Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Do nhiều yếu tố liên quan đến lịch sử, tập quán sinh sống nên hiện nay có rất nhiều trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Chính vì vậy, việc dự án Luật Căn cước bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch nhận được sự quan tâm, thảo luận của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Sáng 10-6, khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ đồng tình với quy định mới, đó là cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam. Theo đại biểu, phần nhiều người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là người di cư, dân tộc thiểu số, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa... Do đó, cần phải có chính sách tiến bộ, nhân văn để giải quyết, quản lý chặt chẽ những người này; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Đánh giá đây là quy định cần thiết, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, thực tế khảo sát từ tỉnh Tây Ninh xuống tỉnh Kiên Giang cho thấy, có rất nhiều người trở về từ Campuchia, nói tiếng Việt tốt, không có quốc tịch, hoàn cảnh sống rất khó khăn. Nhìn vào thực tế là cộng đồng này đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Đại biểu cho rằng cần tìm ra cách quản lý cộng đồng này và cách hỗ trợ việc làm, bảo đảm cuộc sống cho họ.

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là quy định tiến bộ, nhân văn. Quy định này sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần một loại giấy tờ tùy thân khi chưa xác định được quốc tịch, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự. Đặc biệt, điều này còn đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Song, để bảo đảm thuận tiện, minh bạch, đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất trong quản lý, cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật về điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước; quy định rõ đối tượng được cấp; quy định rõ cơ quan, tổ chức được quyền thu thập, cập nhật, lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam. Cùng với đó, cần quy định rõ về việc sử dụng và giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước; độ tuổi cấp đổi giấy chứng nhận căn cước để bảo đảm việc sử dụng thuận tiện và đúng mục đích.

KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cap-giay-chung-nhan-can-cuoc-cho-nguoi-goc-viet-nam-730827