Cấp ngân sách cho nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ theo cơ chế quỹ

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, cần thực hiện cấp ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) khoa học công nghệ theo cơ chế quỹ, tức là tiền luôn được bố trí chờ đề tài. Kinh phí nghiên cứu được phân bổ và giao cho các quỹ khoa học, công nghệ ngay từ đầu năm tài chính mà không cần danh mục nhiệm vụ đã được phê duyệt trước. Đề tài được phê duyệt bất kể thời điểm nào trong năm thì được cấp kinh phí ngay, chứ không phải theo cơ chế dự toán ngân sách trước một năm.

“Tiền luôn được bố trí chờ đề tài”

Cơ chế tài chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” trong hoạt động khoa học công nghệ. Đó là nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tại Hội thảo quốc gia công tác lý luận của Đảng và những định hướng nghiên cứu quan trọng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1.11.2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quy định “mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của quỹ phát triển khoa học và công nghệ”. Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia quy định “ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ”.

Tuy nhiên, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều năm qua, việc tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các đề tài, dự án khoa học và công nghệ đều được thực hiện theo quy định như đầu tư cho xây dựng cơ bản, tức là phải theo kế hoạch của năm tài chính.

“Cách làm như vậy dẫn tới việc các nhà khoa học phải chờ đợi nhiều năm kể từ khi đề xuất đề tài cho đến khi nhận được kinh phí; đề tài nào mới phát sinh sẽ không được bố trí kinh phí vì chưa có trong danh mục đã tổng hợp trước; sự biến động giá và lạm phát, biến động chính trị - xã hội gây khó cho mua sắm, đấu thầu và đáp ứng nhu cầu cấp bách… Nhiều đề tài sẽ không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ mục tiêu và sản phẩm như dự kiến chậm tiến độ phải gia hạn nhiều lần, hiệu quả thấp”, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói.

 Ảnh minh họa nguồn: ITN

Ảnh minh họa nguồn: ITN

Dẫn thực tế, các quốc gia phát triển đang áp dụng cơ chế quỹ để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, cơ chế quỹ có 3 thuộc tính.

Một là, “tiền luôn được bố trí chờ đề tài”, tức là kinh phí nghiên cứu được phân bổ và giao cho các quỹ khoa học, công nghệ ngay từ đầu năm tài chính mà không cần danh mục nhiệm vụ đã được phê duyệt trước. Đề tài được phê duyệt bất kể thời điểm nào trong năm thì được cấp kinh phí ngay, chứ không phải theo cơ chế dự toán ngân sách trước một năm. Hai là, cơ chế quỹ cho phép chuyển nguồn tự động, nếu kinh phí được bố trí năm trước chưa sử dụng hết thì được tự động chuyển nguồn sang năm sau. Ba là, cho phép quyết toán một lần khi nghiệm thu, thanh lý hợp đồng nghiên cứu.

Năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện thí điểm cơ chế quỹ. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) đã được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP về thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và ngay lập tức chứng tỏ hiệu quả cao.

“Nếu như trước năm 2008, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam rất ít, mỗi năm có vài ba trăm công bố quốc tế trên tạp chí khoa học uy tín, thì từ khi có Quỹ NAFOSTED, số lượng công bố quốc tế của nước ta tăng lên với tốc độ nhanh, khoảng 30 lần. Các nhà khoa học đã từng thực hiện các đề tài nghiên cứu do NAFOSTED tài trợ đều đánh giá tốt cơ chế quản lý của quỹ vì họ hầu như được giải phóng khỏi các thủ tục hành chính. Người làm khoa học được dành thời gian nhiều hơn cho nghiên cứu và nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu khoa học”, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh.

Áp dụng thông lệ quốc tế cho việc tài trợ kinh phí nghiên cứu

Cũng theo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Điều 53, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã quy định “Việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước phải kịp thời, phù hợp và tiến độ đặt hàng và phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ” và “Kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước hoặc chuyển vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Kho bạc Nhà nước”. Đó chính là quy định phải cấp kinh phí ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) theo cơ chế quỹ; kịp thời theo tiến độ phê duyệt và cấp qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ, trong đó đã có hướng dẫn đưa cơ chế quỹ vào quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, đó là “Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được chuyển vào các quỹ phát triển và công nghệ”.

Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2024 vẫn chưa quy định nội dung về “cơ chế quỹ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ". Điều này dẫn tới cơ chế quỹ không thể triển khai được. Ngay cả Quỹ NAFOSTED mấy năm gần đây cũng đang phải xây dựng dự toán ngân sách như các chương trình khoa học và công nghệ (theo cách xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản) nên rất bất cập. Trong khi thực hiện theo cơ chế quỹ thì phải bố trí dự toán ngân sách cho các quỹ phát triển khoa học và công nghệ mà không cần danh mục các nhiệm vụ đã được phê duyệt như các dự án xây dựng cơ bản.

Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã nêu rõ: ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

"Đã đến lúc cần áp dụng thông lệ quốc tế cho việc tài trợ kinh phí nghiên cứu, bởi việc không thực hiện được cơ chế quỹ dẫn đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước tài trợ cho R&D rất thấp", nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất, đồng thời kỳ vọng, với những quy định đột phá của Nghị quyết 57-NQ/TW, việc thực hiện cơ chế quỹ nhất định sẽ thành công.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cap-ngan-sach-cho-nghien-cuu-va-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-theo-co-che-quy-post410125.html