Cập nhật 19h ngày 11/6: Bắc Kinh ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới đầu tiên sau gần 2 tháng - Lào không có ca bệnh mới trong 60 ngày
Bệnh nhân 52 tuổi chưa từng rời khỏi Bắc Kinh hay tiếp xúc với bất kỳ ai trở về từ nước ngoài trong 2 tuần gần nhất.
Đây là ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Bắc Kinh kể từ sau gần 2 tháng không xuất hiện ca mới.
* Đây là ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Bắc Kinh kể từ sau gần 2 tháng không xuất hiện ca mới. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, bệnh nhân trên là một người đàn ông 52 tuổi. Người này kiểm tra sức khỏe tại một phòng khám vào ngày 10/6 do bị sốt. Ông cho biết bản thân chưa từng rời khỏi Bắc Kinh hay tiếp xúc với bất kỳ ai trở về từ nước ngoài trong 2 tuần gần nhất.
* Tại khu vực Đông Nam Á, Lào không ghi nhận ca mới mắc bệnh Covid-19 trong 60 ngày liên tiếp, đồng thời tất cả 19 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đều đã phục hồi và được xuất viện.
Phát biểu họp báo ngày 11/6, Cục phó Cục Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Lào, Sisavath Soutthaniraxay nhấn mạnh nhà chức trách và người dân trên toàn cả nước cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay cả khi không có ca bệnh mới nào được ghi nhận. Ngày 10/6, có tổng cộng 2.198 người nhập cảnh Lào qua các cửa khẩu quốc tế. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều được kiểm tra thân nhiệt và không một ai có dấu hiệu sốt.
* Cùng ngày, giới chức Indonesia cảnh báo quốc gia Đông Nam Á này có thể phải chứng kiến đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai khi số ca dương tính tiếp tục tăng vọt trong vài ngày qua tại thời điểm một số địa phương bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn (PSBB).
Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh “nhiệm vụ lớn” của Chính phủ Indonesia vẫn chưa kết thúc, đồng thời yêu cầu các bộ ngành trung ương và các địa phương tránh để xảy ra đợt lây nhiễm thứ hai. Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận các ca mắc Covid-19 tăng đột biến trong 6 ngày qua sau khi nhà chức trách nới lỏng PSBB và cho phép một số lĩnh vực hoạt động trở lại. Đáng chú ý, hai ngày 9-10/6, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày đã vượt 1.000 ca, lần đầu tiên kể từ khi quốc gia này công bố 2 ca mắc bệnh đầu tiên hôm 2/3.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto, số ca nhiễm mới tăng cao là do công tác truy dấu các bệnh nhân được triển khai tích cực. Tuy nhiên, dù đã đạt mục tiêu đề ra, số mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm vẫn ở mức thấp so với các nước khác với chỉ 463.620 mẫu tính đến thời điểm này.
Hôm nay, Indonesia đã ghi nhận thêm 979 ca mới và 41 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì căn bệnh này lên lần lượt là 35.295 ca và 2.000 ca. Ngoài ra, đến nay đã có tổng cộng 12.636 người bình phục, 43.414 người đang thuộc diện được theo dõi và 14.052 trường hợp được giám sát tại 34 tỉnh và thành phố trên khắp cả nước do xuất hiện các triệu chứng mắc COVID-19 điển hình nhưng chưa được xét nghiệm.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines xác nhận có thêm 9 ca tử vong và 443 ca bệnh mới, nâng tổng số ca tử vong lên 1.036 ca trong tổng số 24.175 ca mắc bệnh. Trong khi đó, giới chức y tế Malaysia cho biết nước này ghi nhận 31 ca mới, nâng tổng số lên 8.369 ca. Tuy nhiên, không có thêm ca tử vong nào trong 24 giờ qua và tổng số ca tử vong vẫn giữ nguyên ở mức 118 ca.
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định đại dịch Covid-19 đang gia tăng tại châu Phi, lan rộng từ thủ đô của các các nước nơi mà nhiều du khách ghé thăm.
Trong tuyên bố ngày 11/6, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti liệt kê danh sách 10 nước châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 với số ca nhiễm chiếm tới 75% trong tổng số 200.000 ca ở châu lục này. Châu Phi đến nay ghi nhận 5.000 ca tử vong do đại dịch Covid-19. Riêng Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng số ca nhiễm lên tới 50.000 ca.
Theo bà Moeti, một trong những thách thức lớn nhất tại các nước châu Phi là vấn đề thiếu thốn vật tư y tế, cụ thể là các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Bà cho rằng châu lục này sẽ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cho đến khi vaccine phòng Covid-19 được phát triển và sản xuất. Ở thời điểm hiện tại, bà cho rằng cần kiểm soát các điểm nóng của dịch như Nam Phi, Algeria và Cameroon.
Cũng trong thông báo này, bà Moeti đã đánh giá Mỹ là đối tác quan trọng của WHO tại châu Phi và cơ quan này đang xem xét những ảnh hưởng tiềm ẩn do Mỹ cắt đóng góp cho các chương trình như chương trình chống bại liệt và ứng phó với dịch Covid-19.
* Nội các Ai Cập thông báo, từ ngày 1/7 tới, Cairo sẽ cho phép thực hiện các chuyến bay quốc tế theo lịch trình và các du khách nước ngoài đến một số vùng duyên hải bị ảnh hưởng ít nhất bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ở nước này. Trước đó, Ai Cập đã đóng cửa các sân bay hồi tháng 3 trong khuôn khổ các biện pháp hạn chế sự lây lan của Covid-19.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Ai Cập Osama Heikal ngày 11/6 cho biết, nước này sẽ gia hạn lệnh giới nghiêm vào ban đêm thêm 2 tuần nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Cụ thể, lệnh giới nghiêm này sẽ được thực hiện từ 20h-4h hằng ngày kể từ ngày 14/6 cho đến hết tháng này.
* Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 11/6 cho biết nước này có kế hoạch nởi lỏng các hạn chế về du lịch do dịch bệnh Covid-19, với việc đón tối đa 250 du khách nước ngoài mỗi ngày từ Australia, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam. Con số trên, được Nhật Bản dự kiến thực hiện trong mùa Hè này, ban đầu sẽ áp dụng với các doanh nhân. Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Abe Shinzo nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét cẩn trọng cách thức để từng bước khôi phục du lịch quốc tế, trong khi vẫn duy trì công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan".
Hiện Nhật Bản đang áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 111 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả quy định các du khách nước ngoài từng đến bất kỳ khu vực nào trong số 111 quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên trong vòng 2 tuần qua đều sẽ bị từ chối nhập cảnh.
* Điện Kremlin (Nga) ngày 11/6 đã phủ nhận đồn đoán có bất cứ điều gì không đúng trong số liệu về ca tử vong do dịch Covid-19 ở Nga, sau khi WHO trong tuần này cho rằng tỷ lệ tử vong thấp ở Nga là "khó hiểu".
Nga đã thông báo hơn 500.000 ca mắc Covid-19, trở thành nước có số ca mắc lớn thứ 3 trên thế giới, và 6.532 ca tử vong do bệnh này - con số thấp hơn nhiều lần so với các nước khác bị bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng.
Khi được hỏi liệu Điện Kremlin có cho rằng số liệu trên là kỳ lạ hay không, người phát ngôn Dmitry Peskov đáp: "Không". Ông cũng, tuyên bố cơ quan chức năng Nga sẽ sẵn sàng giải thích về số liệu trên cho WHO.