Cấp dưới vi phạm nồng độ cồn, kiểm điểm lãnh đạo: Băn khoăn

Bạn đọc cho rằng cần xem lại việc kiểm điểm lãnh đạo nếu để cán bộ vi phạm nồng độ cồn bởi lãnh đạo chỉ quản lý mức độ hoàn thành công việc.

Trong tuần qua, thông tin về việc Sở Nội vụ TP.HCM có văn bản đề nghị Công an TP.HCM cung cấp danh sách cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động (gọi chung là cán bộ) trong cơ quan nhà nước vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông để gửi về cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác, thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Theo văn bản của Sở Nội vụ, căn cứ thông báo của Công an TP.HCM, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ mức độ vi phạm, nghiên cứu xem xét kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ vi phạm theo quy định.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng phải tự kiểm điểm trách nhiệm quản lý, tuyên truyền đối với quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông tại đơn vị.

Một số bạn đọc đồng tình vì chỉ có cách này mới hạn chế tình trạng vi phạm nồng độ cồn đối với cán bộ, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần xem lại việc kiểm điểm lãnh đạo nếu cấp dưới vi phạm nồng độ cồn bởi lãnh đạo cơ quan chỉ quản lý mức độ hoàn thành công việc của cán bộ.

Nên dừng ở mức kiểm điểm người vi phạm

Bạn đọc Xuân Thủy bình luận: “Pháp luật hiện hành đã có chế tài đối với người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, đồng thời CSGT cũng gửi thông báo vi phạm nồng độ cồn về cơ quan, đơn vị để tiếp tục xử lý người vi phạm, như vậy là hợp lý. Vì vậy, việc kiểm điểm lãnh đạo khi cán bộ vi phạm nồng độ cồn là chưa phù hợp bởi lãnh đạo cơ quan chỉ có quyền quản lý cán bộ của mình trong giờ làm việc, còn ngoài giờ thì không thể quản được”.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm quyết liệt của ngành công an trong thời gian vừa qua về công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tôi tin rằng nếu tiếp tục duy trì thì chỉ cần một thời gian người dân sẽ bỏ được thói quen lái xe khi đã uống rượu, bia. Thế nhưng về nguyên tắc ai vi phạm thì người đó chịu chứ không thể cấp dưới vi phạm, cấp trên gánh theo là chưa hợp lý” - bạn đọc Mạnh Hùng nêu.

 Một người dân tại TP.HCM vi phạm nồng độ cồn vào trưa 2-12. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Một người dân tại TP.HCM vi phạm nồng độ cồn vào trưa 2-12. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Bạn đọc Khánh Toàn ý kiến: “Trong một cơ quan, đơn vị, người đứng đầu rất quan trọng và đây có thể là tấm gương cho các cán bộ cấp dưới noi theo. Và nếu lãnh đạo vi phạm nồng độ cồn thì mức độ xử lý có thể nặng hơn cán bộ nhưng cán bộ vi phạm mà lãnh đạo bị kiểm điểm thì quá khắt khe”.

Cần xem xét từng trường hợp cụ thể

Bạn đọc Nguyễn Hùng chia sẻ: “Theo tôi được biết, một số tỉnh, thành thời gian qua cũng đã có chỉ đạo nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng đây là cách để tăng tính quản lý cán bộ của lãnh đạo tại một số cơ quan. Theo đó, với yêu cầu như trên, các cán bộ làm việc trong cơ quan sẽ có trách nhiệm với bản thân, với lãnh đạo của mình. Từ đó, cán bộ sẽ ý thức hơn và không vi phạm bởi nếu vi phạm sẽ vừa bị xử phạt hành chính vừa bị xử lý nặng trong đơn vị của mình”.

“Đây là cách tăng tính trách nhiệm quản lý cán bộ của lãnh đạo cơ quan. Việc cán bộ làm sai lãnh đạo cũng phải gánh thêm phần trách nhiệm vì quản lý cán bộ chưa tốt. Đồng thời, từ chỉ đạo tỉnh TP, lãnh đạo các đơn vị cũng nên đưa ra một số quy chế trong đơn vị theo hướng hạ thi đua, cắt thưởng đối với người vi phạm nồng độ cồn… Nếu vi phạm nồng độ cồn mà ảnh hưởng đến công việc, ảnh hưởng đến túi tiền thì chẳng mấy ai dám vi phạm” - bạn đọc Thái An chia sẻ.

Bạn đọc Thanh Lâm bình luận: “Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến người lái xe vi phạm nồng độ cồn. Chính vì thế, ngành công an, lãnh đạo địa phương cần làm mạnh hơn nữa. Tôi cho rằng việc kiểm điểm lãnh đạo nếu để cán bộ, viên chức, người lao động vi phạm nồng độ cồn là một giải pháp có thể hạn chế phần nào tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Tuy nhiên, cần xem xét từng trường hợp cụ thể mới áp dụng hình thức kiểm điểm lãnh đạo nếu cán bộ vi phạm”.

Đầu tiên, người đứng đầu phải gương mẫu trong việc thực hiện quy định. Lãnh đạo nên thường xuyên nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức về việc chấp hành đúng quy định về nồng độ cồn.

Việc áp dụng kiểm điểm lãnh đạo khi cấp dưới vi phạm thì lãnh đạo nên có một phần trách nhiệm nhất định. Cán bộ, công chức, viên chức ăn nhậu bị xử phạt, lãnh đạo bị kiểm điểm, đây cũng là một quá trình lâu dài. Cán bộ ăn nhậu điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì tôi ủng hộ xử phạt nên phạt mạnh vấn đề này. Nhưng kiểm điểm lãnh đạo khi cấp dưới vi phạm bên ngoài cũng phải có quá trình cụ thể. Trách nhiệm người đứng đầu thì đó cũng là có trách nhiệm rồi. Việc lãnh đạo nhân viên trong 8 giờ, còn quản thêm việc ngoài giờ nữa thì hơi khó.

Ông DIỆP VÂN SƠN, nguyên Phó Vụ trưởng
Cơ quan Thường trực phía Nam Bộ Nội vụ

NGUYỄN HIỀN - TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cap-duoi-vi-pham-nong-do-con-kiem-diem-lanh-dao-ban-khoan-post769364.html