Cấp nhanh mã QR cho phương tiện 'luồng xanh', chấm dứt ùn tắc trong vận chuyển
Trước tình trạng xe chở hàng hóa ùn tắc tại nhiều chốt kiểm dịch Covid-19, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ không để xảy ra tiêu cực, đẩy nhanh cấp mã QR cho phương tiện 'luồng xanh' chuyên chở hàng hóa.
Những ngày gần đây, nhờ có “luồng xanh” quốc gia được kết nối “luồng xanh” nội tỉnh mà việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn trước. Một số chợ truyền thống ở thành phố Hồ Chí Minh đã mở trở lại, việc lưu thông dần ổn định. Các hoạt động vận chuyển tôm giống, thức ăn thủy sản tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cơ bản đã thông suốt. Tuy nhiên, chuyện ách tắc, xe không qua được chốt kiểm dịch vẫn diễn ra tại nhiều tỉnh thành.
Thông tin từ Tổ Công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19) của Bộ NN-PTNT, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất vẫn còn bị thắt chặt ở một số địa phương. Có nơi thương lái rất khó khăn trong đi lại thu mua nông sản. Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch.
Trong khi đó, theo phản ánh của một số địa phương và doanh nghiệp vận tải, việc cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" tại các địa phương vẫn chậm so với yêu cầu thực tế.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động trên "luồng xanh" được cấp thẻ nhận diện phương tiện kèm mã QR theo hình thức online. Song, do nhu cầu cấp thẻ của doanh nghiệp lớn đổ dồn vào cùng một thời điểm khiến việc cấp mã QR chưa đáp ứng kịp thời so với thực tế.
Trước thực trạng này, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt Bộ Giao thông Vận tải, yêu cầu Tổng cục Đường bộ kiểm tra, làm rõ các vấn đề mà doanh nghiệp phản ánh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng đã đồng ý với đề xuất tổ chức xét nghiệm Covid-19 lưu động cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa theo đối tượng tại Chỉ thị 16 tại một số đơn vị vận tải, đầu mối hàng hóa trên địa bàn TP.HCM và một số địa phương khác.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất, ngày 17/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) công bố "luồng xanh" quốc gia trên hệ thống quốc lộ phục vụ xe ưu tiên lưu thông khi tình trạng dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Việc tổ chức "luồng xanh" liên tỉnh, liên vùng và các tuyến vận tải trên phạm vi cả nước nhằm tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa; vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác đi qua khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Tất cả thông tin về các “luồng xanh” quốc gia đều được công bố trên website của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại địa chỉ: www.drvn.gov.vn.
Cơ quan này cũng cho biết, họ đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm quản lý, cấp giấy thông hành cho phương tiện lưu thông trên các luồng xanh liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào đầu tuần tới.
Theo đó, các xe trong diện "luồng xanh" được cấp thẻ nhận diện có mã QR, dán trên cửa kính; ưu tiên đi lại khi qua chốt, không phải quay đầu như các phương tiện khác khi đến khu vực giãn cách; và có thể không phải dừng lại để kiểm tra, đơn vị chức năng chỉ kiểm tra xác xuất một số xe có sử dụng đúng thẻ nhận diện hay không. Lái xe đi vào "luồng xanh" vẫn phải có giấy xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu phòng chống dịch của các địa phương.
Một số loại hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn cần được dán nhãn “hàng mau hỏng”, được ưu tiên được vận chuyển nhanh đến người tiêu dùng bao gồm: nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh…
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải cập nhật luồng xanh quốc gia. Xây dựng và công bố luồng xanh nội tỉnh, kết nối với luồng xanh quốc gia và luồng xanh các địa phương lân cận. Lựa chọn và công bố các vị trí dừng nghỉ cho các phương tiện nêu trên phục vụ nhu cầu thiết yếu.