Cập nhật 14h ngày 31/3: Quan chức WHO cảnh báo về dịch Covid-19 ở châu Á - Thái Bình Dương, Myanmar có ca tử vong đầu tiên
Ngày 31/3, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai nhận định, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra sẽ còn kéo dài ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cảnh báo về dịch Covid-19 ở châu Á - Thái Bình Dương. (Nguồn: Post Courier)
Ông Kasai cho rằng, các biện pháp hiện nay để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này chỉ đơn thuần là "kéo dài thời gian" để các nước chuẩn bị cho trường hợp lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn và kể cả với tất cả các biện pháp này, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trong khu vực sẽ không chấm dứt chừng nào dịch bệnh còn tiếp diễn.
Theo ông Kasai, công tác chuẩn bị ứng phó với trường hợp lây nhiễm quy mô lớn phải được phổ biến đến mọi người. Ông cảnh báo, các nước đang có số lượng ca mắc bệnh giảm dần không nên lơ là cảnh giác, nếu không số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể tăng nhanh trở lại.
Trong khi đó, ngày 30/3, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và WHO đã cung cấp các thiết bị và vật tư y tế quan trọng cho chính phủ các quốc đảo ở Thái Bình Dương, bao gồm hơn 170.000 mặt hàng y tế thiết yếu và các thiết bị cho phòng xét nghiệm.
Đại diện của UNICEF tại Thái Bình Dương Sheldon Yett cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các chính phủ và các đối tác trên khắp Thái Bình Dương để ngăn chặn sự lây nhiễm của SARS-CoV-2 và giữ an toàn cho trẻ em cùng gia đình.
Các trang thiết bị y tế thiết yếu được cung cấp cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương bao gồm khẩu trang N95, khẩu trang phẫu thuật, tăm bông, nhiệt kế, bộ dụng cụ xét nghiệm, găng tay và bộ đồ bảo hộ y tế, cùng với các tài liệu truyền thông để tuyên truyền cho người dân về các triệu chứng của bệnh Covid-19, cách điều trị cho người bị bệnh và các hoạt động phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Ngoài việc cung cấp trang thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ chính phủ các quốc đảo Thái Bình Dương đối phó dịch bệnh, UNICEF tiếp tục tiếp cận cộng đồng để chia sẻ các thông tin quan trọng về việc giữ an toàn cho trẻ em và ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19, như rửa tay thường xuyên, ho vào khuỷu tay và không chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, miệng và mũi.
* Tại Nhật Bản, theo truyền thông Nhật Bản, ngày 31/3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã lên tới 2.000 trường hợp.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã hối thúc công dân không đi với 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trong một nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
* Tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận thêm 41 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 682. Do thiếu phòng cách ly áp lực âm tại các bệnh viện công lập, 41 bệnh nhân này vẫn chưa được vào bệnh viện.
Cục quản lý bệnh viện Hong Kong cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng giường bệnh cách ly tại các bệnh viện công lập là 62%, tỷ lệ sử dụng phòng bệnh cách ly cũng lên đến 77%.
* Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo không ghi nhận thêm ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong nội địa trong ngày 30/3, song có 48 ca nhiễm mới là các trường hợp nhập nhập cảnh, nâng tổng số ca Covid-19 nhập cảnh đến nay lên 771 ca.
Cũng trong ngày 30/3, Trung Quốc đại lục ghi nhận 1 ca tử vong do Covid-19 và 44 ca nghi nhiễm mới đều là các ca nhập cảnh, 282 người được xuất viện sau khi bình phục, trong khi số ca bệnh nặng giảm 105 ca xuống 528 ca.
Như vậy, tính đến hết ngày 30/3, số người mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 81.518 người, trong đó 2.161 bệnh nhân đang được điều trị, 76.052 bệnh nhân được xuất viện sau khi bình phục và 3.305 người tử vong. Theo NHC, hiện ở Trung Quốc đại lục vẫn còn 183 người nghi nhiễm SARS-CoV-2.
* Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, tính tới 10 giờ ngày 31/3 (giờ địa phương), tổng số ca Covid-19 ở Hàn Quốc là 9.786 người và số ca tử vong là 162 người, sau khi ghi nhận thêm 125 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong trong ngày 30/3.
Trong ngày 30/3, có 180 bệnh nhân được xuất viện sau khi bình phục, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện đến nay lên 5.408 người, chiếm 55,2%. Hiện vẫn còn 68 trường hợp trong tình trạng nguy kịch.
Theo KCDC, trung bình mỗi ngày, Hàn Quốc đón khoảng 300 người nhập cảnh từ nước ngoài có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2, 20-30% trong số đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này.
* Sáng 31/3, Bộ Y tế Campuchia công bố thêm 2 trường hợp mắc Covid-19 ở thành phố Siem Reap (Xiêm Riệp), nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 109 người, trong đó 23 người đã hồi phục hoàn toàn.
Các ca nhiễm mới là 2 mẹ con người Campuchia, mẹ 39 tuổi và con trai 12 tuổi. Trước đó, chồng của ca bệnh mới này cũng đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tham gia một sự kiện tôn giáo ở Malaysia hồi cuối tháng 2. Đến nay, tại Campuchia có 23 ca đã khỏi bệnh.
* Ngày 31/3, Myanmar ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh nhân là một người đàn ông 69 tuổi, cũng mắc bệnh ung thư, đã qua đời tại một bệnh viện ở Yangon. Ông này đã tới Australia chữa bệnh và dừng tại Singapore trên đường về nước. Myanmar hiện ghi nhận 14 ca mắc Covid-19, chủ yếu là những người từ nước ngoài trở về.
Trước đó ngày 29/3, Bộ Y tế nước này cảnh báo nguy cơ rất cao một đợt "bùng phát lớn" dịch Covid-19 sau khi hàng chục nghìn người di cư đang làm việc ở Thái Lan đổ về nước trước khi đóng cửa biên giới.
* Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông báo, chính phủ nước này quyết định cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với toàn bộ hành khách nước ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Quyết định trên không tính tới người nước ngoài có giấy phép lưu trú và một số chuyến thăm ngoại giao. Ngoại trưởng Marsudi cũng cho biết Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường kiểm tra các công dân nước này khi họ trở về nước.
* Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu giảm 90% hoạt động đi lại của người dân nhằm kiềm chế dịch bệnh. Sau khi Chính phủ thực hiện những biện pháp khuyến khích người dân hạn chế ra ngoài, hoạt động đi lại của người dân trong thời gian 1 tuần tính đến ngày 28/3 đã giảm 46% so với thời gian trước đó. Số lượng sử dụng xe ô tô cá nhân giảm 41%, trong khi số hành khách đi lại bằng tàu điện giảm 59%. Ngoài ra, lượng hành khách sử dụng tàu hỏa liên thành phố giảm 65% và hành khách đi lại bằng đường thủy giảm 40%.
Giới chức y tế Thái Lan ngày 31/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 127 ca nhiễm mới và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1.651 bệnh nhân và tổng số trường hợp tử vong lên 10 người. Trước thực trạng số lượng ca nhiễm mới tiếp tục tăng, Chính phủ Thái Lan đã trấn an đội ngũ y tế cùng các quan chức nhà nước và tình nguyện viên rằng họ sẽ được cung cấp đủ khẩu trang.