Cập nhật bão số 3: Hà Nội gió mạnh, mưa lớn nhưng chưa phải lúc bão mạnh nhất

Cập nhật bão số 3 ngày 7/9, Hà Nội mặc dù có gió mạnh và mưa lớn khiến cây đổ nhiều, nhưng chưa phải lúc bão mạnh nhất.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/9, nhiều câu hỏi liên quan bão số 3 - bão Yagi và công tác phòng, chống đã được báo chí nêu.

Thiệt hại do bão số 3 khi vào đất liền đã rất nặng nề

Tại họp báo, ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung cấp cho báo chí thông tin mới nhất về tình hình cơn bão số 3 và công tác ứng phó, giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại.

"Chiều và đêm 7/9, bão số 3 di chuyển vào đất liền. Đến 1h ngày 8/9, đạt cấp 8, giật cấp 10 trên đất liền khu vực Đông Bắc Bộ. Đây là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước rất quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 Công điện chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai ứng phó với bão", ông Luận nói.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận thông tin về tình hình cơn bão số 3 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận thông tin về tình hình cơn bão số 3 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về thiệt hại, đến thời điểm hiện tại, ghi nhận 1 người tại Hải Dương bị thiệt mạng do cây đổ khi đang lưu thông trên đường; 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); hơn 100 cây xanh bị đổ ở Quảng Ninh và Hải Phòng.

"Hiện nay chưa thể thống kê được, vì ở Quảng Ninh hiện tại không ai ra đường. Trao đổi qua điện thoại, Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là hệ thống cây xanh, cột điện, nhà tôn, mái ngói... bay hết. Đến sáng mai, mới có thể kiểm đếm hết những thiệt hại này", ông Luận thông tin.

Nhấn mạnh về những công việc cần triển khai tiếp theo, Cục trưởng Cục Đê điều và phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận nêu sẽ thực hiện nghiêm túc 3 công điện của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão và mưa lũ để chủ động xử lý các tình huống sát với thực tiễn, trong đó tập trung duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè.

"Chúng tôi lưu ý người dân không nên ra đường khi bão đổ bộ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Người dân Thủ đô từ nay đến 20h không nên ra đường", ông Luận khuyến cáo.

Mưa ở Hà Nội có thể kéo dài trong ngày 8/9

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin về dự báo diễn biến cơn bão số 3.

Theo ông Lâm, đầu giờ chiều ngày 7/9, bão số 3 đã có dấu hiệu suy yếu. Gió tại Bãi Cháy lúc 15h ngày 7/9 đã giảm còn cấp 8. Hiện nay xu hướng bão vào đất liền tiếp tục suy yếu.

"Các khu vực xa xôi trong đất liền như Hà Nội mặc dù có gió và mưa, cây đổ nhiều nhưng chưa phải lúc bão mạnh nhất", ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Ảnh: VGP: Nhật Bắc

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Ảnh: VGP: Nhật Bắc

Dự báo thời gian gió mạnh tại một số địa phương như sau: Hải Phòng - Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình - Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16 - 22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.

Vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng… mưa còn kéo dài hết đêm ngày 7/9 và khoảng đến tầm 4h sáng ngày 8/9 mưa và gió sẽ giảm nên sáng ngày 8/9 là an toàn.

Đối với khu vực sâu hơn một chút như Hà Nội, gió bắt đầu lặng từ 1h sáng ngày 8/9 nhưng mưa có thể kéo dài đến 8-9h sáng ngày 8/9. Trưa ngày 8/9, khu vực thành phố Hà Nội tương đối an toàn.

Đối với khu vực trung du miền núi như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình mưa sẽ muộn hơn. Từ 19h ngày 7/9 mưa sẽ tăng. Cả ngày 8/9 mưa sẽ nặng hơn. Ngày 8/9 mưa chỉ tập trung ở trung du miền núi nên nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở cao.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cap-nhat-bao-so-3-ha-noi-gio-manh-mua-lon-nhung-chua-phai-luc-bao-manh-nhat-344120.html