) có loại cao lanh đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thế là Hiệu trưởng Balick đặt vấn đề với Quận trưởng Tân Uyên cho tổ chức khai thác nguồn nguyên liệu này cung cấp ổn định cho Trường Mỹ nghệ Biên Hòa.
Qua nhiều lần thử nghiệm, bà Balick thành công trong việc pha chế men ta với mạt đồng (phế liệu từ công đoạn hoàn thiện sản phẩm đúc đồng) ra loại men màu xanh đồng rất đẹp, gọi là “Vert de Bienhoa” được giới làm gốm sánh ngang hàng với Vert d’Islam nổi tiếng thế giới trong các kiến trúc Hồi giáo. Độc đáo hơn, men Vert de Bienhoa đốt bằng củi còn tạo ra hỏa biến đẹp lạ.
Mày mò nghiên cứu, bà Balick còn pha chế ra một loại men màu nâu đỏ từ nguyên liệu đá ong của Biên Hòa.
Năm 1925, tham dự Hội chợ quốc tế Paris, sản phẩm của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa được Chính phủ Pháp tặng bằng khen danh dự, Ban tổ chức Hội chợ tặng thưởng huy chương vàng. Tại Hội chợ quốc tế Paris lần 2-1932 với màn trình diễn xoay gốm bằng tay khéo léo của nghệ nhân Biên Hòa đã gây ra bất ngờ lớn. Toàn bộ sản phẩm của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa được bán hết. Bà Mariette Balick đứng ra ký nhiều hợp đồng và được Bộ Thương mại Pháp đặt vấn đề làm đại lý.
Thấy sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa với phong cách độc đáo được ưa chuộng, ông bà Balick nghĩ đến việc sử dụng lợi thế sẵn có của nhà trường để sản xuất kinh doanh mặt hàng này nên năm 1933 đứng ra thành lập La Socíete Coopérative Artisanale des Potiers et Fondeurs de BienHoa (HTX Thủ công mỹ nghệ của thợ gốm và thợ đúc đồng Biên Hòa). Với khoản vay 7 ngàn đồng của Tòa bố tỉnh Biên Hòa làm vốn ban đầu, HTX đã tập hợp học sinh các lớp hoàn thiện và thu hút dàn nghệ nhân Bảy Vạn từng là những thợ chính về xoay lu khạp và đốt lò cho các lò lu của người Hoa vào hoạt động.
Ông bà Balick trực tiếp đứng ra kiểm tra chất lượng từng công đoạn. Chậu và bình nắn xong đều được ông Balick đưa lên bàn xoay, nhìn thấy cái nào không tròn, ông đập bỏ ngay bằng chiếc búa cầm sẵn trên tay. Khi ra lò, nhìn thấy sản phẩm nào men không láng đều hoặc có vết nứt hay tì xước, ông đều mạnh tay loại bỏ. Có mẻ lò, chính tay ông Balick tiêu hủy đến 40% sản lượng.
Cùng với hoạt động của HTX, Hiệu trưởng Robert Balick còn mở ra Phòng Trưng bày sản phẩm để thu hút công chúng thưởng lãm.
Với đặc điểm: Nét chạm khắc chìm tinh vi tạo cảm giác mạnh cùng men màu trang nhã phù hợp với đề tài trang trí phương Đông rất lạ mắt với người sành điệu phương Tây, nên gốm Biên Hòa nhanh chóng vang danh trên trường quốc tế.
Sau 2 lần tham gia hội chợ triển lãm ở Pháp, sản phẩm gốm của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa tiếp tục vươn cánh bay xa sang tận Batavia (Indonesia) năm 1934, Nayoga (Nhật) năm 1937, Saint Denis (đảo Réunion) năm 1938, Hà Nội năm 1939, Bangkok (Thái Lan) năm 1955, Phnom Penh (Campuchia) năm 1955 và 1956, Manila (Philippines) năm 1956, New York (Mỹ) năm 1958…
Trong Biên Hòa sử lược in năm 1960, nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu cho rằng: “Mỹ phẩm của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa được các nhà ngoại giao quốc tế lưu ý và các mỹ thuật gia Âu Á ưa thích nhất là đồ gốm. Dù có màu sắc, nhưng vẫn giản dị, đơn sơ, không lòe loẹt, chóe mắt, trầm tĩnh, nhu mì, có vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, vĩnh viễn, thuần túy Á Đông, dung hòa kim cổ… Do đó mà khách Âu Mỹ càng ngày càng quý trọng mỹ phẩm trường Biên Hòa”.
Gần đây, giới nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam đều có chung nhận định: “Tên tuổi của gốm Biên Hòa gắn liền với Trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Trường Mỹ nghệ Biên Hòa gắn liền với tên tuổi ông bà Balick”.