Cập nhật Covid-19 ngày 1/4: Brazil phát hiện biến thể mới, dịch đang tồi tệ; Thời gian miễn dịch của người từng mắc; Cảnh báo 'phương thuốc kỳ diệu'
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 129,47 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 2,83 triệu ca tử vong và hơn 104,41 triệu bệnh nhân bình phục.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 565.256 ca tử vong trong tổng số 31.166.344 ca nhiễm.
Theo dữ liệu tạm thời do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 31/3, Covid-19 đứng thứ 3 trong những nguyên nhân gây tử vong tại Mỹ trong năm 2020.
Theo báo cáo này, bệnh tim gây ra 690.000 ca tử vong, ung thư là 598.000 ca và Covid-19 là 345.000 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, CH Czech là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 247 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 212 người và Montenegro 200 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 43,5 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 953.800 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribbean, với hơn 778.200 ca tử vong trong hơn 24,6 triệu ca nhiễm.
Bắc Mỹ có hơn 573.900 ca tử vong trong hơn 31,3 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 271.600 ca tử vong trong hơn 17,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 113.700 ca tử vong, châu Phi có hơn 112.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 993 người.
* Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo, làn sóng Covid-19 mới đang hoành hành ở châu Mỹ có thể sẽ kéo dài hơn so với trước đây như đang xảy ra ở Brazil, Uruguay và Cuba, đồng thời khuyến cáo các nước cần siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết, số ca mắc bệnh mới ở khu vực châu Mỹ sẽ tăng lên một cách đáng lo ngại, thậm chí là tại cả các nước đã vượt qua được làn sóng Covid-19 thứ nhất nếu không có những biện pháp đối phó phù hợp.
Bà Etienne nhấn mạnh, tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại Brazil khi số ca mắc bệnh mới và tử vong tăng đột biến và tỷ lệ sử dụng của các khoa chăm sóc tích cực tại các bệnh viện chiếm tới 80%.
Hiện Brazil đang trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất với tỷ lệ lây nhiễm đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Các ca tử vong do Covid-19 tại nước Nam Mỹ chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong do dịch bệnh này trên toàn thế giới, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Ngày 31/3, Viện Y sinh Butantan của Brazil thông báo nước này mới đây đã phát hiện ra một biến thể mới của virus SARS-Cov-2 tương tự như biến thể được phát hiện lần đầu ở Nam Phi.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Viện Y sinh Butantan Dimas Covas cho hay, bệnh nhân được phát hiện nhiễm chủng mới này chưa đi du lịch hay tiếp xúc với du khách đến từ Nam Phi.
Ông Covas nhấn mạnh, khả năng đây là loại biến thể phát triển từ chính chủng P1 được phát hiện tại Brazil trước đó.
Tại Cuba, ngày 31/3, Bộ Y tế nước này thông báo, trong 24 giờ qua ghi nhận 1.051 ca mắc Covid-19 mới, con số cao nhất kể từ đầu mùa dịch, đồng thời nâng tổng số người mắc bệnh lên 75.263 trường hợp.
Cũng theo báo cáo cập nhật hàng ngày về tình hình dịch bệnh của Bộ Y tế Cuba, thủ đô Havana vẫn tiếp tục là “điểm nóng” Covid-19 của cả nước, với 477 ca, chiếm gần 50% tổng số ca mắc mới trong ngày.
Trong buổi họp với ủy ban theo dõi dịch bệnh của chính phủ hàng ngày hôm 30/3, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã kêu gọi rà soát lại các chiến lược đối phó với đại dịch Covid-19 tại thủ đô của Cuba, đồng thời cảnh báo rằng, việc ngăn chặn được sự lây nhiễm hoàn toàn là một thách thức trong thời gian chờ đợi vaccine.
Cuba đang phát triển 5 loại vaccine ngừa Covid-19, trong đó hai ứng cử viên vaccine Soberana 2 và Abdala đang trong giai đoạn III-giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm lâm sàng. Chính phủ đảo quốc Caribbean cũng đặt mục tiêu tiêm đại trà ngừa Covid-19 cho toàn dân trước khi kết thúc năm 2021.
* Tại châu Á, kể từ ngày 1/4, Thái Lan bắt đầu thực hiện nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19 đối với người nhập cảnh nhằm thúc đẩy du lịch, rút ngắn thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, đồng thời cho phép người được cách ly tham gia nhiều hoạt động hơn.
Thời gian cách ly 10 ngày được áp dụng đối với cả người Thái Lan và người nước ngoài nhập cảnh, trừ những trường hợp đến từ 11 nước châu Phi có biến thể của virus SARS-CoV-2 hoành hành.
Trong thời gian này, người nhập cảnh sẽ được xét nghiệm Covid-19 hai lần, trong khoảng từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 10 sau nhập cảnh. Người nước ngoài khi đến Thái Lan vẫn cần có kết quả xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ.
Riêng tại 6 tỉnh trọng điểm về du lịch là Phuket, Krabi, Phang Nga, Surat Thani (Koh Samui), Chon Buri (Pattaya) và Chiang Mai, khách du lịch nước ngoài có giấy chứng nhận tiêm chủng (VC) sẽ được giảm thời gian cách ly xuống chỉ còn 7 ngày.
