Cập nhật cho giám thị các tình huống xử lý trong kỳ thi THPT quốc gia
Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước trong kỳ thi THPT quốc gia. Để đảm bảo kỳ thi này diễn ra an toàn, ngày 21-6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phổ biến những điểm mới cần đặc biệt quan tâm và cách xử lý một số tình huống đặc thù có thể xảy ra trong các buổi thi.
Lập biên bản nhiều là tuyên truyền chưa tốt
Trước thời điểm chính thức diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 3 ngày, ông Bùi Quang Thái - Phó trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, Sở đã yêu cầu Ban chỉ đạo thi các quận huyện cần quan tâm đặc biệt đến các phòng thi gần nhà dân, gần đường giao thông. Các phòng thi này phải có cửa sổ chắc chắn và đóng kín khi thí sinh đang thi để đảm bảo không để đề thi lọt ra ngoài. Điểm trưởng phải nắm kỹ nội dung công việc từng điểm thi, phải tập trung cao trong chỉ đạo, không chủ quan theo kinh nghiệm cá nhân, nếu vướng mắc cần gọi ngay cho Ban chỉ đạo thi thành phố để sẵn sàng xử lý các vấn đề liên quan.
Sở cũng yêu cầu các điểm trưởng điểm thi quán triệt kỹ đến cán bộ coi thi khi tổ chức buổi thi, nhắc lại quy chế cho thí sinh ở từng buổi thi, tổ chức nghiêm nhưng không gây căng thẳng trong phòng thi. Tập trung, nắm bắt phát hiện sớm gian lận thi cử. “Năm 2018, Hà Nội có số biên bản xử lý vi phạm thí sinh cao nhất. Tôi đánh giá cao sự nghiêm túc của giám thị, nhưng cũng cho thấy khâu tuyên truyền, ngăn ngừa chưa tốt. Điều cần hơn là làm sao để thí sinh không thể và không dám vi phạm quy chế” - ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh.
Riêng với việc tổ chức cho thí sinh làm bài thi tổ hợp, ông Bùi Quang Thái lưu ý, thí sinh phải đến trước giờ phát đề 10 phút. Ngay sau giờ làm bài, giám thị thu đề thi, giấy nháp, đồng thời cho thí sinh chờ ngoài phòng thi vào vị trí, nhưng không được cho vào trước gây ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh đang thi môn thành phần. Thí sinh dự thi hết môn thứ nhất, thứ hai, nhưng không thi môn thứ ba thì không được về ngay mà quay lại phòng chờ, đợi hết 2/3 thời gian môn thi cuối cùng mới được rời trường thi. Trong quá trình chờ đợi, thí sinh hoàn toàn không được sử dụng điện thoại di động.
Cảnh báo các thiết bị gian lận thi cử
Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, CATP Hà Nội đã cảnh báo một số thiết bị gian lận thi cử phổ biến đang được sử dụng nhiều trong thời gian vừa qua.
Ông Hà Quang Huy - Phòng An ninh chính trị nội bộ (CATP Hà Nội) cho biết, qua theo dõi thực tiễn công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn thành phố những năm vừa qua, đơn vị đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến đối tượng có hoạt động kinh doanh, buôn bán các thiết bị công nghệ cao để bán cho thí sinh phục vụ gian lận khi thi cử.
Theo ông Huy, hiện số lượng và chức năng của các thiết bị công nghệ này rất đa dạng, đặc biệt là các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, thu phát sóng, nên nếu không chủ động nhận diện chính xác các thiết bị này và có thái độ kiên quyết chống tiêu cực, gian lận thi cử thì rất khó phát hiện. “Nếu để thí sinh mang trót lọt các thiết bị này vào phòng thi và sử dụng thì kết quả chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng, vì ngay lập tức đề thi sẽ bị lộ và có thể lan truyền trên mạng xã hội gây hậu quả khôn lường” - ông Hà Quang Huy cảnh báo.
Được biết, trên thị trường hiện nay các đối tượng đang giao dịch hai dạng thiết bị thu phát phổ biến là loại có dây và không dây. Thiết bị có dây thường được các thí sinh ngụy trang dưới cổ áo, giấu trong trang phục, hay khâu chìm bên trong các lớp áo để tránh sự phát hiện của cán bộ coi thi. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn chính là các thiết bị thu phát không dây được ngụy trang khéo léo dưới dạng như: cúc áo, thẻ ATM, bút, USB, chìa khóa xe ô tô, kính cận, máy tính Casio có lắp đặt hệ thống thu phát sóng, đồng hồ… Trên thực tế, các thiết bị này đều có chức năng thu phát toàn bộ tín hiệu, thậm chí thu phát bằng hình ảnh để phục vụ gian lận thi.
Ông Hà Quang Huy cho rằng, các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao ngày càng tinh vi, nhỏ gọn, nên cán bộ coi thi rất khó phát hiện. Có những thiết bị phát ra âm thanh rất nhỏ mà chỉ có thí sinh mới nghe được, thí sinh sẽ chuyển đề ra bên ngoài cũng như nhận lời giải qua các thiết bị này. Để hạn chế, cán bộ coi thi cần tuyên truyền, nhắc nhở thí sinh tuyệt đối không mang các thiết bị phục vụ cho gian lận thi cử vào phòng thi. Đồng thời, có thái độ răn đe, nêu rõ hậu quả đối với thí sinh nếu bị phát hiện xử lý.
Tạo điều kiện tối đa phục vụ kỳ thi THPT quốc gia
Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các địa phương kiểm tra hoàn thiện cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng bảo quản đề thi, bài thi, phải tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ trực đêm tại điểm thi. Tôi giao trách nhiệm cho các Phòng GD-ĐT rà soát, chỉ đạo các điểm thi, dành phòng có đủ điều kiện nhất cho Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng để làm phòng bảo quản đề thi, tránh việc né tránh, chỉ bố trí văn phòng hay phòng y tế, thiếu điều kiện cần thiết cho cán bộ ứng trực 24h tại đây. Lãnh đạo các điểm thi cần quán triệt nghiêm túc, đầy đủ quy chế coi thi đến toàn bộ cán bộ nhân viên điểm thi, quán triệt cho thí sinh, đảm bảo mọi người nắm chắc quy chế thi, đặc biệt là những điểm mới của kỳ thi, nhất là bài thi tổ hợp.