Cặp đối thủ ngành bia 'dắt tay' nhau đi lùi trong quý đầu năm
Quý I/2023, Habeco và Sabeco đều chung bức tranh kinh doanh xám màu với xu hướng giảm ở cả doanh thu và lợi nhuận, thậm chí Habeco còn báo lỗ 3,7 tỷ đồng.
Doanh thu đi lùi, chi phí rẽ hai hướng
Ngay trong quý đầu năm 2023, doanh thu của 2 ông lớn ngành bia nội địa là Habeco và Sabeco đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu từ Nghị định 100 cũng như xu hướng giảm tiêu thụ của người tiêu dùng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Bia Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - HoSE: BHN) ghi nhận doanh thu thuần trong quý I/2023 đạt 1.172 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau thuế, ông chủ thương hiệu Bia Hà Nội ghi nhận lỗ 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi với 34,5 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên Habeco báo lỗ sau 11 quý liên tiếp có lãi kể từ quý II/2020.
Giải trình biến động lợi nhuận, Habeco cho biết, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu bán hàng ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm.
Đồng thời, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm.
Kinh doanh khá khẩm hơn so với “đối thủ" ở đất Bắc nhưng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - HoSE: SAB) vẫn không thoát khỏi “vòng xoáy” của Nghị định 100.
Theo đó, doanh thu thuần trong quý I/2023 của công ty đạt 6.214 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Sabeco báo lãi 1.004 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.775 tỷ đồng; lần lượt tăng 15% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, Sabeco hoàn thành 15% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.
Theo giải trình tăng giảm lợi nhuận, Sabeco cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng âm so với quý I năm ngoái do thị trường tiếp tục suy yếu sau thời gian Tết nguyên đán trong bối cảnh Nghị định 100 có dấu hiệu siết chặt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại.
Đi cùng với chiều giảm của doanh thu, trong quý Habeco đã rất nỗ lực trong việc tiết giảm chi phí. Cụ thể, nhờ cắt giảm chi phí quảng cáo mà chi phí bán hàng của Habeco đã giảm 13% xuống còn 205 tỷ đồng.
Ngược lại, tất cả các khoản chi phí của Sabeco đều phát sinh mạnh hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí tài chính đạt 21 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý I/2023. Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 182 tỷ đồng, chi phí bán hàng đạt 861 tỷ đồng; tăng lần lượt 10% và 14%.
Tích cực trả nợ
Nhìn chung, quý I/2023, cả 2 ông lớn ngành bia đều có động thái tích cực trong việc giảm nợ phải trả.
Theo đó, về bức tranh tài chính của Habeco, tính đến cuối tháng 3/2023, nợ phải trả của Habeco được rút gọn từ 1.928 tỷ đồng xuống còn 1.280 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 33%. Như vậy, tỉ lệ nợ vay trên tổng tài sản của Habeco trong quý ở mức 19%.
Chi tiết hơn, Habeco sở hữu 80,5 tỷ đồng tiền vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Đáng chú ý, doanh nghiệp ngành bia rượu này không có khoản vay dài hạn nào. Vốn chủ sở hữu đạt 5.301 tỷ đồng, bao gồm 774 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Đối với Sabeco, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Sabeco là 31.480 tỷ đồng, giảm 8% so với số đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm từ 19.411 tỷ đồng tại thời điểm đầu kỳ xuống còn 17.367 tỷ đồng tại cuối kỳ.
Dư nợ đến cuối tháng 3/2023 của Sabeco đạt 5.907 tỷ đồng, giảm 40% so với đầu năm, giảm chủ yếu đến từ khoản phải trả người bán ngắn hạn và cổ tức phải trả. Với tình hình tài chính trên, tỉ lệ nợ vay của Sabeco ở mức 18% tổng tài sản của công ty tính đến hết quý I/2023.
Tăng trưởng ngành bia sẽ về mức bình thường?
Nhận định về ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2023, SSI Research dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia sẽ quay về mức bình thường (tức là tăng trưởng một con số) trong năm 2023, ổn định sau mức cơ sở cao của năm 2022.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ bia có thể giảm do áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Trong khi tình trạng thiếu nguồn cung đang đẩy giá mạch nha lên cao do các nguyên liệu thô chính (chiếm 70% giá vốn hàng bán) tiếp tục ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến tỉ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất bia nếu không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí tăng lên vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.
Tuy nhiên, SSI Research cũng kỳ vọng khi Trung Quốc mở cửa trở lại dẫn tới du lịch tăng trưởng mạnh trong năm 2023, điều này có thể bù đắp một phần sự sụt giảm trong tiêu dùng nội địa, thúc đẩy triển vọng tăng trưởng ngành bia.