Cập nhật 14h ngày 12/4: Ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan tiếp tục giảm, Saudi Arabia kéo dài lệnh giới nghiêm, Anh thể hiện lòng hảo tâm
Số liệu mới nhất trên trang tin thống kê Worldometers.info cho thấy, số ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn thế giới đã lên tới 1.781.383 ca, trong đó có 108.865 ca tử vong và 404.581 ca hồi phục.
Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ làm việc tại phòng xét nghiệm Covid-19 di động tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Reuters)
Như vậy, theo trang Worldometers, trong 24 giờ qua, có hơn 81.000 ca nhiễm mới, hơn 6.000 ca tử vong và 28.000 bệnh nhân hồi phục. Đứng đầu danh sách về ca nhiễm và ca tử vong là Mỹ, với con số lần lượt là 533.115 và 20.580. Tiếp theo là Tây Ban Nha với 163.027 ca nhiễm, trong đó 16.606 ca tử vong và Italy với 152.271 ca nhiễm, trong đó 19.468 ca tử vong.
* Ngày 12/4, Thái Lan đã xác nhận thêm 33 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.551 người, trong đó có 38 trường hợp tử vong.
Như vậy, đây là ngày thứ thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới được ghi nhận hằng ngày ở Thái Lan dừng ở mức hai con số và đi theo chiều hướng giảm dần.
Thủ đô Bangkok hiện là địa phương có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất ở Thái Lan, trong khi tỷ lệ lây nhiễm cao nhất được ghi nhận ở tỉnh Phuket.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng cảnh báo người dân về nguy cơ tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 ngay trong chính ngôi nhà của họ sau khi có nhiều ca lây nhiễm được ghi nhận trong các thành viên gia đình trong khoảng thời gian từ 4-10/4.
Số liệu do Trung tâm quản lý tình hình Covid-19 (CCSA) cho thấy trong có 144 trường hợp, chiếm 29% trong số 495 ca nhiễm mới được ghi nhận trong thời gian nói trên, là những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân Covid-19 và có tới 56% trong nhóm này lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ các thành viên gia đình, đặc biệt là vợ, chồng.
Nhóm có số lượng các ca lây nhiễm cao thứ hai là tại nơi làm việc (chiếm 23%), các cuộc tụ tập xã hội (chiếm 18%) và những nguồn khác (chiếm 3%).
* Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp chống dịch khi các hoạt động kinh tế "ít nguy cơ" được nối lại trên hầu hết cả nước từ ngày 11/4.
Hãng thông tấn IRNA dẫn lời Tổng thống Rouhani cho biết: "Việc nới lỏng các biện pháp chống dịch không có nghĩa là bỏ qua các quy định về y tế. Giãn cách xã hội và các quy định y tế khác cần được tuân thủ nghiêm".
Các hoạt động kinh tế được gọi là "ít nguy cơ" gồm các cửa hàng, nhà máy và phân xưởng - đã được phép hoạt động trở lại trên cả nước, trừ ở thủ đô Tehran, nơi sẽ được phép mở lại vào ngày 18/4 tới. Các hoạt động "có nguy cơ cao" như rạp hát, bể bơi, tắm khoáng, làm đẹp, trường học, trung tâm mua sắm và các nhà hàng vẫn chưa được mở lại.
Nhiều cơ quan công quyền của Iran cũng đã mở cửa hoạt động trở lại, song giảm 2/3 nhân viên. Tại Qom, thành phố với 1,2 triệu dân từng là tâm dịch ở nước này, khoảng 24.000 doanh nghiệp dự kiến sẽ mở cửa.
Cho đến nay, Iran là nước Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 với 70.029 ca nhiễm và 4.357 ca tử vong.
Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki cảnh báo: "Nếu mọi người chủ quan vì tình hình giờ đã tiến triển tốt hơn, và lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch, chúng ta chắc chắn sẽ lại phải đối mặt một đợt dịch mới nặng nề và nguy hiểm".
* Cùng ngày, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã phê chuẩn kéo dài lệnh giới nghiêm cho đến khi có thông báo tiếp theo do số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở vương quốc này tiếp tục tăng.
Trước đó, Quốc vương Salman đã ra lệnh giới nghiêm trong 21 ngày từ ngày 23/3, từ 19h đến 6h sáng hôm sau, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tuần trước, Saudi Arabia đã đặt thủ đô Riyadh và nhiều thành phố lớn khác trong tình trạng giới nghiêm 24 giờ.
Saudi Arabia đến nay ghi nhận 4.033 ca mắc bệnh Covid-19, trong đó có 52 ca tử vong.
* Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch của Đức ngày 12/4 cho biết số ca mắc Covid-19 ở nước này đã tăng thêm 2.821 ca, lên 120.479 ca. Con số tăng thêm này vẫn thấp hơn số ca mắc bệnh của ngày hôm trước được công bố là 4.133 ca và đây là lần thứ 2 số ca mắc bệnh trên giảm xuống sau 4 ngày gia tăng liên tiếp, trong khi ca tử vong tăng thêm 129 ca, lên 2.673 ca.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay dịch Covid-19 sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU) khi nước này đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của khối này trong 6 tháng cuối năm nay.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: DPA)
Theo ông Maas, Đức sẽ nỗ lực để giúp EU vượt qua dịch bệnh này trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch EU và việc hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sẽ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên mà nước này phải thực hiện sau khi tiếp nhận chức Chủ tịch EU từ Croatia vào tháng 7 tới.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ tới đây, EU sẽ phải rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng do Covid-19 như cải thiện hệ thống bảo vệ công dân, tăng cường hợp tác và sản xuất các thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh.
* Kể từ ngày 12/4, Nga tạm cấm xuất khẩu một số mặt hàng thực phẩm do đại dịch Covid-19. Động thái này nằm trong quyết định cấm xuất khẩu kiều mạch, gạo, hành, tỏi và các hàng hóa khác của các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) được Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) đưa ra.
Các hạn chế này có hiệu lực 10 ngày sau khi lệnh cấm được công bố trên trang web của EEC, tức là vào ngày 12/4. Ngoài các sản phẩm trên, quy định còn bao gồm các sản phẩm ngũ cốc, bột mì, lúa mạch đen, đậu nành, hạt hướng dương, củ cải...
Lệnh cấm xuất khẩu sẽ kéo dài đến ngày 30/6 nhằm đảm bảo nguồn cung cho người dân các quốc gia thành viên EAEU - Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan – có đủ lương thực trong thời gian đại dịch Covid-19.
Trước đó, vào tháng 3, Cơ quan giám sát thú y và kiểm dịch thực vật Liên bang - Rosselkhoznadzor đã ngừng xuất khẩu kiều mạch và các loại ngũ cốc khác ra khỏi Nga trong 10 ngày. Hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Mikhail Mishustin ủng hộ sáng kiến của Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền là giữ nguyên giá thực phẩm, thuốc men và các phương tiện bảo vệ cá nhân.
* Ngày 12/4, người đứng đầu Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mông Cổ (NCCD) Dulmaa Nyamkhuu cho hay, Mông Cổ đã sơ tán 282 công dân khỏi Nga trên những chuyến xe buýt thông qua cửa khẩu biên giới Altanbulag. Trong số đó, chủ yếu là các sinh viên và "có 20 người bị nghi ngờ mắc Covid-19 đã được cách ly ở NCCD để chờ xác nhận".
Cũng theo ông Nyamkhuu, trong ngày 11/4, Mông Cổ đã ghi nhận 108 trường hợp bị nghi ngờ nhiễm bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Trung Á này hiện là 16 người.
* Anh cam kết hỗ trợ 200 triệu bảng (248 triệu USD) cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức nhân đạo để làm chậm lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại những nước dễ bị tổn thương, và qua đó giúp ngăn chặn một đợt bùng phát mới tại Vương quốc Anh.
Trong tuyên bố của mình, Quốc vụ khanh Phát triển Quốc tế của Anh Anne-Marie Trevelyan cho biết: "Trong khi các bác sĩ và y tá giỏi của chúng tôi đang chiến đấu chống virus tại nhà, chúng tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ tài chính cho các nước khác để phòng một đợt bùng phát dịch chết người thứ hai tại Anh".
Chính phủ Anh cho biết 130 triệu bảng sẽ được gửi tới các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó 65 triệu bảng gửi cho WHO, 50 triệu bảng sẽ gửi tới Tổ chức Chữ thập Đỏ để giúp các khu vực đang xảy ra chiến sự hoặc vùng sâu vùng xa, và 20 triệu bảng sẽ gửi tới các tổ chức từ thiện và nhân đạo khác.
Tuyên bố cho biết số tiền trên sẽ giúp các khu vực có hệ thống y tế yếu kém như Yemen đang trong xung đột - nơi cũng vừa ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ngày 10/4, và Bangladesh - nơi đang có 850.000 người Rohingya tị nạn tại các khu trại đông đúc.
Nhận định về lòng hảo tâm của Anh, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Sự đóng góp hào phóng của Anh là minh chứng mạnh mẽ cho thấy mối đe dọa toàn cầu cần cách ứng phó toàn cầu".
Đến nay, Anh đã ghi nhận 9.875 ca tử vong, đứng thứ 5 trên thế giới về số ca tử vong vì dịch Covid-19.