Cập nhật 7h ngày 4/4: Ghi nhận số ca nhiễm mới toàn cầu cao nhất trong 24 giờ, hơn 100.000 người mắc Covid-19 New York cầu cứu
Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và 2 phương tiện vận chuyển quốc tế lớn. Số ca nhiễm bệnh toàn cầu vượt một triệu, trong đó hơn 59.000 người chết, khiến nỗi hoang mang về hậu quả đại dịch bao trùm thế giới.
Máy bay vận tải Nga đã gửi đồ y tế đến New York. (Nguồn: Businessinsider)
Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến sáng 4/4 (giờ Việt Nam), trên thế giới hiện có 1.097.810 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó ghi nhận 82.745 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Trên toàn cầu 59.140 người đã tử vong do đại dịch Covid-19, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 228.405 người.
* Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Albany ngày 3/4, Thống đốc bang New York, Mỹ Andrew Cuomo lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ khi toàn bang này ghi nhận trên 102.000 ca nhiễm Covid-19, tăng 10.482 ca so với một ngày trước đó.
Ông Andrew Cuomo nói rằng, New York đã trải qua ngày chết chóc nhất vì dịch bệnh khi ghi nhận thêm 562 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết toàn bang lên 2.935. Ông nhấn mạnh số người tử vong tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 ngày, "New York đang gặp khủng hoảng. Hãy giúp New York", ông Cuomo kêu gọi và cảnh báo sẽ có thêm nhiều người chết trong thời gian tới do thiếu máy thở và giường bệnh.
Trước đó, ngày 30/3, Thống đốc Andrew Cuomo đã yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp và cho biết bang của ông cần khoảng một triệu nhân viên y tế để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong khi đó, nhiều người lo ngại tình trạng ở New York hiện tại có thể sớm là kịch bản lặp lại đối với các khu vực khác tại Mỹ.
Mỹ trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về người do dịch bệnh Covid-19. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, trong vòng 24 giờ từ ngày 2-3/4, Mỹ ghi nhận gần 1.500 ca tử vong, mức cao kỷ lục trên thế giới trong vòng một ngày kể từ đại dịch bùng phát.
Với 1.480 ca tử vong ghi nhận được từ 20h 30 phút ngày 2/4 (tức 7h 30 phút ngày 3/4 theo giờ Hà Nội) tới 20h 30 phút ngày 3/4 (tức 7h 30 phút ngày 4/4 theo giờ Hà Nội), tổng số ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại Mỹ là 7.406 người.
* Theo số liệu của Cơ quan Y tế công cộng Canada ngày 3/4, nước này đã ghi nhận gần 12.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong do dịch bệnh tăng gần 20% từ ngày 2/4. Trên trang web chính thức, Cơ quan Y tế công cộng cho biết, số ca mắc Covid-19 tại Canada đã tăng khoảng 16% lên thành 11.747 người, tăng từ mức 10.132 trong ngày 2/4. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng từ 127 trong ngày 2/4 lên thành 152 ca.
* Ngày 3/4, Bộ Y tế Brazil cho biết, trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 64 trường hợp tử vong và 1.146 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 359 người và nhiễm bệnh là 9.056 người.
Theo báo cáo của cơ quan y tế nước này, đây là con số tăng bình thường trong thời điểm hiện nay và dự kiến có khả năng tăng mạnh trong những tuần tới khi tiếp cận đỉnh dịch. Một lần nữa, giới chức y tế cho rằng, việc thực thi nghiêm giãn cách xã hội là cần thiết bởi các biện pháp này sẽ giúp cơ quan chức năng có thêm thời gian để tăng cường trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân trong thời gian tới.
* Ngày 3/4, chính quyền quần đảo Malvinas ở ngoài khơi phía Đông Nam của Argentina ra thông báo xác nhận cư dân đầu tiên ở vùng lãnh thổ này dương tính với SARS-CoV-2. Theo thông cáo chính thức, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh và nhập viện từ hôm 31/3. Sau đó, các xét nghiệm cho kết quả khẳng định bệnh nhân đã bị nhiễm SARS-CoV-2 và hiện đang được cách ly điều trị với sức khỏe ổn đinh.
Quần đảo Malvinas, mà Anh gọi là Falkland, là nơi mà Argentina và Anh vẫn đang tranh chấp chủ quyền từ năm 1833. Mới đây, chính phủ Argentina đã liên lạc với Đại sứ Anh tại Buenos Aires để đề nghị hợp tác hỗ trợ người dân sinh sống tại quần đảo Malvinas/ Falkland do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
* Ngày 4/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 19 ca nhiễm Covid-19, trong đó có một ca tại tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch của nước này. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong số 19 ca nhiễm mới, 18 ca là du khách tới từ nước ngoài. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục tính tới ngày 3/4 là 81.639 người, vừa ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do đại dịch lên thành 3.326 người.
* Trong khi đó, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Nga tối 3/4 thông báo đã có thêm 4 ca tử vong tại Thủ đô Moscow. Như vậy, số ca tử vong do dịch bệnh ở Thủ đô Nga đã lên tới 24 người. Trong số 4 ca mới tử vong có một người mới 34 tuổi. Người này bị bệnh viêm phế quản mãn tính, có vấn đề với tim và tuyến tụy.
Nga thông báo tổng cộng đã có 4.149 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại 78 địa phương của nước này, trong đó có 34 ca tử vong và 281 người đã khỏi bệnh.
* Chính phủ Ukraine ngày 3/4 đã áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm lan rộng của SARS-CoV-2, song cho biết, họ hy vọng các biện pháp này sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 4.