Ngày 31/3, Nhật Bản sẽ áp dụng quy định về các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 3 tỉnh có xu hướng dịch tăng cao trong thời gian gần đây là Osaka, Hyogo và Miyagi trong khoảng thời gian 1 tháng, kể từ ngày 5/4 đến ngày 5/5.
Quy định về các biện pháp phòng dịch trọng điểm được coi là biện pháp phòng ngừa chủ động khi dịch bùng phát, mức độ thấp hơn so với ban bố tình trạng khẩn cấp và được quy định trong Luật về các biện pháp đặc biệt phòng chống các chủng cúm mới được chính phủ Nhật Bản sửa đổi vào đầu năm nay.
Chính quyền các địa phương không chỉ được quyền đưa ra yêu cầu hợp tác mà còn được áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế như ra mệnh lệnh hành chính buộc các cửa hàng ăn uống rút ngắn thời gian kinh doanh.
Các trường hợp không chấp hành mệnh lệnh có thể bị phạt tiền tối đa 200.000 Yen.
Ngày 31/3, Nhật Bản ghi nhận 2.843 ca nhiễm Covid-19 mới, đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới vượt mức 2.000 người.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Myanmar thông báo sẽ gia hạn lệnh hạn chế nhập cảnh đối với tất cả các du khách đến ngày 30/4 tới.
Theo đó, Myanmar sẽ gia hạn lệnh đình chỉ tạm thời đối với tất cả các loại thị thực. Ngoài ra, các dịch vụ hàng không quốc tế cũng sẽ tạm dừng đến cuối tháng 4 nhằm ngăn chặn nguy cơ các ca mắc Covid-19 xâm nhập.
Theo công bố cùng ngày của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, nước này đã ghi nhận thêm 22 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 142.434 ca, trong đó có 3.206 ca tử vong.
* Tại châu Âu, theo Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh khu vực này (ECDC), Liên minh châu Âu (EU) không đạt được mục tiêu tiêm chủng phòng Covid-19 cho 80% người trên 80 tuổi và nhân viên điều dưỡng vào cuối tháng 3 vừa qua.
Số liệu công bố ngày 31/3 của ECDC cho thấy có 59,8% người trên 80 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên. Tỷ lệ này là 50,6% ở Bỉ và chỉ có 17,7% người dân Bỉ được tiêm chủng đầy đủ. Các tỷ lệ này ở nhân viên điều dưỡng lần lượt là 60,1% và 47%.
Bất chấp những nỗ lực phân phối liều lượng vaccine một cách công bằng giữa 27 quốc gia thành viên EU, tỷ lệ tiêm chủng rất khác nhau. Malta đã tiêm mũi đầu tiên cho 95% những người trên 80 tuổi.
Các quốc gia như Ireland và Phần Lan đang đạt được mục tiêu của EU, nhưng ở Bulgaria, việc tiêm chủng cho đến nay mới chỉ đạt 5% đối tượng này.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài từ 3-4 tuần.
Theo ghi nhận mới nhất của Bộ Y tế Pháp, nước này có 59.038 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 5.053 người trong tình trạng nguy kịch, tăng so với con số 5.072 của một ngày trước đó.
Moldova cũng đã quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp do Covid-19 kéo dài 60 ngày, bắt đầu từ ngày 1/4.
* Tại châu Đại Dương, giới chức Australia cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thành phố lớn thứ ba nước này Brisbane, bang Queensland sau khi bang này chỉ ghi nhận 1 ca mắc mới trong ngày.
Tuy nhiên, chính quyền bang cho hay người dân vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, các cuộc tụ tập chỉ được phép diễn ra với tối đa 30 người, hoạt động giải trí công cộng vẫn bị cấm và các cơ sở kinh doanh hoạt động phải đảm bảo giãn cách xã hội.
Australia đã nỗ lực kìm hãm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 thông qua nhiều biện pháp như đóng cửa biên giới, áp đặt lệnh phong tỏa nhanh và truy vết thần tốc. Cho đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 22.000 ca mắc Covid-19, trong đó có 909 ca tử vong.
Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế cảnh báo tiến trình tiêm vaccine chậm hơn dự kiến đang làm gia tăng nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới.
Cho đến cuối tháng 3, khoảng 670.000 liều vaccine đã được tiêm cho người dân nước này, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4 triệu liều mà chính phủ đưa ra.
Tại Nga, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko cho biết, những người từng mắc bệnh ở thể nhẹ thường có (miễn dịch) trong 6 tháng. Các bệnh nhân bị bệnh nặng cũng như những người phát triển một cơ chế phản ứng miễn dịch tốt, đôi khi họ duy trì được khả năng miễn dịch lâu hơn một chút.
* Liên quan thuốc kháng ký sinh trùng ivermectin, được một số người rao bán trên mạng xã hội như một "phương thuốc kỳ diệu" chữa bệnh Covid-19, ngày 31/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, không nên được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, ngoại trừ trong trường hợp thử nghiệm lâm sàng.
* Về vaccine ngừa Covid-19, ngày 31/3, BioNTech-Pfizer tuyên bố, sản phẩm của liên doanh này đã cho thấy đạt 100% ở trẻ từ 12-15 tuổi, dựa trên các thử nghiệm giai đoạn 3 được thực hiện trên 2.260 thanh thiếu niên ở Mỹ, trong bối cảnh chuẩn bị chấp thuận tiêm vaccine này cho trẻ vị thành niên trước năm học tới.
(tổng hợp)