Cặp Gepard thứ 3 Việt Nam có tên lửa phòng không 150-180km?
Theo giới chuyên gia Nga, cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ 3 của Việt Nam cần phải có tên lửa phòng không với tầm phóng 150-180km.
Việt Nam dự định mua thêm tàu hộ vệ Gepard
Theo giới truyền thông Nga và Việt Nam thì chúng tasẽ mua thêm một cặp tàu hộ vệ tên lửa “Gepard” 3.9, đang được đóng tại Nhà máy mang tên Gorky ở Zelenodolsk - một trong những doanh nghiệp đóng tàu lớn nhất.
Hải quân Việt Nam đã có bốn tàu thuộc lớp này trong trang bị. Cặp Gepard 3.9 đầu tiên mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ - được đóng tại nhà máy Gorky ở Zelenodolsk vào năm 2009-2010 và chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2011.
Tàu hộ vệ thứ ba trong đơn hàng Việt Nam đã được hạ thủy vào mùa xuân năm 2016 và được chuyển về Việt Nam vào tháng 10 cùng năm. “Kẻ săn mồi” thứ tư hạ thủy vào mùa xuân năm 2017, và đã được chuyển đến Việt Nam từ cảng Novorossiysk trên một tàu vận tải đặc biệt (tàu không tự chạy để tránh hao mòn) vào đầu năm 2018.
Đến nay, các thủy thủ Hải quân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ những con tàu này, đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của chúng qua quá trình sử dụng, làm quen với tính năng của con tàu và các hệ thống thiết bị.
Một trong những Gepard Việt Nam, tàu Quang Trung (mang số hiệu 016), đã thực hiện một chuyến hải hành không dài vào mùa hè năm 2019, đến thăm Vladivostok và tham gia cuộc diễu hành Hải quân quốc tế, nhân Ngày Hải quân Nga (28/7/2019).
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu Hải quân Việt Nam tới Nga trong lịch sử quan hệ Nga - Việt và trong lịch sử hợp tác giữa lực lượng vũ trang hai nước.
Rõ ràng các điểm mạnh của tàu hộ vệ hạng trung này đã vượt trội hơn so với các điểm yếu, nên lãnh đạo cấp cao thể hiện mong muốn của Việt Nam bổ sung vào đội tàu của mình thêm vài “con báo hoang” từ Nga.
Điểm độc đáo của Gepard 3.9 là tính đa năng, với lượng giãn nước từ 1500 đến 1930 tấn, tùy thuộc vào lựa chọn trang bị, chiều dài thân tàu khoảng 100 mét và mớn nước 3,6 - 4,5 mét. Tàu mang theo một kho vũ khí đáng kể gồm: Ngư lôi, tên lửa chống hạm, vũ khí phòng không, chống ngầm, và một trực thăng Ka-27.
Các tàu lớp Gepard 3.9 được thiết kế để tìm diệt các mục tiêu dưới nước, mặt biển và trên không; đảm nhận các nhiệm vụ tuần tra, hộ tống, bảo vệ khu kinh tế biển.
Phương tiện đáng tin cậy bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển đảo
Phó Tổng Giám đốc Rosoboronexport Igor Sevastyanov tại Salon Hải quân Quốc tế IX tại St. Petersburg vào mùa hè năm 2019 đã phát biểu rằng, các tàu hộ vệ thuộc dự án này đã được biên chế vào phục vụ từ lâu trong Hải quân Nga (thuộc Hạm đội Caspi) và được xuất khẩu.
“Chúng tôi hiểu rằng các tàu chiến nhỏ gọn, di động, nhưng được trang bị vũ khí tốt hiện đang có nhu cầu lớn trên thị trường thế giới. Do đó Nga xuất khẩu các tàu tên lửa dòng Karakurt, tàu hộ vệ Gepard, tàu hộ tống lớp Tiger, cũng như tàu vận tải đổ bộ BK-10 và BK-16 (do công ty Kalashnikov phát triển). Tất cả các thiết bị này là mối quan tâm của khách hàng nước ngoài... Chúng tôi hy vọng có thể phát triển những thiết bị hải quân rất mạnh này ở xa bờ biển nước Nga” – ông Sevastyanov nói.