Trong một ngày qua, Ukraine ghi nhận thêm 138 trường hợp nhiễm Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm bệnh lên 942 người với 23 ca tử vong. Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal tuyên bố trên truyền hình: “Tình trạng lây nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục lan rộng ở Ukraine. Cách duy nhất để phá vỡ chuỗi lây nhiễm và cứu tính mạng là tăng cường các biện pháp cách ly”.
* Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/4 thông báo, quốc gia này ghi nhận thêm 2.786 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 20.921 người. Trong ngày, số trường hợp tử vong do chủng virus nguy hiểm này cũng tăng thêm 69 ca, nâng tổng ca tử vong lên 425 người.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, nước này đã áp đặt lệnh giới nghiêm đối với công dân dưới 20 tuổi kể từ đêm 3/4, như một phần trong những giải pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra quyết định bắt buộc sử dụng khẩu trang nơi công cộng và đóng cửa 31 thành phố trên toàn quốc đối với các phương tiện giao thông, ngoại trừ hoạt động vận chuyển các nguồn cung thiết yếu.
* Ngày 3/4 truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn thông báo của Bộ Y tế cho hay, nước này đã phát hiện thêm 120 ca nhiễm Covid-19. Nước này cũng đã ghi nhận có thêm 8 trường hợp tử vong do Covid-19. Đây là những con số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất trong một ngày được ghi nhận cho đến nay ở Ai Cập. Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập đã lên tới 985 trường hợp trong khi số ca tử vong hiện là 66 người.
Giới chức y tế Pháp cho biết, nước này chưa chạm đến đỉnh dịch, tình hình còn quá phức tạp nên chưa thể tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại. (Nguồn: Yahoo)
* Với 40.768 ca tử vong trong số tổng cộng 574.525 ca mắc Covid-19, châu Âu là châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tính đến tối 3/4, Pháp xác nhận 6.507 ca tử vong liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có 5.091 ca trong bệnh viện và 1.416 ca trong các trại dưỡng lão.
Số người nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận qua xét nghiệm là 64.338 bệnh nhân. Trong số 27.432 trường hợp đang nhập viện, 6.662 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt. Đến nay, 14.008 người đã khỏi bệnh và xuất viện. Giới chức y tế nhấn mạnh, nước này chưa chạm đến đỉnh dịch, tình hình còn quá phức tạp nên chưa thể tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại.
* Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 3/4, nước này ghi nhận thêm 4.585 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 119.827 trường hợp. Số ca tử vong do Covid-19 tăng lên 14.681 trường hợp (tăng 766 ca). Số ca hồi phục tăng lên 19.758 ca (tăng 1.480 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.741 ca nhập viện, 4.068 ca phải điều trị tích cực và 52.579 ca cách ly tại nơi ở.
Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy Angelo Borrelli, tình trạng phong tỏa có thể sẽ kéo dài tới sau ngày 13/4, thời hạn kết thúc của Sắc lệnh được ký hôm 1/4, thậm chí người dân Iatly cũng sẽ phải ở nhà vào dịp lễ Quốc tế Lao động 1/5. Italy có thể bước vào giai đoạn 2 (sống chung với dịch bệnh) vào thời điểm giữa tháng 5. Tuy nhiên, ông Angelo Borrelli cũng cho biết, “thời điểm cụ thể sẽ phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ dựa trên số liệu và phân tích của các nhà khoa học về tình hình dịch bệnh trong những ngày tới”.
* Quốc hội Bulgaria ngày 3/4 đã thông qua việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới SARS-CoV-2, khi mà nước này đã ghi nhận 485 ca mắc bệnh.
Hôm 13/3, Quốc hội của quốc gia Biển Đen đã bỏ phiếu nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài tới ngày 13/4. Tính tới ngày 3/4, Bulgaria đã ghi nhận 14 ca tử vong do Covid-19.
* Ngày 3/4, Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch Covid-19 cho biết, tính đến chiều 3/4 theo giờ địa phương, Algeria đã ghi nhận số ca mắc bệnh Covid-19 vượt 1.000 người.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, Algeria đã ghi nhận thêm 185 ca mắc và 22 người tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 1.171 người, trong đó có 105 ca tử vong. Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria ghi nhận số ca mắc và tử vong vì Covid-19 đứng thứ 2 tại châu Phi, chỉ sau Nam Phi, tuy nhiên tỷ lệ tử vong do Covid-19 lại đứng đầu châu Phi, gần 9%.
Hiện số ca mắc Covid-19 đã lan rộng ở 42/44 tỉnh thành trên khắp Algeria, trong đó các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm Blida, Algsers, Oran, Et Tizi Ouzou. Theo ủy ban trên, hiện Algeria cũng đã chữa khỏi thêm cho tổng cộng 62 bệnh nhân, hiện vẫn còn 419 người đang được điều trị ở bệnh viện.
* Ngày 3/4, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize thông báo tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này năng đã tăng lên 1.505 ca so với 1.462 trường hợp trong 24 giờ trước đó, trong đó bao gồm 7 ca tử vong.
Theo Bộ trưởng Y tế Mkhize, cho đến thời điểm hiện tại, lực lượng y tế Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 50.000 người. Nam Phi hiện đang trong ngày thứ 8 áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày nhằm giảm đà lây lan của dịch Covid-19. Theo quy định, trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân không được phép ra khỏi nhà trừ một số trường hợp đặc biệt như đi khám bệnh, mua thực phẩm thiết yếu, thuốc men và đi nhận tiền trợ cấp.