Cập nhật 19h 22/5: Thủ tướng Malaysia cách ly, Hàn Quốc khám xét các trụ sở giáo phái Tân Thiên Địa, Nhật Bản nỗ lực tìm kháng thể Covid-19

Ngày 22/5, Văn phòng Thủ tướng Malaysia thông báo Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày sau khi một quan chức tham dự cuộc họp gần đây do ông chủ trì có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày. (Nguồn: lowyat.net)

Theo thông cáo, Thủ tướng Muhyiddin đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính với Covid-19. Tất cả các quan chức khác tham dự cuộc họp nói trên được chỉ thị phải xét nghiệm virus và tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

Liên quan tới diễn biến dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế Malaysia cùng ngày thông báo ghi nhận thêm 78 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 7.137 người, trong đó có 1 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 115 người.

* Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, ngày 22/5, nước này ghi nhận thêm 614 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc tại đảo quốc sư tử lên thành 30.426 người. Trong số các ca nhiễm mới có 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly.

Đến nay, Singapore đã có 12.117 người được chữa khỏi và xuất viện, 10 ca đang phải điều trị tích cực và 23 ca tử vong.

* Ngày 22/5, Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Angkie Yudistia cho biết, Tổng thống Indonesia Jokowi sẽ không tổ chức buổi gặp công chúng tại Cung điện quốc gia vào ngày đầu tiên của năm mới (ngày 25/5/2020) Tết Idul Fitri của người Hồi giáo để tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Bà Yudistia cho biết thêm, Tổng thống Jokowi hiểu rằng Tết Idul Fitri là một khoảnh khắc để tha thứ cho nhau và tăng cường quan hệ với người thân và bạn bè. Tuy nhiên, mọi người cần phải duy trì khoảng cách và thay vào đó là giao tiếp trực tuyến. Tất cả các cuộc họp đã được tổ chức và có sự tham dự của Tổng thống đều tiến hành bằng hình thức trực tuyến nên không có ngoại lệ cho sự kiện Idul Fitri.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh cấm đối với tất cả các hoạt động tôn giáo đông người, bao gồm cả sự kiện cầu nguyện nhân dịp Năm mới để ngăn chặn sự sự lây lan của dịch Covid-19.

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia thông báo ghi nhận thêm 634 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 20.796 người, trong đó có 500 người tử vong.

Năm 2019, Tổng thống Jokowi đã tổ chức sự kiện đón Tết Idul Fitri tại Cung điện Merdeka với hàng nghìn người đến chào đón Tổng thống.

* Lao động Myanmar bị mắc kẹt ở Thái Lan sẽ có thể di chuyển từ thủ đô Bangkok tới tỉnh Tak giáp biên giới Myanmar trong thời gian từ ngày 22/5-20/7 để trở về nước.

Truyền thông sở tại ngày 22/5 cho biết dàn xếp nói trên được hoạch định sau khi Công ty Vận tải có một cuộc họp với Phó Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao và các đại diện từ Đại sứ quán Myanmar cùng những cơ quan liên quan.

Về tình hình dịch Covid-19 tại Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á ngày 22/5 không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào và cũng không có thêm bệnh nhân Covid-19 tử vong. Tuy nhiên, Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) khuyến cáo người dân vẫn nên thận trọng vì có thể vẫn có người bị nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện.

Tính đến ngày 22/5, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.037 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 56 trường hợp tử vong. Nước này đã chữa khỏi cho 2.910 bệnh nhân Covid-19 và hiện chỉ còn 71 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện.

* Bộ Y tế Australia ngày 22/5 thông báo đã có 6.478 bệnh nhân Covid-19 tại nước này khỏi bệnh và chỉ còn 506 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Tính đến ngày 21/5, tổng cộng 7.095 ca nhiễm Covid-19 được thông báo tại Australia, trong đó có 101 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Australia có thêm 14 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong. Mặc dù vậy, các bang trong nước này vẫn tiếp tục tranh luận về việc mở cửa đi lại giữa các bang.

Trong một diễn biến khác, con số người Australia được nhận trợ cấp do đại dịch Covid-19 giảm gần một nửa do lỗi báo cáo

Thông báo ngày 22/5 của Bộ Ngân khố và và Cơ quan Thuế Australia cho biết số người Australia được nhận trợ cấp theo chương trình Jobkeeper của Chính phủ liên bang do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã được điều chỉnh giảm từ 6,5 triệu xuống còn 3,5 triệu người, do lỗi báo cáo nghiêm trọng.

