Cấp giấy phép xuất nhập khẩu các chất HFC đến hết ngày 31/12/2023
Ngày 8/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP sau hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.
Theo đó, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương về việc tiếp tục thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BCT ngày 16/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương cho đến hết ngày 31/12/2023.
Từ ngày 1/1/2024, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP, Bộ Công thương đã thông báo cho các thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC về lộ trình thực hiện cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC.
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, tổ chức có hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu chất được kiểm soát và thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát, tổ chức sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát và tổ chức thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký lần đầu trước ngày 31/12/2022 và báo cáo về tình hình sử dụng chất được kiểm soát gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/1 hàng năm.
Trường hợp thay đổi thông tin đăng ký, hoặc đăng ký hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu, tổ chức cung cấp thông tin điều chỉnh, bổ sung trong báo cáo hàng năm.
Như vậy, Bộ Công thương sẽ triển khai cấp giấy phép xuất nhập khẩu các chất HFC cho thương nhân theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BCT đến hết ngày 31/12/2023.
Được biết, các chất HFC là chất làm lạnh được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy, dược phẩm để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon. Tuy các chất HFC không trực tiếp gây suy giảm tầng ozon nhưng lại gây hiệu ứng nhà kính và có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao, gấp khoảng 12 - 14,8 lần CO2.