Còn chuyên gia Nga Igor Korotchenko - Giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới (CAMTO), đã đưa ra những lý do khiến Việt Nam gia tăng số lượng tàu “Gepard”, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nga Sputnik.
Theo ông, Việt Nam quan tâm đến việc mua tiếp lô tàu hộ vệ dự án này là do đặc điểm kỹ chiến thuật nổi bật, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của Hải quân nước này, giải quyết các nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia.
Việt Nam ngày nay phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ở vùng biển gần, đang cần có những chiến hạm mạnh để bảo vệ các mỏ dầu khí trên thềm lục địa, ở một số đảo trên biển Đông. Và theo nghĩa này, lô tàu hộ vệ Gepard tiếp theo sẽ cho phép Việt Nam giải quyết các vấn đề này, đôi khi bao gồm cả yếu tố quân sự.
Lớp tàu được thiết kế có tính đến các yêu cầu hiện đại nhất đối với thiết bị hải quân, cân bằng tốt giữa vũ khí tấn công và phòng thủ, độ tàng hình cao, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở cả vùng biển xa hay gần.
Ngoài ra, Nga còn là đối tác đáng tin cậy hợp tác kỹ thuật quân sự với Việt Nam, đã trải qua nhiều thập kỷ.
Hiểu được những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, Liên bang Nga sẵn sàng giúp giải quyết vấn đề, có thể cung cấp cho các đối tác Việt Nam một loạt vũ khí - kể cả hải quân và các hệ thống phòng không, cũng như một số công nghệ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hải quân.
Việt Nam mong muốn Gepard có hệ thống phòng không mạnh hơn?
Chuẩn đô đốc Vladimir Bogdashin, chuyên gia Nga về việc sử dụng các tàu mặt nước trong chiến đấu cho biết, các chuyên gia quân sự Việt Nam đã bày tỏ mong muốn cải thiện khả năng chiến đấu của tàu hộ vệ Gepard, ví dụ như cải thiện sức mạnh của hệ thống phòng không.
Chuuyện gia Bogdashin đồng ý với yêu cầu này. Ông cho biết, hệ thống tên lửa tấn công 16 quả là sức mạnh vững chắc cho một con tàu kích cỡ như Gepard, còn vũ khí phòng không là phương tiện tự vệ. Gepard sở hữu một “cánh tay dài” mạnh mẽ để tấn công, nhưng tàu này không thể hoàn toàn tự bảo vệ mình trước các mục tiêu từ trên không.
Do đó, chuyên gia này cho rằng, tàu Gepard 3.9 cần phải có hệ thống phòng không tầm trung của riêng mình với phạm vi bảo vệ 150-180 km, có khả năng bảo vệ mình hoặc một đội tàu mà không cần thiết bị bổ sung.
Theo ông, rất có khả năng là mong muốn của đối tác Việt Nam sẽ được phía Nga tính đến và cặp Gepard tiếp theo của Việt Nam sẽ có hệ thống phòng không mạnh hơn. Không phải ngẫu nhiên mà bình luận chính thức của Công ty Rosoboronexport về kết quả tham gia Triển lãm Quốc phòng & An ninh Việt Nam (DSE-2019) lần thứ 1 ghi nhận:
“Nga không có bất kỳ hạn chế hay rào cản bên ngoài hay bên trong nào khi làm việc tại thị trường vũ khí và trang thiết bị quân sự Việt Nam. Nga cung cấp cho Việt Nam toàn bộ những phát triển mới nhất trong lĩnh vực quốc phòng, và sẵn sàng chia sẻ tất cả những thành tựu hiện đại của mình với đối tác Việt Nam”.