Sau khi điều chỉnh lại lỗi trên, ước tính ngân sách dành cho gói trợ cấp lương sẽ giảm từ 130 tỷ AUD (84,5 tỷ USD) xuống còn 70 tỷ AUD (45.5 tỷ USD).

Chính phủ Australia khẳng định không mở rộng gói trợ cấp trên đối với người lao động thời vụ và lao động nhập cư.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 22/5, 8 trường đại học của Australia đã đề xuất một "hành lang an toàn" cho phép các sinh viên quốc tế có thể trở lại nước này để tiếp tục việc học tập.

Theo kế hoạch do "Nhóm 8" - liên minh các trường đại học về các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu thế giới - đệ trình lên chính quyền liên bang và các bang của Australia, sinh viên từ một số quốc gia sẽ có thể trở lại Australia nếu tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm tra y tế và các quy định cách ly. Các quốc gia có đủ tiêu chuẩn ở đây là những nước đã kiềm chế được tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xuống mức thấp, đồng thời có tỷ lệ xét nghiệm cao và có khả năng ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

* Các công tố viên Hàn Quốc ngày 22/5 đã tiến hành khám xét các trụ sở của giáo phái Tân Thiên Địa, như một phần của cuộc điều tra đối với cáo buộc giáo phái trên đã ngăn cản các nỗ lực của Chính phủ trong việc khống chế dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu xảy ra đại dịch.

Khoảng 100 điều tra viên đã khám xét các cơ sở của giáo phái Tân Thiên Địa trên toàn quốc, thu giữ những tài liệu và chứng cứ có liên quan đến các cáo buộc đối với ông Lee Man-hee - nhà sáng lập của giáo phái. Cuộc khám xét đánh dấu cuộc điều tra cưỡng chế đầu tiên nhằm vào giáo phái Tân Thiên Địa kể từ tháng 2, khi một nhóm người, tự nhận là nạn nhân của giáo phái, đệ đơn kiện nhà sáng lập Lee Man-hee, 89 tuổi, tham ô, lơ là trách nhiệm, vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Giáo phái Tân Thiên Địa bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn tới "ổ dịch" lớn nhất nước này, chiếm khoảng 47% tổng số 11.142 ca bệnh. Chính việc hành lễ của giáo phái, khi các tín đồ ngồi sát nhau và cầu nguyện, được cho là yếu tố dẫn tới sự lây lan nhanh của dịch bệnh.

Cũng trong ngày 22/5, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 8 ca mắc Covid-19 liên quan đến "ổ dịch" Itaewon, đưa tổng số người mắc bệnh tại đây lên 215 người. Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc, trên toàn quốc, nước này ghi nhận thêm 20 ca mắc mới, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 11.142 ca mắc Covid-19, trong đó có 264 người tử vong.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có phần lắng xuống, các hãng hàng không Hàn Quốc đã đồng loạt thông báo kế hoạch nối lại các đường bay quốc tế, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu về nước của công dân Hàn Quốc tại nước ngoài.

* Nhật Bản ngày 22/5 đã nâng mức cảnh báo đi lại đối với 11 nước lên mức độ 3, đồng thời yêu cầu người dân không được đi tới các khu vực này trong bố cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Các nước bị nâng mức cảnh báo gồm Argentina, Ấn Độ, Nam Phi, Afghanistan, Bangladesh, El Salvador, Ghana, Guinea, Kyrgyzstan, Pakistan và Tajikistan.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, các nước trên có thể sớm được thêm vào danh sách 100 nước và vùng lãnh thổ cấm nhập cảnh vào Nhật Bản.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato cho biết từ đầu tháng 6 tới, Nhật Bản sẽ bắt đầu xét nghiệm Covid-19 đối với 10.000 người ở Tokyo, Osaka và tỉnh Miyagi để tìm kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 nhằm hiểu hơn về cơ chế lây lan của dịch bệnh.

Trong nỗ lực chống Covid-19, Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định tạo điều kiện để sản xuất vaccine trên diện rộng thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 110 dự án phát triển vaccine phòng Covid-19 đang được tiến hành trên toàn thế giới, trong đó có một số dự án đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nhật Bản có 6 dự án và Thủ tướng Abe Shinzo cho biết việc thử nghiệm có thể được bắt đầu vào đầu tháng 7 tới.

Thế Việt

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-19h-225-thu-tuong-malaysia-cach-ly-han-quoc-kham-xet-cac-tru-so-giao-phai-tan-thien-dia-nhat-ban-no-luc-tim-khang-the-covid-19-116131.html