Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề

Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

“Để làm được điều đó, chúng ta phải nghĩ lớn làm lớn, đặc biệt là tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ tại Hội nghị Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố ngày 5/7, do UBND TP. Hà Nội tổ chức.

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch UBND thành phố nêu con số, trong 2 năm qua, GRDP của Hà Nội luôn đạt trên 50 tỷ USD, trong đó doanh thu của các làng nghề chiếm khoảng 1 tỷ USD (bằng 1/50 tổng giá trị sản xuất của Hà Nội), đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn...

Quan trọng hơn, làng nghề là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội. Sự phát triển của các làng nghề đã giúp mang văn hóa Hà Nội và Việt Nam ra thế giới, qua đó khẳng định, trong bối cảnh nào, Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hóa vô cùng đặc sắc.

Làng quạt Chàng Sơn - Hà Nội

Làng quạt Chàng Sơn - Hà Nội

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho rằng, quy mô sản xuất trong làng nghề tại Hà Nội hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu; năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; tính cạnh tranh của một số sản phẩm làng nghề chưa cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.

“Có lúc có nơi sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp chính quyền khiến lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn; vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thế mạnh vốn có của các làng nghề và lợi thế của Thủ đô”, ông Thanh nói.

Do đó, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, chúng ta phải nghĩ lớn làm lớn, hợp tác với nhau, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế.

"Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững", Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Thành phố Hà Nội cũng cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề; nhất là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiến tới xây dựng Hà Nội "Văn hiến, văn minh, hiện đại".

Tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội thông tin ngành Ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chính sách và giải pháp tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh các giải pháp có tính khả thi đối với các gói tín dụng, chính sách ưu đãi góp phần hỗ trợ và tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng đã và đang có các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay; có những sản phẩm gói tín dụng, sản phẩm vay ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề có thể tiếp cận…

Thái Thu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ha-noi-ban-hanh-co-che-dac-thu-thuc-day-bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-153301.html